| Hotline: 0983.970.780

Canh tác lúa thông minh

Thứ Ba 11/10/2016 , 06:50 (GMT+7)

Mô hình canh tác lúa thông minh tại Long An đã đạt được mục tiêu của chương trình đề ra, vấn đề quan trọng nhất được ban tổ chức đặt ra với các mô hình này là người nông dân phải trở thành chuyên gia...

img-4409093829411
 

Nhằm tháo gỡ khó khăn, cùng chia sẻ những kinh nghiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu đàn trong lĩnh vực nông nghiệp, Cty CP Phân bón Bình Điền phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm BVTV phía Nam và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh ĐBSCL thực hiện “Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH".

Chương trình bắt đầu từ vụ HT 2016 được thực hiện ở tất cả 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL, với tổng diện tích 32,5ha với 65 hộ nông dân tham gia.

Với mục tiêu giúp nông dân trồng lúa nắm bắt được các kiến thức khoa học, tự ứng phó được với các điều kiện bất lợi của môi trường, các mô hình được xây dựng ngay tại vùng canh tác lúa trọng điểm và gặp nhiều khó khăn do hạn hán, nhiễm phèn, nhiễm mặn…

Để đạt được những mục tiêu trên, ban tổ chức đã mời 10 nhà khoa học đầu ngành về nông nghiệp làm cố vấn, chịu trách nhiệm về việc soạn thảo tài liệu kỹ thuật, tập huấn nông dân ở hội trường cũng như ra đến tận đồng ruộng để hướng dẫn các kinh nghiệm thực tế.

Ngoài ra, Cty Bình Điền đã cung cấp miễn phí cho nông dân thực hiện mô hình lúa giống và toàn bộ lượng phân bón phù hợp với các điều kiện sản xuất bất lợi, trong đó đặc biệt là sản phẩm Đầu Trâu Mặn - Phèn (giúp nâng cao pH, tăng tính chống chịu của cây lúa với phèn, mặn và các điều kiện bất lợi khác) và bộ sản phẩm chuyên dùng lúa TE A1, TE A2 cung cấp dinh dưỡng cân đối và hợp lý với các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.

Mô hình canh tác lúa thông minh tại Long An đã đạt được mục tiêu của chương trình đề ra, vấn đề quan trọng nhất được ban tổ chức đặt ra với các mô hình này là người nông dân phải trở thành chuyên gia, để tự ứng phó với các điều kiện sản xuất bất lợi, nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập và có khả năng truyền đạt các kiến thức học được cho các nông dân khác cùng áp dụng.

Tại Long An, mô hình được thực hiện tại ấp Hòa Hưng, xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh – một trong những nơi nhiễm phèn và thường xuyên gặp nhiều bất lợi trong canh tác lúa vụ HT. Giống như các mô hình khác, cả 5 nông dân thực hiện mô hình tại Long An đều được các nhà khoa học tập huấn rất kỹ về các biện pháp kỹ thuật canh tác, áp dụng giảm giống và bón phân theo nhu cầu cây lúa. Với lượng giống gieo sạ chỉ 80kg/ha tương đương 8kg/công, bước đầu hầu hết nông dân đều lo lắng, tuy nhiên theo dõi sự phát triển của cây lúa và bón phân hợp lý đã giúp cho ruộng lúa phát triển tốt.

Ông Vũ Đình Toán, một nông dân trong đã thực hiện mô hình cho biết: “Đây là mô hình rất hay, giúp nông dân nhận thức được nhiều vấn đề quan trọng mà trước đây chúng tôi vẫn luôn xem thường. Chẳng hạn về lượng giống gieo sạ, thông thường, chúng tôi xuống giống khoảng 130 - 150kg/ha, nhưng trong mô hình các nhà khoa học khuyến cáo sạ 80kg/ha và kết quả là vừa tiết kiệm giống, cây lúa lại ít sâu bệnh, giảm được nhiều chi phí”.

GS.TS Mai Văn Quyền, nguyên Phó Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp miền Nam trong một lần thăm mô hình đã cho biết: “Qua khảo sát trên mô hình thí điểm của nhiều hộ trước khi gieo sạ đất bị nhiễm phèn, nếu không có giải pháp thì phèn sẽ làm cho rễ lúa kém phát triển. Trong mô hình nông dân được cung cấp phân chuyên dùng bón lót Đầu Trâu Mặn - Phèn, giúp cây nâng cao pH đất, giảm phèn nên rễ lúa phát triển tốt. Và thực tế cây lúa đang phát triển rất tốt, nông dân có thể giảm được lượng bón phân bón thúc”.

Ngày 15/8, sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện mô hình, các ruộng lúa đã thu hoạch. Kết quả thực hiện được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Long An báo cáo cho thấy, năng suất bình quân trong mô hình đạt 5,6 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 350kg/ha, lợi nhuân trong mô hình đạt 26,4 triệu/ha, cao hơn trên 1 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.

Theo cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình, vụ lúa HT năm nay tình hình sâu bệnh đặc biệt là bệnh đạo ôn và vi khuẩn tấn công rất nặng, nhiều ruộng lúa trong khu vực bị giảm năng suất rất nặng nề. Tuy nhiên, các ruộng trong mô hình tình hình sâu bệnh hại không đáng kể, từ đó góp phần giúp giảm chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất.

Tham gia hội thảo tổng kết mô hình, PGS.TS Mai Thành Phụng, một trong 10 cố vấn của chương trình nhận xét: “Tôi đánh giá cao nỗ lực của nông dân tham gia mô hình, năng suất vụ HT nông dân làm bình quân 5,6 tấn/ha đối với giống VD20 như vậy thật sự rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nông dân cần hạn chế 1 -2  lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật nữa thì mới hoàn chỉnh quy trình canh tác mà chúng tôi đưa ra. Hy vọng vụ sau và những vụ tiếp theo nông dân vẫn sẽ áp dụng canh tác lúa thông minh và tiếp tục truyền đạt cách làm này đến nhiều nông dân hơn để chúng ta cùng làm, cùng hưởng lợi, nhất là trong điều kiện hội nhập TPP”.

Việc thay đổi tập quán canh tác của nông dân là rất khó khăn, nhưng với các điều kiện sản xuất ngày càng bất lợi như hiện nay thì bà con phải thay đổi, phải tiếp thu nhanh các kiến thức mới và vận dụng vào trong thực tế sản xuất của mình.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.