| Hotline: 0983.970.780

Gà “chạy bộ” qua biên giới

Thứ Năm 12/01/2012 , 10:05 (GMT+7)

Gần Tết, nhu cầu thực phẩm tăng vọt khiến gà lậu từ biên giới Trung Quốc càng có nhiều cơ hội tràn qua Lạng Sơn để luồn sâu vào tiêu thụ ở thị trường nội địa. Có lên biên giới dịp này mới thấy: trên giời, dưới gà lậu…

Gần Tết, nhu cầu thực phẩm tăng vọt khiến gà lậu từ biên giới Trung Quốc càng có nhiều cơ hội tràn qua Lạng Sơn để luồn sâu vào tiêu thụ ở thị trường nội địa. Có lên biên giới dịp này mới thấy: trên giời, dưới gà lậu…

Vào "tổng kho" gà lậu

Gà lậu bắt đầu được dân buôn vận chuyển từ chợ Lũng Vài

Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta đặt cho chợ Lũng Vài, một địa danh của Trung Quốc tiếp giáp với Lạng Sơn, cái tên là “tổng kho” của gà lậu. Nơi đây bao năm nay là điểm tập kết gà thải loại của Trung Quốc trước khi đưa vào Việt Nam tiêu thụ.

“Ba không”

Thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn) mùa này chỉ có mưa, rét và… hàng lậu. Đó là cảm nhận của tôi khi vừa đặt chân đến đây. Nhưng, dù có rét thế nào thì giới đi buôn vẫn cứ người xe tấp nập, bởi đây là dịp làm ăn của họ.

Cơ duyên, tôi được một đồng hương giới thiệu làm quen với H., một dân buôn có “thâm niên” cả chục năm nay. H. bảo với tôi: “Anh đến thị trấn đêm qua, lúc 23h30, đi xe màu đỏ, mặc áo khoác đen và ăn phở ở quán bà Sáu gần cổng chợ Đồng Đăng đúng không?”. Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì H. đã giải thích: “Chim lợn vừa cho em biết đấy. Ở đây, đội ngũ này nhiều hơn cả dân bản địa. Họ được các chủ buôn thuê để giám sát nhất cử nhất động của những người lạ mặt”.

Để “mục sở thị” chợ gà Trung Quốc, điểm tập kết gà thải loại ở nước này trước khi nhập lậu vào Việt Nam, tôi nài nỉ H. cho đi cùng. Đầu tiên H. nhất quyết từ chối, bảo đi là nguy hiểm. Tuy nhiên, thấy tôi “nhiệt tình” quá, anh ta đồng ý và dặn đi dặn lại: “Anh sang đó phải “ba không”: Không quay phim, không chụp ảnh và không mang theo giấy tờ tùy thân. Nếu vi phạm một trong ba điều này, không ai có thể bảo vệ được anh, ngay cả em cũng bị liên lụy”. Tôi gật đầu.

Theo H. thì trong ngày thường, để sang đến chợ gà Lũng Vài, nơi tập kết gà lậu bên kia biên giới, không phải quá khó. Thế nhưng, dịp cận Tết này, “sao xanh” (Bộ đội Biên phòng Việt Nam) truy quét gắt gao quá nên đội ngũ bảo kê, “chim lợn” của các chủ buôn hết sức cảnh giác. “Phát hiện có người lạ có ý dò xét là chúng “tẩn” ngay. Thế này, cẩn tắc vô ưu, cứ đóng vai dân buôn cho lành”, H. dặn dò.

8h sáng hôm sau, H. mang đến một bộ quần áo cũ bảo tôi thay và dặn: “Có ai hỏi thì bảo sang đi tìm chủ hàng”. Đến gần trạm Biên phòng Cốc Nam (xã Tân Mỹ, huyện Cao Lộc), H. dẫn tôi đi vòng qua trạm để sang chợ Lũng Vài. Dọc đường mòn chúng tôi đi, cứ cách vài trăm mét lại có một người nằm sẵn trên võng chặn lại thu tiền đường với mức giá 5.000 đồng cho mỗi người qua. H. cho biết, họ vừa là chủ đất, vừa là chủ hàng và sắm luôn cả vai “chim lợn”, họ đang ứng trực để đón hàng từ bên kia về.

 Khi thấy “sao xanh” vắng bóng, chỉ cần một cú điện thoại, cả hệ thống gồm cửu vạn, “chim lợn” sẽ được kết nối và lập tức chuyển hàng về Việt Nam ngay, còn nếu có động, tất cả im lặng, có tuần tra cả ngày cũng chẳng phát hiện được gì.

Từ chân đồi lên đến biên giới, nơi giáp ranh giữa hai nước dài khoảng 1,5km nhưng chúng tôi cũng phải mất gần 1 giờ mới tới nơi. Dọc đường mòn, hàng hoá được chất thành từng đống, chủ yếu là quần áo, giày dép cùng là hàng trăm cửu đang nghỉ ngơi. Bên cạnh lại có một đám cửu vạn đang châu đầu vào nhau chơi xóc đĩa, tiếng quát, tiếng hô đặt rất ồn ào. Dưới chân đồi là một ngôi nhà hai gian, H. bảo đó là nơi bán vé của dân phòng Trung Quốc, bước qua cánh cửa kia là chợ Lũng Vài.

Trên giời, dưới… gà thải

Qua khỏi cánh cửa là con đường bê tông dài hun hút, hàng hóa được bày la liệt. Các chủ hàng người Việt mỗi người canh một đống hàng tại những lều được dựng tạm bằng những chiếc bạt hoặc vỏ chăn. Dọc hai bên là những ngôi nhà 2 tầng khang trang được thiết kế theo một kiểu kiến trúc thống nhất và treo biển hiệu kinh doanh nửa tiếng Hoa, nửa tiếng Việt. Ngoài ra, còn có một số khu trung tâm thương mại cao 3 – 4 tầng, nơi tập kết nhiều hàng hoá để cửu vạn chuyển đi.

Đón tôi ngay đầu chợ là một người phụ nữ còn trẻ tên Quỳnh, quê ở Lục Nam (Bắc Giang) lấy chồng ở thị trấn Đồng Đăng. Quỳnh là phiên dịch của một Cty tư nhân có trụ sở tại Bằng Tường, thường đưa khách qua biên giới tìm hàng và làm phiên dịch kiếm thêm thu nhập. Đến 18h, Quỳnh dẫn tôi đến khu bán gà, đó là một bãi đất bằng phẳng ở cuối chợ, rộng khoảng 500m2, có nhà kho, có nơi đỗ ô tô riêng.

Gần đó là hàng chục cửu vạn người đứng kẻ ngồi, mỗi người tay cầm một chiếc đòn gánh, bên hông đeo một chiếc đèn pin nhỏ xíu. Hàng trăm chiếc lồng gà bằng gỗ, bằng sắt loại tròn, loại vuông được phủ một lớp bao bì màu xanh, bên trên được đục những lỗ nhỏ như ngón chân cái để ngổn ngang.

Khi hai chiếc ô tô trọng tải 5 tấn biển kiểm soát Trung Quốc vừa dừng tại bãi, đám cửu vạn lập tức ùa ra, hai người đàn ông bước xuống mở cửa xe. Thùng xe gồm ba tầng, được ngăn cách bởi những thanh thép đã được cố định vào thùng và có lớp thép dày trải lên làm chỗ đứng cho gà. Hàng ngàn con gà có trọng lượng từ 2,5-4 kg, con thì lông trụi, con thì mào gà đã chuyển sang màu tím bầm, con lại vỗ cánh phành phạch, kêu quang quác vang cả một góc chợ.

Tiếp đó, năm người phụ nữ ăn mặc tinh tươm đến cửa xe bắt vài con gà lên xem, người túm chân dốc ngược, người nắn cổ sờ diều rồi gật đầu. Hai người đàn ông Trung Quốc bước lên thùng, bắt từng con gà chuyển xuống cho cửu vạn. Đám cửu vạn nhanh chóng nhét vào lồng, mỗi lồng chứa được 15-20 con, rồi lấy đoạn thừng ngắn buộc vào đòn gánh, họ đội mưa gánh về phía biên giới Việt Nam, tất cả chỉ diễn ra trong khoảng 1 giờ thì kết thúc, Quỳnh bảo: “Hôm nay mưa và “sao xanh” nhiều nên hàng về ít, mọi hôm phải có cả chục xe như thế”.

Thế là chỉ trong khoảng 3 tiếng đồng hồ, hàng chục tấn gà thải loại đã được đám cửu vạn tập kết về xã Thụy Hùng. Đây là trạm trung chuyển cuối cùng của gà lậu trước khi được đưa về sâu vào nội địa Việt Nam tiêu thụ…

Đám cửu vạn nhanh chóng rời chợ, gồng gánh thành từng đoàn đi về hướng biên giới theo đường mòn Bãi Tranh (Trung Quốc). Hàng chục chiếc đèn pin được bật lên chiếu sáng cả một đoạn đường mòn, chúng tôi cũng nhanh chóng nhập vào đoàn, có lẽ do tối, trời lại mưa phùn nên “chim lợn” không phát hiện ra. Xuống đến chân đồi là lúc 20h30, Quỳnh cho biết đã qua khỏi biên giới Trung Quốc, là ngã ba Quốc lộ 1A thuộc thôn Kéo Kham (thị trấn Đồng Đăng). Đây là nơi tập kết gà lậu sau khi đưa từ Trung Quốc về sau đó mới chuyển lên xe máy đưa về kho ở làng Khuổi Mười, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc.

Vừa nói xong thì ba thanh niên đi trên hai xe máy đến, một xe chắn phía trước, một xe chắn phía sau. Một thanh niên quét ánh đèn pin lên mặt chúng tôi còn một người móc bộ đàm ra nói gì đó chúng tôi không nghe thấy rồi hất hàm hỏi: “Chúng mày lên đó làm gì? Ai bảo lên", đồng thời hàng chục ánh đèn của đoàn cửu vạn đang đi trên đồi xuống Kéo Kham lập tức chuyển hướng về xã Thuỵ Hùng. Quỳnh nhanh chóng đáp: “Tôi là người nhà anh H., còn đây là khách của anh H. Chúng tôi vừa đi tìm nguồn hàng về”.

Để gã tin, Quỳnh lấy điện thoại bấm máy, mở loa cố ý để chúng nghe thấy. Nghe thế, gã ném cái nhìn gườm gườm về phía chúng tôi rồi trèo lên chiếc xe phóng đi.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm