| Hotline: 0983.970.780

Đời nuôi ong du mục

Thứ Tư 08/09/2010 , 10:37 (GMT+7)

Họ chẳng khác gì dân du mục sống bằng nghề chăn nuôi trên những cao nguyên Mông Cổ...

Họ chẳng khác gì dân du mục sống bằng nghề chăn nuôi trên những cao nguyên Mông Cổ. Chỉ có điều họ không mang theo con cái, nhà cửa mà cứ ba bốn tháng một lần họ nhổ những chiếc lán lợp bằng vải bạt lụp xụp mang theo những đàn ong đến miền đất mới.

Hơn chục năm nay người dân sống trên đèo Cao Phạ (Mù Cang Chải, Yên Bái) cứ tới đầu tháng 7 lại thấy những người nuôi ong lưu động không biết từ đâu tới đặt hàng trăm đõ ong dưới tán cánh rừng thông chỉ cách đỉnh đèo một đoạn. Mấy chiếc lều bạt thấp lè tè dựng thấp thoáng trong rừng, ngoài ra chả nhìn thấy gì khác, có lẽ gia sản lớn nhất của họ chính là những đõ ong mật?

Lều trại của những người nuôi ong du mục

Nhiều năm đi lại trên tuyến đường này đã nhiều lần thấy họ, nhưng chưa một lần tôi đến được chỗ đặt các đõ ong, bởi lều của họ đặt sâu trong hẻm núi, muốn tới được phải đi một đoạn đường vòng khá xa và leo qua một bờ rào cao ngất nghểu. Không hiểu vì sao năm nay họ lại đặt các đõ ong ngay cạnh đường, điều này khiến tôi tò mò vào xem.

Trong căn lều dựng ngay cạnh lối vào ông Quách Văn Sâu đang nằm nghe bản nhạc phát ra từ chiếc đài bán dẫn đặt cuối chiếc phản kê chỉ cao hơn mặt đất chừng một gang tay. Gương mặt ông Sâu thật hiền, thuần chất một lão nông cày ruộng, điều ấy khiến tôi khó tin nổi đã mấy chục năm nay ông theo những đàn ong đi lang thang, vạ vật khắp mọi nơi. Một người như thế, thường là những người có gương mặt hung dữ, nói năng bặm trợn, khiến cho những kẻ giang hồ có ý định chiếm đoạt những đõ ong kia phải kiêng dè. Nhưng đối với ông thì ngược lại, ông cười thật hiền bảo:

- Thằng bé nhà tôi làm “giám đốc”, để tôi gọi nó sang nói chuyện với bác…

Nghe có tiếng người lạ, từ chiếc lều dựng phía đầu bãi thằng Quách Văn Ngoan mặc chiếc áo may ô ba lỗ màu vàng cũ kỹ đi tới. Vị “giám đốc” mặt non choẹt, năm nay mới 20 tuổi được bố phong chức “giám đốc” lặng lẽ chui vào lều tựa lưng vào chiếc chăn nhìn tôi một cách tò mò và ngỡ ngàng. Được biết vị “giám đốc” trẻ này mới học hết lớp 9 nhưng đã 5- 6 năm nay theo cha nuôi ong du mục. Mặc dù mới chuyển lên đèo Cao Phạ từ cuối tháng 7, nhưng tôi cảm giác có lẽ đã lâu lắm rồi nó mới gặp một người lạ bước chân vào lều của cha con nó trò chuyện về những bầy ong.  

“Tổng GĐ” Nguyễn Văn Nam kiểm tra sinh trưởng của đàn ong

Ông Sâu cho hay: Gia đình tôi ở xã Tản Lĩnh huyện Ba Vì, TP Hà Nội, tôi làm nghề nuôi ong mật du cư mấy chục năm rồi, trước đây khai thác mật quanh khu vực núi Ba Vì, mười lăm năm nay lên Nghĩa Lộ, còn tới Mù Cang Chải chừng 10 năm nay – Ông chỉ phía trong hẻm núi – Những năm trước chúng tôi để ong dưới tán rừng thông trong kia, năm nay chuyển ra đây vì vận chuyển hơn hai trăm đõ ong vào trong đó xa quá, mất nhiều công. Năm nay chúng tôi chuyển ra đây cho tiện đường, để ong ngoài này xe cộ và người đi lại nhiều cũng lo về an ninh, nhưng bà con người Mông ở trên này họ tốt lắm, chẳng ai đến gây phiền hà cho chúng tôi cả…

Vị “giám đốc” được bố phong chức tỏ ra khá thông thạo về mùa vụ, vòng di chuyển và kỹ thuật nuôi ong, cậu ta bảo: Đầu năm ở trên này vẫn là mùa đông trời rất rét, mù mịt như mưa phùn, nhiều năm nước đóng băng trên các ngọn cỏ. Lúc đó phải chuyển đàn ong xuống vùng thấp. Đầu năm “đánh” mật vải vùng Sơn Tây, đây cũng là thời kỳ nghỉ ở nhà ăn Tết, đến tháng tư mùa hoa vải ở quê hết thì chuyển đàn ong lên Nghĩa Lộ. Nghĩa Lộ là vùng nhãn lớn, trời ấm và khô không có mưa phùn như ở dưới xuôi nên rất thuận tiện cho ong lấy phấn hoa. Sau khi hết mùa hoa nhãn lúc đó lại chuyển đàn về Ba Vì “đánh” hoa keo. Mật hoa keo trắng và rất thơm, chất lượng mật tốt nên không thể bỏ qua mùa hoa keo được. Hết mùa keo đến cuối tháng 7 thì đưa đàn ong lên Mù Cang Chải “đánh” các loại hoa rừng - Dường như đã “cạn vốn” để nói chuyện với tôi, vị “giám đốc” bảo: Cháu gọi chú Nam sang nói chuyện với bác, chú ấy là “tổng giám đốc” ở đây…

Ông Quách Văn Sâu truyền nghề nuôi ong cho con trai

Những người nuôi ong ở đây thật vui tính, chỉ có ba người mà có chức danh “giám đốc” và “tổng giám đốc”. Nếu kể cả “quân” là mấy chục triệu con ong thì hai chức danh kia cũng rất xứng đáng với họ. “Tổng giám đốc” Nguyễn Văn Nam ở lều bên cạnh, tôi không vào căn lều của anh, nhưng nhìn đồ đạc xếp quanh lều và dây điện giăng mắc lằng nhằng trên mái lều đủ hiểu anh là đúng “tổng giám đốc” ở đây.

 Anh Nam tỏ ra rất am hiểu về kỹ thuật nuôi ong, anh bảo: Đời con ong mật chỉ kéo dài 45-50 ngày, so với nhiều loài sinh vật khác đời của một con vô cùng ngắn ngủi. Nó lao động cho đến lúc sức tàn, lực kiệt. Có con mang phấn hoa về đến cửa tổ thì chết. Mùa đông rét mướt không có hoa để duy trì đàn ong không bị hụt đàn chúng tôi phải cho ăn đường bổ sung. Tất nhiên khi quay mật, lô nào cho ong ăn đường, lượng đường trong mật ong chưa tiêu hết chúng tôi loại ra làm thức ăn cho chúng vào những ngày xấu trời, thiếu thức ăn. Vì thế mật ong của chúng tôi lấy không kết đường dưới đáy chai, mật ngọt mát và thơm chứ không ngọt khắt như nhiều cơ sở nuôi ong khác…

Theo anh Nam, mùa hạ từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 7 là thời gian nóng nhất trong năm, hoa không nhiều, đây là thời kỳ dưỡng ong. Đó là thời kỳ họ đưa đàn ong lên vùng núi, nơi khí hậu trong lành mát mẻ để dưỡng sức cho đàn ong. Nếu ong khoẻ, một năm có 4 đợt di chuyển đàn ong qua những miền đất khác nhau, mùa hoa sung túc và chất lượng mật ong ngon nhất phải kể tới mùa hoa bắt đầu từ tháng 9 trên vùng núi cao, khi đó mùa mưa đã chấm dứt. Hoa rừng nở bạt ngàn, có rất nhiều loại hoa của những loài cây khác nhau, chúng đua nhau nở trước khi mùa đông tới gõ cửa. Mùa khô phấn hoa ít nước, lại có nhiều loại hoa nên mật ong được tinh chế từ nguyên liệu như thế nên rất ngon, có tác dụng chữa bệnh và bổ dưỡng sức khoẻ rất cao. Bởi thế, khoảng 10 năm nay những người nuôi ong du mục ở Tản Lĩnh đều không bỏ qua đất Mù Cang Chải.

Anh Nguyễn Xuân Nam cho hay: Trước khi đưa đàn ong lên đây, chúng tôi đã trinh sát kỹ nơi này, bán kính mà đàn ong lấy phấn hoa trong vòng 2km, sau cánh rừng thông phía bên kia dãy núi là vô vàn cây cối, chỉ ít ngày nữa hoa nở bạt ngàn. Lúc đó cứ 3-5 ngày chúng tôi phải quay mật một lần, nếu để lâu mật trong tổ chất lượng mật sẽ giảm và tạo cho đàn ong sức ì. Vả lại, đây cũng là mùa thu hoạch phấn hoa nên cả người và ong đều gắng sức…

Có lẽ chỉ mùa hè và những ngày đông giá rét đàn ong mới được nghỉ ngơi, còn lại hầu như lúc nào lũ ong cũng chịu khó, tất bật với những mùa hoa. Mỗi năm những người nuôi ong du mục này thu chừng 2 tấn mật và khoảng 1 tạ phấn hoa. Tôi hỏi ông Quách Văn Sâu: Cả năm cả tháng nằm ở trên núi chỉ mỗi cái đài làm bạn chắc là buồn lắm? Ông Sâu cười bảo: Giao thông bây giờ khá thuận tiện, chỉ hơn nửa ngày đi xe ca là chúng tôi về tới quê. Nhưng ở thế này mãi đã quen rồi, về quê mấy hôm lại muốn lên đây ngay. Không hiểu vì sao nữa, do nhớ đàn ong mà mình đã gắn bó nên không thể rời xa chúng được…

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất