| Hotline: 0983.970.780

Hạn - mặn dồn nông dân vào 'chân tường'

Thứ Hai 29/02/2016 , 16:05 (GMT+7)

Nông dân ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đang gặp khó khăn vì lúa bị nhiễm mặn, người mất trắng, người vớt vát chút đỉnh thì bị thương lái chê kém chất lượng không mua nên mang dồn nông dân vào 'chân tường'.

Lúa không bán được

Ông Nguyễn Thanh Dũng, 41 tuổi, ở ấp Sóc Lèo B, thị trấn Lịch Hội Thượng (Trần Đề) đang loay hoay phơi lúa giữa trời nắng gắt.

Ông Dũng trồng 9 ha giống OM 4900, mới thu hoạch xong cách nay 2 ngày. Ông cho biết, lúa bị nhiễm mặn mất trắng 0,7 ha, phần diện tích còn lại năng suất đạt khoảng 4 tấn/ha được trên 33 tấn lúa nhưng thương lái chê xấu không mua, chất đống quanh nhà. “Hai ngày nay đã có 3 – 4 thương lái đến xem lúa nhưng họ coi xong rồi bỏ đi vì lúa đen và lép nhiều”, ông Dũng nói.

Vợ ông Dũng là bà Trương Thị Đáng cầm nhật ký ghi chép ra xem rồi cho biết, vụ này đầu tư trên 120 triệu đồng nhưng giờ bán không ai mua nên không biết lấy đâu trả nợ. “Chưa năm nào khổ như năm nay, vợ chồng tôi đổ hết vốn liếng vào đây, hy vọng vụ này bán có tiền sửa nhà, trả nợ nhưng giờ không ai mua…”, bà Đáng nói như khóc.

Cùng ấp, bà Trần Thị Thi thu hoạch xong 1 ha lúa cũng chưa bán được. “Tôi kêu 3 – 4 thương lái rồi nhưng họ chê lúa lép nhiều nên từ chối”, bà Thi nói.

Cạnh nhà bà Thi, bà Lâm Thị Ols đang ngồi vá đống bao trước nhà. Bà cho biết, mới thu hoạch 0,5 ha được hơn 2 tấn lúa nhưng không ai mua nên đổ ra phơi. “Tôi mong bán được đủ trả tiền thuê máy gặt, nhân công. Còn phân bón, vật tư đành nợ lại”, bà Ols than thở.

Phòng NN-PTNT huyện Trần Đề cho biết, vụ đông xuân 2016 toàn huyện có 22.712 ha. Hiện diện tích nhiễm mặn hơn 2.681 ha với 2.059 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, diện tích mất trắng 1.076 ha, thiệt hại từ 30 – 70% là hơn 1.600 ha.

Bỏ quê đi làm thuê

Dọc ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng (Trần Đề), những cánh đồng ruộng khô nứt nẻ, lúa cháy rụi vàng hoe. Đồng không bóng người, lúa khô như củi bỏ mặc cho bò ăn. 

18-52-53_2802162
Những người phụ nữ xã Lịch Hội Thượng có chồng con đã rời quê đi làm thuê (Ảnh: Thanh Hải)

Nông dân Nguyễn Văn Ngô có 4 ha mất trắng. Ông ngồi trong nhà với nét mặt thất thần chỉ ra đám ruộng phía trước, nói: “Lúa đang giai đoạn làm đòng xanh tốt, vốn liếng gần cả trăm triệu đổ vào đó hết, chỉ chờ ngày thu hoạch mà trong chốc lát mặn xâm nhập, mất trắng”.

Cùng ấp, bà Trương Thị Hạnh cùng hoàn cảnh khi có gần 3 ha cũng mất trắng. Bà Hạnh buồn bã nói: “Chủ nợ tới nhà đòi không có tiền trả nên chồng bỏ xứ lên Bình Dương làm thuê 10 ngày rồi. Hiện tại, tôi ở nhà sống cảnh èo uột nuôi 2 con nhỏ ăn học”.

Còn ông Võ Thanh Tiền, 44 tuổi, nước da ngăm đen, ốm tong teo vì rầu rĩ mất trắng 1,3 ha lúa. “Nửa tháng nay, tôi ở chòi ngoài đồng không dám về nhà do vợ “nhằn” tiếc của nói kêu thuê máy gặt được bao nào hay bao đó nhưng tôi nghĩ thuê cũng không đủ trả tiền gặt”, ông Tiền bộc bạch.

Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Lịch Hội Thượng Dương Minh Tâm cho biết, toàn xã có 1.150 ha nhưng đã thiệt hại trên 816 ha. Trong đó, nặng nhất là ấp Nam Chánh với khoảng 600 ha, thiệt hại trên 50% đến mất trắng.

“Trong xã, nông dân thua lỗ nên đã có trên 60% thanh niên rời quê đi làm thuê xa kiếm tiền gửi về gia đình trả nợ”, ông Tâm nói.

Sang thị trấn Trần Đề, Trưởng ấp Ngan Rô 1 Lâm Văn Thơ thảng thốt: “Chưa năm nào dân khổ như năm nay. Mọi năm, lúa trúng trên 8 tấn/ha, còn năm nay mặn xâm nhập hầu như mất trắng 150 ha lúa của ấp”.

Gia đình ông Nguyễn Minh Hùng, 64 tuổi, ở ấp Ngan Rô 1 có đến 8 người con phải “bỏ xứ” lên Bình Dương làm thuê vì nợ nần. Gia đình ông có 1,2 ha lúa bị nhiễm mặn mất trắng. Ông cho biết, nợ đại lý phân bón gần 20 triệu đồng, mấy ngày nay chủ nợ đòi liên tục mà không có tiền trả.

Cạnh nhà ông Hùng có ông Hồ Minh Tuấn thuê 2 ha với giá 18 triệu đồng, cộng thêm chi phí đầu tư hơn 20 triệu nữa mà thu hoạch chưa đầy chục bao lúa, lỗ nặng nên vợ chồng dẫn 2 con nhỏ nửa đêm “trốn nợ” lên Bình Dương làm thuê. Cùng ấp, gia đình ông Bảy Miên làm 0,5 ha chẳng thu hoạch được hột lúa nào nên cả nhà 5 người cả dâu, rể kéo nhau lên Lâm Đồng hái cà phê thuê, cách nay vài ngày.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm