| Hotline: 0983.970.780

Cấp bách chống hạn, mặn

Thứ Năm 25/02/2016 , 13:15 (GMT+7)

Ông Hà Tấn Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng cho biết, xâm nhập mặn đã vào sâu nội đồng khoảng 65km, cao hơn so với nhiều năm trước.

Theo Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, đến ngày 22/2, toàn tỉnh đã có 5.787,78ha lúa bị thiệt hại do hạn mặn. Trong đó, huyện Trần Đề có 2.370,16ha; huyện Mỹ Xuyên 1.114,69ha; huyện Long Phú 1.092ha… Hiện có 2.320ha bị thiệt hại trên 70%. Giá trị ước thiệt hại trên 40 tỷ đồng.

Ông Hà Tấn Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng cho biết, năm 2016, mặn xâm nhập khá sớm và cao hơn so với cùng kỳ năm 2015. Xâm nhập mặn đã vào sâu nội đồng khoảng 65km, cao hơn so với nhiều năm trước.

Theo số liệu của các trạm, độ mặn ở huyện Trần Đề cao nhất là 27,3‰ (tăng 6,5‰ so với năm 2015), huyện Long Phú 20,4‰ (tăng 7,7‰ so với 2015), thấp nhất là xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên) với 7,0‰ (tăng 3,7‰ so với 2015). Sở NN-PTNT Sóc Trăng đang trình UBND tỉnh công bố thiên tai do ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn.

Tại huyện Trần Đề, nông dân đang thu hoạch đại trà vụ lúa đông xuân nhưng do nước trên các sông rạch cạn kiệt nên khó khăn trong việc đưa máy móc xuống ruộng cũng như vận chuyển lúa khiến cho giá thành tăng cao hơn so với trước.

Đồng thời, thương lái mua lúa cũng không thể đưa ghe tàu có trọng tải lớn vào tận ruộng nên tình hình tiêu thụ lúa hàng hóa cũng gặp khó khăn khi một bao lúa vận chuyển từ ruộng ra đến đường giao thông lên tới 5.000 - 7.000 đồng.

Trong khi đó, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên có trên 1.000ha đang thiếu nước nghiêm trọng, đe dọa đến năng suất. Trước tình hình trên, xã đã huy động nhiều máy bơm công suất lớn để cứu lúa, nguồn nước được lấy từ tuyến Quản lộ Phụng Hiệp về nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nước cho các ruộng lúa ở xa trạm bơm.

Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới cho biết: “Năm nay do nắng hạn về sớm, mặn xâm nhập sâu, nên việc vận hành cống cung cấp nước cho nông dân lấy nước vào đồng ruộng sớm hơn gần 1 tháng so với những năm trước. Để khắc phục tình trạng này, xã đã chủ động tập trung các máy bơm công suất lớn lấy nguồn nước để cứu lúa”.

Ở huyện Kế Sách, có 11.558ha lúa được xuống giống. Tổng diện tích thiệt hại do mặn xâm nhập trên 750ha, trong đó thiệt hại dưới 10% hơn 263ha, từ 10 - 30% hơn 470 ha, từ 30 - 70% hơn 6,5 ha.

Th.S Vũ Bá Quan, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện khuyến cáo: “Để giảm thiệt hại do hạn và mặn, trước mắt đối với diện tích bị nhiễm mặn ít thì nông dân tích cực chăm sóc cho lúa mau phục hồi bắng cách bổ sung thêm phân ure, kali, phòng trừ sâu cuốn lá sớm. Bà con tuân thủ đúng kế hoạch lấy nước và trữ nước do ngành nông nghiệp khuyến cáo. Còn với cây màu thì nên áp dụng các biệp pháp tưới nước tiết kiệm.

Chị Sơn Thị Huỳnh Ny, khóm 3, phường 5, TP Sóc Trăng, chỉ vào ruộng lúa của mình đang ngâm mình trong nước mặn, chết gần hết, chỉ còn lèo tèo những cây lúa trên 30 ngày tuổi mà nhỏ như cây tăm nói: “Hồi đầu cố gắng bơm nước vào với hy vọng cứu được nhưng càng bơm thì lúa càng chết dần nên bây giờ phải bỏ luôn”.


Ông Liêng Văn Phước bên cánh đồng khô khốc

Tỉnh Sóc Trăng cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí chống hạn, xâm nhập mặn 219 tỷ đồng; sớm hỗ trợ đầu tư dự án tưới trên 6.000ha diện tích hành tím tại TX Vĩnh Châu; sớm thành lập Hội đồng quản lý dự án Quản lộ - Phụng Hiệp để phối hợp điều hành, quản lý, khai thác và xây dựng hệ thống quan trắc giám sát mực nước, lưu lượng, độ mặn giúp công tác vận hành hệ thống đáp ứng kịp thời phục vụ SX.

Không chỉ lúa bị hư, chị Ny còn có trên 2.000m2 trồng bắp cải đã 45 ngày nhưng do tưới nước nhiễm mặn nên “Cây không lớn nổi. Vụ trước với 2 công này tôi cũng kiếm được hàng chục triệu, còn bây giờ thì xem như mất trắng”.

Còn ông Liêng Văn Phước, ấp Trường Thành A, xã Trường Khánh, huyện Long Phú cho biết: “Tôi xuống giống trên 8.000m2 lúa nhưng hư hoàn toàn do nhiễm mặn quá sớm. Hồi đầu tôi cũng bơm nước cho lúa nhưng theo dõi thông tin nhiễm mặn trên sông nên không bơm nữa vì nếu có bơm cũng không cứu được. Thà bỏ luôn từ đầu chịu lỗ 4 - 5 triệu đồng chứ đeo hết vụ chắc lỗ nhiều hơn nữa”.

Chỉ những ruộng lúa xung quanh, ông Phước cho biết thêm: "Nhìn xa thấy xanh vậy chứ lại gần chết nhiều lắm. Lúa này dù có trổ bông nhưng hạt không chắc, năng suất thấp, chất lượng gạo kém".

Không chỉ lúa bị ảnh hưởng, ở huyện Long Phú cũng đã có hàng trăm héc-ta mía đang thiếu nước trầm trọng khiến cho nhiều ruộng mía không thể đẻ nhánh, trở nên còi cọc và có nguy cơ bị chết trắng. Nhiều hộ nông dân trồng mía ở xã Long Phú, huyện Long Phú đang lo vì nước ở kênh có độ mặn cao, không thể lấy vào ruộng mía dù mía đang ở giai đoạn phát triển.

Trước tình hình nắng hạn cà xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, ngành chức năng ở Sóc Trăng chú trọng vận hành công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt đối với các vùng dự án có khả năng ảnh hưởng thiếu nước, xâm nhập mặn. Về lâu dài, nhằm hạn chế thiệt hại, đồng thời đề chủ động phòng chống hạn và xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước cho SX, năm 2016, tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành rà soát, có kế hoạch nạo vét, sửa chữa hệ thống kênh thủy lợi, cống ngăn mặn với tổng kinh phí khoảng 392 tỷ đồng.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Ra mắt bộ giống chè mới và giải pháp canh tác chè bền vững

PHÚ THỌ Bộ giống chè mới và các kỹ thuật canh tác chè đã được giới thiệu tại Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao' tổ chức sáng 5/11.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.