| Hotline: 0983.970.780

Một cách cổ vũ cho hòa bình

Thứ Sáu 18/08/2017 , 11:50 (GMT+7)

Pakistan vừa kỷ niệm Ngày Độc lập từ Anh quốc lần thứ 70 hôm 14/8, và Ấn Độ là ngày 15/8. Hai quốc gia này có mối quan hệ thù địch đã hơn 70 năm, hiện chủ yếu là tranh chấp trên lãnh thổ Kashmir. Đang có một bài hát mới, mang hy vọng sẽ cổ vũ hòa bình - bằng cách hợp nhất quốc ca của hai nước.

Ca sĩ 2 nước cùng hát "Quốc ca hòa bình"

Nhóm kêu gọi hòa bình trên Facebook Voice of Ram chia sẻ trực tuyến với người dùng phương tiện truyền thông xã hội từ cả hai nước, bài hát trên nền nhạc quốc ca của 2 nước, ca ngợi hòa bình cùng những tình cảm chứa đựng trong đó. Video bắt đầu bằng những từ: "Khi chúng tôi mở biên giới sang nghệ thuật, hòa bình cũng xuất hiện". Một loạt các nghệ sĩ hát “bài quốc ca” này, chẳng hạn bên Ấn Độ là Jana Gana Mana, và Pāk Sarzamīn của Pakistan .Video kết thúc bằng những từ "Hãy cùng nhau chung sống hòa bình".

Các ca sĩ 2 nước cùng tham gia hát quốc ca hòa bình

Viết trên Facebook từ Ấn Độ, Kalpesh Patel nhận xét: "Hy vọng việc này sẽ lan truyền rộng rãi ở Pakistan". Osama Farooqui từ Karachi (Pakistan), trả lời: "Nó đã lan truyền hiệu quả, đơn giản chỉ là lắng nghe và lắng nghe một cách thanh thản.

Một video trước đây của nhóm Voice of Ram, đăng trên Facebook vào ngày 11/ 8, đã có 468.000 lượt xem. Nó có điểm đáng lưu ý là một nhóm Capella Ấn Độ - Voxchord, hát quốc ca của Pakistan.

Báo Dawn của Pakistan mô tả nó như là một "món quà bất ngờ", đó là "một sự kiện nên để lắng nghe".
 

Lịch sử bi thương

Đúng 70 năm trước, khi Anh rút khỏi Ấn Độ, thuộc địa được coi là viên ngọc quý trên vương miện của đế chế Anh. Vào tháng 8/1947, hai quốc gia tự trị đã ra đời - Ấn Độ cho đại đa số người Ấn Độ giáo và Pakistan cho đại đa số người Hồi giáo. Sự chia cắt này dẫn đến một trong những thảm họa bi thương nhất của thế kỷ 20. Những thay đổi trong vài tháng đó vẫn không thể xóa nhòa sau 70 năm.

Khi còn là thuộc địa của Anh, Ấn Độ là quê hương của gần 400 triệu người - người Ấn Độ giáo chiếm đa số, còn người Hồi giáo chiếm khoảng một phần tư dân số. Ông Nehru, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, phản đối chuyện chia cắt đất nước theo tôn giáo. Nhưng ông Jinnah, người sau đó trở thành Thống đốc đầu tiên của Pakistan, khăng khăng đòi có một quốc gia riêng cho những người Hồi giáo. Sau khi biên giới giữa hai nước được vạch định năm 1947, Jinnah phàn nàn ông chỉ được một nước Pakistan 'bị mối mọt cắn' - với hai cánh cách xa nhau hai ngàn km và lãnh thổ của Ấn Độ ở giữa. Sau đó, vào năm 1971, phần đông Pakistan trở thành quốc gia độc lập Bangladesh.

Dù xung đột giữa giữa người Ấn Độ giáo và người Hồi giáo đã bùng nổ từ trước khi có sự phân chia, nhưng bi kịch lớn đã xảy ra vào thời điểm chia cắt biên giới. Hơn 12 triệu người tỵ nạn di chuyển từ Ấn Độ sang Pakistan và ngược lại. Khoảng nửa cho tới một triệu người thuộc nhiều cộng đồng bị sát hại và hàng chục ngàn phụ nữ bị bắt cóc. Quan hệ Ấn Độ - Pakistan tới giờ vẫn chưa phục hồi sau thảm họa này và xung đột tranh giành thung lũng Kashmir vẫn chưa được giải quyết.
 

Thế giới cổ vũ cho hòa bình cho 2 nước

Năm 2014, thiếu nữ Pakistan tranh đấu cho giáo dục và nữ quyền - cô Malala Yousafzai và nhà hoạt động cho quyền của trẻ em Kailash Satyarthi người Ấn Độ cùng được trao giải Nobel Hoà bình. Khi loan báo giải thưởng ở Oslo, chủ tịch Uỷ ban Nobel Na Uy - ông Thorbyoern Jagland - đã nói về lòng can đảm và anh hùng của những người đoạt giải và cũng nêu ra rằng họ cùng có một lý tưởng bất chấp những khác biệt. Ông Thorbyoern Jagland nói: “Uỷ ban coi đó là một điểm quan trọng khi một người đạo Ấn giáo và một người theo Hồi giáo, một người Ấn Độ và một người Pakistan cùng tham gia một cuộc tranh đấu cho giáo dục và chống lại chủ nghĩa cực đoan.”

Natasha Baig là một trong số các nghệ sĩ Pakistan tham gia hát quốc ca hòa bình

Ông Satyarthi và cô Yousafzai đều làm việc vì trẻ em, và họ làm việc ở hai nước gần kề nhau. Nhưng đất nước của họ đều có một sự nghi kỵ sâu xa lẫn nhau và đã xảy ra nhiều vụ xung đột biên giới.

Ông Mustapha Kadri, chuyên gia về Nam Á của tổ chức Ân xá quốc tế nêu nhận định về thông báo chính thức của Uỷ ban Nobel Na Uy: “Cảm tưởng của cá nhân tôi là Uỷ ban Nobel muốn gửi đi một thông điệp nói rằng cả Ấn Độ lẫn Pakistan đều có chung một số phận. Hai nước có chung những thách thức như nhau. Họ có những nhà hoạt động rất giống nhau, tranh đấu cho tương lai của trẻ em ở cả hai nước.”

Đường biên giới được vẽ ra vội vàng năm 1947 là nguyên nhân của 3 cuộc chiến tranh, nhiều thập kỷ thù hận giữa hai nước, với những kí ức đau thương cho các thế hệ người Ấn Độ và Pakistan. Rồi 70 năm sau, hai bên vẫn chưa bao giờ thống nhất được đường ranh giới ở khu vực Jammu và Kashmir, điểm nóng thường xuyên giữa hai nước Nam Á. Bởi vậy, sự kiện các ca sĩ từ cả hai nước cùng hát "Quốc ca hòa bình" trên nền nhạc quốc ca của 2 nước, là điều rất đáng cổ vũ, vì nó làm dân chúng xích lại gần nhau hơn. Đúng như lời ca khi kết thúc: "Hãy cùng nhau chung sống hòa bình".

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Hàng nghìn người Trung Quốc mua phải vàng giả trên mạng

Giá vàng tăng vọt trong thời gian qua đã gây ra một cơn sốt vàng thỏi, cùng với đó là số vụ lừa đảo bán vàng giả ở Trung Quốc.