| Hotline: 0983.970.780

Khi mọi thước đo không còn đúng

Thứ Năm 02/01/2014 , 09:27 (GMT+7)

Nếu nhìn vào thực tế, 2013 là một năm thoái trào từ từ của các chương trình truyền hình thực tế, từ nóng nhất đến cháy âm ỉ, hay vẫn còn được giữ lại vì những mục đích khác ngoài thương mại.

Thật khó để giữ cho cái gì hấp dẫn được mãi, những món ăn tinh thần càng hấp dẫn thì người ta càng kỳ vọng nó ở những ngưỡng cao hơn. Nếu nhìn vào thực tế, 2013 là một năm thoái trào từ từ của các chương trình truyền hình thực tế, từ nóng nhất đến cháy âm ỉ, hay vẫn còn được giữ lại vì những mục đích khác ngoài thương mại.

Trước tiên, nếu nói về khả năng “hớt váng” thị trường về mặt thương mại, không gì nhanh bằng truyền hình thực tế, và đối với các Cty đã có kinh nghiệm ở mảng này, thì không gì dễ “ăn” bằng truyền hình thực tế.

Với thời lượng chương trình dài lê thê, cỡ kéo dài qua 12 giờ đêm là bình thường như “Giọng hát Việt" (The Voice) thì khoản thu về lợi nhuận quảng cáo là rất “đậm đà”. Cần phải nói để biết rằng doanh thu quảng cáo từ truyền hình thực tế cao ở mức gây “sốc” khi DN sẽ phải bỏ hàng trăm triệu cho 30 giây quảng cáo trong thời gian chương trình diễn ra trực tiếp. Trong vòng 2 năm trở lại đây, người ta dự đoán về cái kết của nhiều chương trình thực tế, nhưng điều đó vẫn chưa diễn ra.


Khoản thu về lợi nhuận quảng cáo trong "The Voice" là rất “đậm đà

Thị trường không còn dấu hiệu của những cơn sốt ảo do hiệu ứng truyền thông, nhưng việc thiếu những chương trình hay, thực sự chất lượng bên cạnh mặt giải trí là tất nhiên, khán giả không còn lựa chọn, hoặc nói đúng hơn là không có quyền lựa chọn.

Rõ ràng rằng, tivi vẫn là một vật thể rất hữu dụng và có lý đối với phần lớn khán giả, đa số muốn “ăn sẵn” trên tivi hơn là tìm cho mình những mô hình giải trí phong phú và giàu tính chiến đấu cho trí não hơn như đọc truyện, xem kịch hoặc các hình thức nghệ thuật khác. Đó là lí do khiến cho chương trình truyền hình thực tế, tuy bão hòa, nhưng vẫn có chỗ đứng hết năm này qua năm khác mà không bị chết, trừ khi có một thứ giải trí hấp dẫn hơn thế vào chỗ đó.

Ngày trước, người ta quen với những chương trình thực tế thủa sơ khai vào các khung giờ đẹp cuối tuần trên truyền hình Trung ương. Nhưng đất đẹp không đủ chỗ trống, 7 ngày trong tuần đều có truyền hình thực tế lên sóng, cuối tuần thì luân phiên nhau “thi đấu” trong 2 khung giờ chật chội liền nhau bắt đầu từ 8 giờ.

Rồi rất nhiều các kênh truyền hình giải trí, địa phương khác cũng là điểm đỗ nhanh nhẹn cho các chương trình, vẫn liên tục được mua bản quyền từ nước ngoài. Chính vì vậy, theo các chuyên gia quảng cáo tại TP HCM, hàng năm thị trường quảng cáo ngốn của các DN khoảng gần 400 triệu USD. 

Theo một kết quả nghiên cứu của Cty Nghiên cứu thị trường TNS tại Việt Nam, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu quảng cáo của Việt Nam trên các phương tiện truyền thông đạt 8.800 tỷ đồng. Dự kiến doanh thu quảng cáo còn tăng lên nhiều lần. Với những con số khổng lồ như thế này, rất dễ hiểu vì sao khán giả luôn bị "bội thực" với quảng cáo khi xem truyền hình.

Một điểm mạnh của truyền hình thực tế như đã nói ở trên, đó chính là tâm lý và thị hiếu khán giả. Đó là một “miếng ăn” ngon thời quá độ, mà nếu không nhanh chóng “đục nước béo cò” trong những năm tháng này, sự ngon ăn đó sẽ không bao giờ trở lại. 

Hãy nhìn xem “Giọng hát Việt” mùa thứ 2 đang dừng lại ở đâu? Yếu tố giọng hát thực sự đang bị chê trách rất nhiều khi Top 4 trước đêm chung kết lại được chú ý nhiều hơn bởi sự nổi bật theo kiểu ăn khách, hoặc “hay hay” nhờ hình ảnh liên tục biến đổi, và được “chạm” đến truyền thông sớm, bài bản hơn. Thí sinh rất khôn, và người làm chương trình thì còn khôn ở tầm cao hơn.

Nếu thí sinh tranh thủ chạy show và lên báo chí “tung tẩy” thì những người tạo dựng chương trình lại dùng chính những quy chế họ thả lỏng cho thí sinh trước đó để quật lại thí sinh, tạo nên những luồng dư luận trái chiều nhau. Vậy là chương trình thành công, còn chất lượng thực sự thì như có một làn sương mờ che phủ.

Điều đó là rất có hại cho các thí sinh ở quãng thời gian sau này, khi mà tình cảnh thực tại, là đa số thí sinh sẽ đều bị ánh hào quang và tiền bạc làm mờ mắt mà không biết được thực lực và chỗ họ nên đứng bên cạnh các đồng nghiệp.

Mùa thứ 2 của "The Voice", thí sinh được diễn show ngoài, thậm chí là show lớn, như Dương Hoàng Yến được hát một chương trình tầm cỡ như đêm nhạc Dương Thụ, tất nhiên một phần nhờ tài năng của Yến và sự rộng mở của nhạc sĩ Dương Thụ, nhưng ai cũng hiểu lá chắn vàng từ HLV Mỹ Linh là yếu tố tiên quyết.

Hoàng Tôn thậm chí còn chạy show nước ngoài trong khi lịch tập là vô cùng kín kẽ và gắt gao, điều đó thật dễ hiểu khi có những sự nới lỏng tương đối dành cho các thí sinh “đặc biệt”. Màn đối đáp của Hoàng Tôn trên sân khấu đối với các HLV và việc anh bị HLV Mỹ Linh cảnh cáo về tình trạng chạy show, nói qua nói lại cũng đều là những phần bị nghi ngờ nằm trong kịch bản.

Theo bà Trần Thị Thanh Mai, Tổng Giám đốc Cty Đo lường Truyền hình Việt Nam: “Thị trường truyền hình hiện nay rất sôi động với tất cả 198 kênh cả trong và ngoài nước, khán giả có quá nhiều lựa chọn để thưởng thức, nên đòi hỏi nội dung và chất lượng chương trình phải ngày càng cao để duy trì và giữ được khán giả. Thực tế 2 năm 2012 - 2013, các chương trình truyền hình thực tế vào cuối tuần đã mang lại rất nhiều khán giả cho VTV3 không chỉ ở Hà Nội mà cả ở TP.HCM”.

Số liệu khảo sát từ năm 2011 tới 2013 cho thấy truyền hình thực tế có rating rất khả quan. Phải kể tới “Bước nhảy hoàn vũ", "Cặp đôi hoàn hảo", "Giọng hát Việt", "Giọng hát Việt nhí", "Gương mặt thân quen", "Vietnam’s Got Talent", "Vietnam Next Top Model”. Ở mức ít phổ cập hơn là “Cuộc đua kỳ thú", "Đồ Rê Mí", "Hợp ca tranh tài", "Project Runway", "Vũ điệu đam mê", "Vua đầu bếp Việt Nam”...





Các chương trình truyền hình thực tế xuất hiện dày đặc trên TV

Trong số này, một số chương trình từ khi bắt đầu đến khi kết thúc có lượng người xem tăng rất nhanh. Tuy nhiên có những chương trình đã từng rất “hot” như “Giọng hát Việt", "Tìm kiếm tài năng…”, càng SX thì càng hạ nhiệt. Số liệu từ ngày 16 đến 22/11/2013 lượng người xem chương trình chỉ đạt 2%. Có nhiều nguyên nhân, mà theo các chuyên gia thì nếu một chương trình truyền hình thực tế sút giảm thường do ở khâu SX và chất lượng người chơi.

Sự đi xuống của truyền hình thực tế, rất may, có một cách phản ánh chân thực hơn, đó là từ tin nhắn bình chọn cho các thí sinh, và phũ phàng hơn một chút, là cát-xê của các gương mặt ăn khách qua từng mùa.

Hiếm hoi có được những mùa thành công với sự xuất hiện của Uyên Linh, Văn Mai Hương, Vietnam Idol cũng “hên xui” khi chứng kiến sự “chững lại” gắn liền với tên tuổi của Quốc Thiên, Thanh Duy, Hoàng Quyên, Ya Suy. Nếu như quán quân Quốc Thiên phải rất vật vã mới leo lên được phân bậc ca sĩ hạng B, thì Ya Suy, không chính thức, luôn bị mang ra làm một hình ảnh nguỵ tạo cho sự ngây ngô và hài hước, hơn là một nghệ sĩ biểu diễn và có con đường rộng mở.

Một loạt những cái tên khác cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự như “Bước nhảy hoàn vũ", "Cặp đôi hoàn hảo", "Vietnam’s Next Top Model"…, khi mà tâm lý của khán giả còn luôn bị lôi kéo bởi những thứ giật gân được vẽ ra trong các mùa đầu tiên mà không hề để ý đến chất lượng, thì vô hình chung một điều, chất lượng cũng sẽ không phải là thứ được để ý đến ở các mùa sau.

Chiêu trò hết thì chương trình cũng… xong. “Vietnam’s Next Top Model” đã từng được kỳ vọng trở thành một cuộc thi tìm kiếm người mẫu quy mô và ăn khách, cũng như cung cấp liên tục lượng người mẫu dồi dào cho sàn catwalk, như thực tại, cũng đang có nguy cơ “chết yểu” sau khi “nhiệm kỳ” của Thanh Hằng, nhiều khán giả cho rằng, cô là người “cầm chịch” yếu nhất khi bị so sánh với Xuân Lan hay Hà Anh trước đó.

Tất nhiên, nguy cơ xuống dốc của truyền hình thực tế tại Việt Nam không chỉ là bóng tối, mà còn có cả ánh sáng từ sự chuyên tâm hơn của nhà SX, cũng như sự đối đãi công tâm hơn của khán giả với các chương trình truyền hình, tất cả chỉ vì một hy vọng, truyền hình thực tế không chỉ là một món hàng thương mại “ăn xổi”.

Xem thêm
Loạt phim chiếu rạp hè chất lượng trong năm 2024

Các bộ phim bom tấn Hollywood bắt đầu ra rạp, hứa hẹn tạo nên một mùa hè rực rỡ với nhiều kỳ vọng vào các cột mốc doanh thu ấn tượng.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

HLV Mai Đức Chung bất ngờ trở lại ĐT nữ Việt Nam

HLV Mai Đức Chung sắp trở lại với công việc làm HLV trưởng ĐT Nữ Việt Nam vì VFF chưa chốt được HLV mới.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.