| Hotline: 0983.970.780

Gặp Tổng thống Obama

Thứ Bảy 29/08/2015 , 09:23 (GMT+7)

Người Việt Nam may mắn được gặp Tổng thống Obama đó là Đặng Trần Ngọc Ngân. Cô là người đứng ra sáng lập ra tổ chức phi lợi nhuận "Đồng hành cùng ước mơ".

5 năm trước khi đứng ra sáng lập ra tổ chức phi lợi nhuận "Đồng hành cùng ước mơ", Đặng Trần Ngọc Ngân không hề biết, với quyết định này, có một ngày cô được chọn tham gia hội nghị quốc tế về đấu tranh cho bình đẳng giới và được vào Nhà Trắng (Mỹ).

Chắp cánh những ước mơ

Vào năm thứ 3 đại học, Ngọc Ngân được cô bạn người Nhật Mitsumi nhờ làm phiên dịch để lấy thông tin làm luận án tốt nghiệp tại nhà mở Thảo Đàn (nơi nuôi dưỡng những trẻ em đường phố).

Vài tháng sau, Ngân mới có dịp quay lại nhà mở Thảo Đàn (TP HCM), và cô đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy các em nhận ra mình, nhớ đến cả chiếc áo sơ-mi Ngân mặc lần trước và còn hỏi thăm về Mitsumi. Ngân xúc động và nhận ra, các em có quá ít cơ hội được quan tâm.

Thấy Ngọc Ngân quý mến các em, cô Thúy, một cô giáo của nhà mở Thảo Đàn ngỏ lời nhờ, nếu Ngân có thời gian rảnh thì đến dạy kèm cho các em học.

Ngân nhận lời sẽ dành các ngày thứ Bảy của mình cho các em có hoàn cảnh đặc biệt này.

Và, thứ Bảy đầu tiên ấy như một cơn ác mộng khi hỗn chiến xảy ra ở giờ giải lao. Trong trò chơi nhóm, một em sơ ý đánh cùi chỏ vào mặt em nhỏ hơn.

Mặc dù được các cô can ngăn và bạn đã xin lỗi, nhưng cậu bé bị cùi chỏ thúc vào mặt vẫn kiên quyết tìm thời cơ đáp trả lại cú huých “cho công bằng”.

Sau khi trò chuyện, Ngân mới biết, trong thế giới của các em, công bằng có nghĩa là “một - một”. Là nếu ai “trao” cho bạn một, dứt khoát bạn phải “trả lại” một (hoặc hơn cũng được), chứ không để mình bị thiệt. Đó là sự công bằng.

Ngân cùng bạn thân là Thảo quyết định rủ một số bạn sinh viên thành lập nhóm làm công tác xã hội là dạy học cho các em ở mái ấm, nhà mở.

Có được 20 bạn đồng ý cùng tham gia, họ chia thành các nhóm và một số người giữ nhiệm vụ điều phối viên liên hệ với các nhà mở (Thảo Đàn, Diệu Giác, Bừng Sáng, Hòa Hảo và Nhật Hồng…) tìm hiểu nhu cầu và phân công nhóm thích hợp đến dạy kèm các em.

Khi các em không muốn học thì nhóm bạn của Ngân dành thời gian để nói chuyện, hỏi về ước mơ của các em.

Thật bất ngờ, hầu hết các em cũng không biết được nếu bị đánh, bị làm hại thì nói với ai và càng không hiểu ước mơ là gì và tại sao phải cần ước mơ?

"Thế là mục tiêu chúng tôi đặt ra không chỉ dạy kèm văn hóa mà cái chính là dạy cho các em hiểu về đúng - sai, về ước mơ cho riêng mình và làm sao để thực hiện ước mơ, và đặt tên cho tổ chức của mình là Đồng hành cùng ước mơ", Ngân cho biết.

Tôi có niềm tin lớn lao...

Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, Ngân được nhận vào làm việc phòng nhân sự của tập đoàn nước giải khát quốc tế. Mặc dù công việc mới bận rộn nhưng Ngọc Ngân vẫn dành những ngày cuối tuần cho tổ chức "Đồng hành cùng ước mơ" của mình.

Ngọc Ngân chia sẻ: “Hành trình trưởng thành của tôi đi cùng với “Đồng hành ước mơ”. Có những thời điểm khó khăn, nhưng khi nghĩ về những ánh mắt, nụ cười, giá trị và niềm tin vào tương lai cho các em nhỏ, tôi lại thấy mình cần phải mạnh mẽ.

16-22-05_dong-hnh-uoc-mo-2
Một buổi sinh hoạt của tình nguyện viên "Đồng hành cùng ước mơ"

Cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng là điều mà “Đồng hành cùng ước mơ” theo đuổi và quyết tâm làm. Tôi có niềm tin lớn lao vào giáo dục”.

Lý giải về lòng tin ấy, Ngân kể cho tôi nghe câu chuyện của mình. Cô là con gái của gia đình quê gốc ở Nghệ An. Đầu năm 1980, cha mẹ đi vào Nam lập nghiệp và chọn Tiền Giang làm nơi sinh sống.

Nào ngờ, trong một tai nạn, cha Ngân mất sớm để lại gánh nặng nuôi dạy 2 anh em cô cho mẹ. Tuy cuộc sống công nhân may rất vất vả nhưng mẹ Ngân kiên quyết không để 2 con mình nghỉ học.

Nhờ sự dạy bảo và hướng dẫn các con nuôi dưỡng ước mơ của mình, cả 2 anh em đều đậu đại học và hiện nay, đều có công ăn việc làm ổn định.

Ngọc Ngân thở dài: Bạn thân hàng xóm của Ngân thì không được may mắn. Cha mẹ bạn bắt nghỉ học bán vé số. Năm rồi Ngân về quê đón mẹ lên thành phố sống cùng, ghé thăm bạn, bao năm trôi qua, bạn vẫn bán vé số.

Chính vì vậy, Ngân mong mỏi các em của mình bây giờ, cố gắng học tập và nuôi dưỡng ước mơ, để rời nhà mở sẽ trưởng thành với công việc tốt hơn.

Ngân cho biết: “Nhiều bạn trẻ ở Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang mong có “Đồng hành cùng ước mơ” ở thành phố của họ để tham gia. Nhiều phụ huynh liên hệ với nhóm để gửi con em mình cùng làm công tác xã hội với hy vọng các em hiểu thêm ý nghĩa của cuộc sống và sự sẻ chia”. 

Phạm Lê Đoan Trang, tình nguyện viên trẻ nhất của "Đồng hành cùng ước mơ" cho biết, em đang học lớp 12 tại Trường Lê Hồng Phong (TP.HCM), tranh thủ mùa hè đến tham gia cùng các anh chị trong "Đồng hành cùng ước mơ" để dạy kèm cho các em.

Nhưng, khi tham gia với các em buổi trò chuyện về giữ vệ sinh thì qua các tình huống để phân biệt vệ sinh của các anh chị tình nguyện viên lớn cho các em nhỏ, em cũng học hỏi được rất nhiều.

Ngân nói thêm: “Nhiều tình nguyện viên cũ trở thành Mạnh Thường Quân và vận động những người khác cùng hỗ trợ cho nhóm. Rất nhiều câu chuyện nhỏ bé, nhưng dễ thương và dung dị như thế tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi mỗi ngày”.

Tuy nhiên, sau một thời gian thì Ngân luôn trăn trở, không biết mình làm sai ở chỗ nào mà tổ chức không thể lớn mạnh, hết người này đến người khác lần lượt bỏ cuộc, điều phối viên còn bỏ cuộc nhiều hơn tình nguyện viên.

Trong suốt 5 năm qua, số tình nguyện viên đến với “Đồng hành cùng ước mơ” hơn 500 bạn nhưng lúc nào quân số của tổ chức cũng chỉ khoảng 50 người.

Trong lần gửi hồ sơ dự án để tìm nguồn tài trợ bởi dù hoạt động thiện nguyện thì nhóm cũng rất cần kinh phí: phần thưởng cho các bé học tập tiến bộ, quà tặng cho các em dịp lễ tết hay khi gặp hoạn nạn, ốm đau…

Ngân có niềm tin mãnh liệt rằng, “Đồng hành cùng ước mơ” vẫn sẽ thu hút được những bạn trẻ đầy nhiệt huyết giúp các em có hoàn cảnh khó khăn xây dựng và thực hiện ước mơ của mình; cũng như các học trò của “Đồng hành cùng ước mơ” sẽ có sự thay đổi tư duy tích cực để xây dựng tương lai. 

Ngọc Ngân may mắn được Dự án YSEALI (Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á) của Tổng thống Obama trao học bổng để tham dự hội nghị YWCA Misscula Montana - “Loại bỏ phân biệt chủng tộc trao quyền cho phụ nữ”, tập huấn về các kỹ năng công tác xã hội trong vòng 5 tuần.

Thông qua hội nghị này, Ngân mới biết, mình và các bạn không làm gì sai cả. Tất cả các tổ chức xã hội phi lợi nhuận trên toàn thế giới này đều như vậy. Thậm chí có những tổ chức huy động được kinh phí trả lương cho tình nguyện viên thì họ cũng vẫn nghỉ việc như thường.

Giải pháp của họ là khi tình nguyện viên nghỉ thì phải tuyển ngay vị trí đó để tạo ra sự thay đổi. Người đến, kẻ đi nhưng nếu còn người tâm huyết, cùng chung chí hướng thì tổ chức sẽ vẫn tồn tại và phát triển.

"Ngày cuối của chương trình tập huấn, chúng tôi được đến Nhà Trắng gặp Tổng thống Obama. Khó có thể nói hết sự xúc động và hồi hộp diễn ra trong lòng tất cả chúng tôi, nhất là trong không khí kiểm tra an ninh khá gắt gao trước đó.

Tuy nhiên, khi Obama bước vào, chúng tôi thật ngạc nhiên vì sự thân thiện và giản dị của ông ấy. Nội dung trò chuyện chỉ xoay quanh cuộc sống của chúng tôi, về cha mẹ và anh chị em trong gia đình.

Tổng thống chúc chúng tôi giữ được nhiệt tình trong công việc để góp phần xây dựng sự công bằng trong xã hội", Ngân kể lại.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm