| Hotline: 0983.970.780

Lùi một bước để tiến ba bước

Thứ Hai 28/07/2014 , 09:24 (GMT+7)

Cháu là mắt xích quan trọng, chồng mẫu thuẫn với bố, cháu cứ can ngăn mềm mỏng đi rồi chồng sẽ nghĩ lại. Phụ nữ muôn đời chịu thiệt, hãy khôn ngoan và từ từ vùng lên, không sao đâu, nhá.

Cô kính mến!

Cháu năm nay 28 tuổi, lấy chồng được hơn 1 năm, chồng cháu hơn cháu 2 tuổi và hiện tại chúng cháu đã có một bé gái 4 tháng tuổi. Chúng cháu cùng sống chung với bố mẹ chồng. Chồng cháu là con một, dưới anh có hai em gái đã có gia đình riêng.

Trước khi lấy chồng, cháu học cao đẳng, ra trường không xin được việc ngay, cháu làm thuê trên Hà Nội rồi về quê định thi liên thông đại học nhưng bố mẹ không đồng ý, một mình cháu không lo được tiền học phí.

Trước đó cháu có một anh yêu cháu làm nghề “thôi” ở cạnh xã nhà, thấy anh cũng được cháu xác định đến với anh. Cháu đi làm công nhân và chuẩn bị lấy anh rồi chuyện xin việc sẽ tính sau. Nhưng anh ta cắt đứt cháu, lí do chia tay vì cháu không nhiệt tình khi yêu.

Cháu thấy mệt mỏi thì có người mai mối chồng cháu bây giờ. Anh chỉ học hết lớp 10 rồi đi làm thuê. Gặp gỡ khoảng 2 tháng cháu đồng ý cưới vì thấy anh hiền, giao tiếp được, nói là làm và làm được nhiều nghề. Cháu cũng cảm thấy có gì ấm áp khi ở bên anh và vì lúc đó cháu đã 26 tuổi, hay bị bố mẹ thúc ép. Nhiều người thích cháu, trí thức cũng có nhưng cháu ưng anh hơn.

Cưới xong cháu vẫn làm công nhân, có bầu rồi hư thai do công việc quá vất vả. 4 tháng sau cháu có thai, bố mẹ chồng bắt nghỉ làm vì sợ sảy thai nữa. Bị nghén, cháu vẫn làm việc vặt, vẽ tre, làm thêu. Chồng không đi làm đều do nhà anh bán được đất. Cả làng ai cũng được gần 500 triệu đồng, bố mẹ và chồng cháu có trong ngân hàng tiền tỷ.

Mẹ chồng lo tiền ăn uống, chồng cháu và bố luôn mâu thuẫn vì ông hay rượu. Có lần cháu đang mang bầu, ông đuổi hai vợ chồng đi, mẹ chồng đưa tiền bảo đi tạm mấy buổi, chồng cháu không cầm. Hai đứa ngủ nhà bạn, chồng cháu tắt máy, mẹ tìm đến khóc mếu, anh mới đồng ý về.

Ông bà bảo khi cháu mẹ tròn con vuông thì rút tiền cho chồng cháu rồi muốn đi đâu thì đi. Cháu cũng thấy nên vậy vì mẹ chồng đanh đá và ghê. Có một ông xem bói bảo 2 năm nữa mới ở riêng được nên chắc họ sẽ nghe ông ấy. Nói chung, cháu luôn căng thẳng và sợ bà, sợ cả những câu văng tục của bà.

Ở nhà này cháu nhịn cho yên ấm vì bố phong kiến, mẹ ghê gớm. Cháu rất tủi thân khi ông bà quý con rể hơn. Chồng cháu thì 50% cậu ấm, đi chơi và toàn bia rượu đãi bạn bè.

Từ khi lấy vợ anh cũng chịu khó làm và chịu khó chơi nhưng không sa đà. Anh không là người mẫu mực nhưng thoải mái, tình cảm, hài hước. Anh cũng nói là không để cháu khổ quá.

Đi làm trong lò ấp con giống phải làm cả tối nên anh nghỉ, ở nhà khâu giầy cùng cháu. Các em và chú thím chồng đều quý cháu. Người làng bảo cháu chịu khó. Cháu rất hài lòng về mọi người chỉ có ông bà làm cháu đau.

Cô ơi cháu có nên giục chồng quyết định ở riêng không? Chắc phải ở nhà thuê. Do suy nghĩ nhiều, lao động sớm lại con nhỏ, sau 3 tháng cháu sút 7 kg. Nói chung bố mẹ chồng vẫn dành tiền ấy cho con trai, cho cháu nội nhưng phải theo ý ông bà. Vợ chồng cháu chưa bao giờ cãi nhau, giận nhau.

--------------------

Cháu thân mến!

Chồng từ mai mối, chồng học thấp hơn mình nhiều, nhà lại có tiền tỷ bán đất, rất nhiều yếu tố để vợ chồng thành bất hạnh. Nhưng may mắn là chồng cháu tháo vát, giỏi xoay sở, thương vợ quý con, không sa đà hư hốt, không ỷ lại có tiền.

Coi như cháu lấy chồng muộn, đẻ con được ngay và thời buổi này, cả năm vợ chồng con nhỏ mà không cãi nhau, giận nhau, là hiếm quý đó nhá.

Thông thường, vài năm đầu sau hôn nhân đôi nào cũng trục trặc ít nhiều. Một khi bố mẹ chồng sống cùng, nói trắng ra là cháu cảnh làm dâu thì mâu thuẫn là đương nhiên.

Vì sao cháu và chồng êm đềm? Là vì, chồng cháu cũng là người rất yêu cháu, vả lại, mọi vấn đề của chúng cháu tập trung ở ông bố hay rượu và bà mẹ ghê gớm rồi. Nói cách khác, khi “chiến tranh” ở bên ngoài, thì nội bộ phải gắn kết hơn, để mà lo đối phó.

Lá thư cho thấy cháu siêng năng, không ỷ lại. Các em chồng, chú thím chồng và làng xóm đánh giá cao là đúng, cháu là người có học mà. Nhưng có câu, dâu là con, rể là khách, cháu người Bắc, chắc cháu hiểu câu này.

Sở dĩ bố mẹ chồng cháu quý rể vì nó ở riêng, có đụng chạm gì đâu mà mâu thuẫn. Còn cháu, dâu cưới về, ở trong nhà, từ đứa con của bố mẹ mình, bỗng thành con nhà người ta, mà đã sát sườn thì ra vô đụng mặt, thế nào cũng va quệt “giao thông”. Ấy là chưa nói chuyện các bà mẹ nông thôn phong kiến có thừa, cứ chăm chăm vào con dâu để ra uy, bắt nạt.

Cô thấy chưa nên ra riêng lúc này. Cứ sống với nhà chồng thêm đi rồi cháu sẽ thấy “sống chung với lũ’ cũng được. Là vì người ta con trai một, cháu nhỏ xíu quá đáng yêu, ông bà có này nọ với mình một phần cũng vì quá yêu quý con của cháu.

Ở cuối thư cô thấy cháu có ghi nhận phần sáng của ông bà, đừng xách va ly ra đi quá sớm khi con mình còn chưa đầy năm. Rồi cháu và chồng sẽ làm ăn quần quật, con cái sẽ phải nhờ đến ông bà, hãy cẩn trọng đối xử kẻo chiến tranh lạnh kéo dài, mất cả chì lẫn chài.

Bố mẹ chồng có khả năng, nếu ở riêng thì cũng nên thuyết phục bố mẹ cho tiền thuê chỗ. Khước từ hẳn trợ giúp của ông bà là dại, vì họ cũng chỉ có một cây một trái đó thôi.

Cháu là mắt xích quan trọng, chồng mẫu thuẫn với bố, cháu cứ can ngăn mềm mỏng đi rồi chồng sẽ nghĩ lại, sẽ thấy vợ mình quá tuyệt quá hay. Cốt nhục là quan trọng, mình vun vén vào chứ đừng cắt đứt người ta, đến lúc nào đó mình sẽ bị chồng quay ra trách móc.

Phụ nữ muôn đời chịu thiệt, hãy khôn ngoan và từ từ vùng lên, không sao đâu, nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm