| Hotline: 0983.970.780

Kẻ thất tình có số đào hoa

Chủ Nhật 22/10/2017 , 14:31 (GMT+7)

Thoạt nghe có vẻ phi lý. Vì một người có số đào hoa chiếu mệnh thì không thể thất tình và ngược lại. Thế nhưng điều đó lại không sai với trường hợp của Tuấn.

Anh sở hữu một ngoại hình điển trai đi kèm với cách ăn nói ngọt lọt đến xương, dễ dàng làm xiêu lòng phái đẹp như không.

Ảnh minh họa

Mà đó cũng là một sự thật. Mỗi lần Tuấn gặp bất kỳ một cô gái nào, chỉ cần anh có hảo cảm với cô gái đó, ngay lập tức từ lời ăn tiếng nói cho đến thái độ quan tâm, và kể cả chiêu trò đầu mày cuối mắt nữa, tất cả đều được Tuấn hành xử rất mượt mà, bài bản, đủ để cho đối tượng cuối cùng từ chỗ có thiện cảm cho đến mức phải lòng Tuấn không xa. Những hành động của Tuấn không phải là giả tạo. Tính nết anh vốn là mẫu người ga-lăng, anh lúc nào cũng bộc lộ sự tế nhị, lịch lãm trong giao tiếp, đặc biệt là trong giao tiếp với các bà các cô.

Người ta sẽ dễ dàng lẫn lộn giữa cử chỉ lịch sự với thái độ thả thính. Không những các cô bị lầm với Tuấn, cứ ngỡ khi anh ấy đối xử lịch sự, tế nhị, có nghĩa là anh ấy đang quan tâm tới mình, rồi cứ thế mà đem lòng yêu thương, thậm chí tương tư anh; mà ngay chính cả bản thân Tuấn cũng không ngờ được hậu quả, để lắm khi đi đến chỗ đáng tiếc từ những hành động của mình.

Điều dễ hiểu là Tuấn rất đào hoa. Các cô gái tìm cách thân cận quanh anh không ít, trong mọi môi trường và mọi tình huống. Dĩ nhiên là không phải ai khi anh đối xử tử tế với người đó, nghĩa là anh đang yêu người ta.

Nếu có ai từng biết về quá trình tìm kiếm tình yêu của con người này sẽ phải rất ngạc nhiên, vì trên thực tế Tuấn đã hai lần bị thất tình. Mà những cô gái nói tiếng không với Tuấn nào có phải là những cô sắc nước hương trời cho cam, họ chỉ là những người có nhan sắc trung bình, thậm chí dưới trung bình.

Chuyện gì cũng có duyên cớ của nó. Vào những năm mới lớn, Tuấn đã từng thầm thương trộm nhớ một cô gái lớn hơn anh ba tuổi. Năm đó Tuấn 15, còn cô gái 18 tuổi. Cô không đẹp, nhưng tính tình đằm thắm, dịu dàng, lại là người rất xốc vác trong công việc. Thuở ấy, nhà Tuấn ở gần nhà Thu, nhà Tuấn giàu có, còn nhà Thu nghèo, cha mẹ cô lại đông con. Vì thế ngoài giờ đến trường, Thu vẫn phải phụ giúp mẹ buôn bán ngoài chợ. Cha mẹ đều bận rộn vất vả, nên bản thân cô ngẫu nhiên trở thành bà mẹ trẻ chăm sóc đàn em sáu đứa, đứa nhỏ nhất mới lên năm tuổi. Thế nhưng Thu vẫn học rất giỏi. Là hàng xóm với nhau đã lâu, Tuấn biết rõ về cô. Trái lại với Thu, cậu ấm Tuấn học hành chỉ ở mức độ làng nhàng, Tuấn vốn rất lười học. Chỉ được cái nết mê đọc sách, nên tạm gọi là có kiến thức rộng, thế thôi.

Không nói cũng rõ, Tuấn rất nể phục Thu. Lâu dần, từ chỗ kính phục, trong thâm tâm Tuấn vẫn xem cô như một tấm gương cho cậu noi theo trong cuộc sống. Một ngày kia, trong một lần gặp nhau ngoài phố, thấy Thu phải bê vác hai túi trái cây lớn do mẹ cô buôn về bán, thấy cô xách quá nặng, Tuấn đã hăng hái xách hộ cô một túi. Vừa đi vừa chuyện trò với nhau một đoạn đường về đến nhà cô. Lần đầu tiên, kèm theo lời cám ơn là nụ cười của cô dành cho Tuấn, nụ cười và ánh mắt có đuôi đó đã hớp mất hồn của anh. Tuấn bắt đầu cảm yêu cô từ ngày ấy.

Nhưng đó chỉ là tình yêu đơn phương. Tuấn có một vài lần đón đường, hoặc tìm cớ để lại được gặp cô. Thu biết cậu con trai mới lớn đó đang yêu mình. Trong lòng Thu cũng cảm mến Tuấn, nhưng yêu thương thì chưa. Sinh trưởng trong một gia đình lao động, lại ra đời sớm, nên cô rất thực tế. Hai năm sau, khi có một người con trai gia đình khá giả hỏi cưới, được một thời gian Thu đã nhận lời cầu hôn. Sự kiện đó như một tiếng sét đánh vào trái tim của Tuấn. Thu có hẹn gặp riêng Tuấn ở một quán giải khát. Cô nói chuyện xa xôi, giải thích lý do vì sao cô với anh mãi mãi chỉ nên là bạn. Tuấn biết Thu đi lấy chồng là để có điều kiện cứu vãn kinh tế cho gia đình. Anh chỉ còn biết đau khổ nhìn người mình yêu lên xe hoa.

Từ đó trở đi, vô tình chung những mẫu người con gái mà Tuấn đem lòng yêu thương đều phải có dáng dấp và cá tính giống như Thu, một mẫu người trong mộng mà Tuấn đã để vuột ra khỏi tầm tay. Sau đó, Tuấn lại yêu một cô gái học chung đại học, cô tên Trang. Trang không đẹp, cũng không có gì đặc sắc nổi bật. Nhưng Trang có ngoại hình khá giống Thu ngày trước. Không khó lắm để Tuấn mau chóng ký thác tình cảm của mình vào cô. Thói thường, khi bất ngờ được ai đó trồng cây si, một người sẽ không đánh giá được đúng thực chất giá trị của người đó, hay nói đúng hơn là có phần xem nhẹ kẻ đang đeo đuổi mình. Trong con mắt của Trang, Tuấn chỉ là một kẻ si tình tầm thường không hơn không kém. Cô không thấy nơi anh một điểm thu hút nào, ngoài hình ảnh của một kẻ đang háo hức tìm kiếm tình cảm. Trang đang theo học nhạc, vì thế đối tượng của cô phải là một người có trình độ giỏi về lãnh vực này, và kẻ mà Trang đang yêu chính là người thầy đang dạy nhạc cho cô. Còn Tuấn thì không. Cái lỗi của Tuấn khi đến với Trang, là anh đã có thái độ quá vồ vập. Chính vì vậy mà anh bị coi thường. Trang đã không ngần ngại nói lời từ chối khi nghe Tuấn tỏ tình.

Cứ như thế, tuy bề ngoài Tuấn là người được không ít các cô theo đuổi, nhưng trên thực tế, anh vẫn là một kẻ thất tình. Câu chuyện có lẽ sẽ còn tiếp tục theo kiểu bỏ mồi bắt bóng như thế, cho đến ngày Tuấn gặp Mai. Trong số các đồng nghiệp của Tuấn, có lẽ Mai nằm trong số ít các cô gái không phải lòng vì ngoại hình của Tuấn. Mai lại là người biết lắng nghe và cảm thông. Không hiểu tại sao trong số các bạn gái đồng nghiệp, Tuấn lại có can đảm và niềm tin khi thổ lộ hết chuyện tình cảm của mình cho Mai nghe. Những nhận xét và lời an ủi của Mai đã khiến Tuấn cảm động. Đó cũng là lý do một thời gian sau, Tuấn và Mai đã trở thành một đôi tình nhân.

(Kiến thức gia đình số 41)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm