| Hotline: 0983.970.780

Người mở đường... lên trời

Thứ Ba 10/01/2012 , 14:59 (GMT+7)

Người đã tạo nên "con rồng khổng lồ" giữa đại ngàn xanh mướt đó là Hoàng Văn Nhính, trưởng bản Na Sàng.

Ở dưới chân núi Thung Lũng là nơi hơn chục hộ đồng bào người Mông sinh sống có tên bản là Na Sàng (Phú Đô, Phú Lương, Thái Nguyên). Ngước lên trời thấy con đường mới còn tươi màu đất đỏ uốn lượn ngoằn ngoèo ôm ghì lấy núi. Người đã tạo nên "con rồng khổng lồ" giữa đại ngàn xanh mướt đó là Hoàng Văn Nhính, trưởng bản Na Sàng.

Nghĩ khác làm khác

Dáng người tầm thước, nước da bánh mật, ấn tượng nhất ở Nhính là đôi mắt một mí, hiền nhưng khá lì. Mới 34 tuổi, Hoàng Văn Nhính có 2 con, một 15 tuổi, một 13 tuổi. “Đó là một sai lầm”, Nhính nói. Rồi anh kể, lúc xây dựng gia đình, mọi điều kiện còn khó khăn lắm, chưa đầy 18 tuổi nên ngay cả suy nghĩ của bản thân còn chưa truởng thành. Đối diện với những thử thách của cuộc sống tự lập mới, Nhính tâm niệm, phải khắc phục sai lầm bằng cách tập trung vào làm kinh tế.

Bản Na Sàng được hình thành năm 1987. Ban đầu, bản chỉ có 3 hộ dân, đó là những người đầu tiên đến sống trên đỉnh núi Thung Lũng từ năm 1979. Cuộc sống di cư với thói quen “tay cơ” (đốt rừng, làm rẫy) của 3 hộ dân trong hơn chục năm trời đã làm cho núi Thung Lũng vốn xanh màu cây cỏ thành ra trọc lốc. Con chim, con thú không còn, đất đai cằn khô không thể canh tác được nữa, tự triệt tiêu mất nguồn sống nên buộc 3 hộ dân phải hạ sơn, xuống định cư dưới chân núi. Nhưng, làm gì để sống?

Bản Na Sàng được Nhà Nước đầu tư mở một con đường từ trục đường chính của xã nối vào bản. Đi lại thông thương chính là cơ hội để Bí thư Chi đoàn Hoàng Văn Nhính học cách làm kinh tế. Năm 1995, khi thấy Nhính đem chè giống về trồng, dân bản cười ngặt, cái cách làm đó xa lạ quá, kỳ quặc quá. "A Nhính trồng cây để trả nợ rừng đấy", dân bản rỉ tai nhau thế.

Không dao động, Nhính học cách chăm bón chè trồng mới ngoài xã rồi về áp dụng. Năm sau, chè lên xanh tốt, Nhính có thêm một đồng minh là anh Lý Văn Sình. Mỗi hộ trồng mới gần 10 sào chè. Đến lúc chè cho thu hoạch, vợ chồng Nhính lại phải ra nhờ Đoàn thanh niên xã dạy cho cách hái chè, cách sao, vò chè...

Cầm hơn 1 triệu đồng tiền mặt trong tay từ việc bán lứa chè đầu tiên, mắt Nhính rưng rưng, người Mông quen trao đổi con hoẵng, con cắng lấy lương thực, thực phẩm chứ sản xuất trồng trọt để kiếm ra đồng tiền là rất mới mẻ. Mua cho mỗi người con một bộ quần áo, Nhính chạy một mạch từ chợ xã về nhà, đến đầu bản đã gọi vợ ầm lên để khoe tiền.

Truyền nhau cách làm, 14 hộ dân tộc Mông bản Na Sàng cùng sản xuất chè. Hộ ít có từ 5 - 6 sào, hộ nhiều như nhà Nhính, nhà Sình có 8 - 9 sào, mỗi lứa thu được trên dưới chục triệu đồng. Nhà nào cũng đầu tư lò quay, máy sao, máy vò. Thương lái tìm vào tận bản để mua chè của đồng bào.

Làm được chè thì ắt làm được lúa. Nghĩ vậy, Nhính bàn với vợ chắt chiu thu nhập từ chè để khai khẩn diện tích hoang hoá, mang lúa nước về canh tác theo kiểu “phổ thông” - cách gọi của Nhính. Nhưng dân bản thì không nghĩ thế, lại biết Nhính nói là làm nên chỉ can ngăn nhẹ nhàng, làm lúa “phổ thông” trên núi thì lấy đâu ra nước mà làm Nhính à? Quả vậy, lúa nước không có nước, năm ấy Nhính thất thu.

Không nản chí, Nhính đã bàn với Lý Văn Sình và Hoàng Văn Hùng lên núi Thung Lũng, đến vị trí đầu nguồn con suối Cái, nơi quanh năm nước về để đắp một con đập, xây một cái bể lắng, rồi dùng đường ống dẫn nước sạch về bản. Số tiền mà bộ ba gia đình bỏ ra gần 40 triệu đồng để xây dựng công trình nước từ đầu những năm 2000 là không nhỏ. Nước tự chảy suốt ngày đêm ngoài phục vụ sinh hoạt còn được dẫn vào các thửa ruộng để cấy lúa.

Ngày Nhính nhờ các đoàn viên của xã lên thung cắt lúa, dân bản kéo nhau ra xem vui như hội. Từ tin tưởng đến khâm phục, đồng bào nghe theo, học theo cách làm của Nhính, bầu Hoàng Văn Nhính làm trưởng bản, Lý Văn Sình làm phó bản từ năm 2004.

Đến nay, 14 hộ dân bản Na Sàng đã có tới 30 ha đất chè, đất lúa. Từ chỗ chỉ trồng cấy những giống lúa bản địa cho năng suất thấp, Nhính đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu sang các loại giống lai cho năng suất cao. Vụ mùa này, người Mông Na Sàng cấy chủ yếu là giống Việt lai 20 - điều mà nhiều địa phương khác dù là vựa lúa ở Thái Nguyên muốn cũng không được.

Sản lượng lúa đạt cao, đủ cung cấp lương thực cho người Mông Na Sàng nên món ăn mèn mén chỉ còn xuất hiện trong dịp lễ Tết như một kỷ niệm mà thôi. Phó bản Lý Văn Sình nói, bây giờ làm ít nhưng được nhiều vì được cán bộ tận tình hướng dẫn. Sình đã bỏ ra gần 30 triệu đồng để mua máy xay xát phục vụ bà con. Sản lượng lương thực dư thừa được đầu tư vào chăn nuôi. Phát triển kinh tế đa dạng, bản Mông Na Sàng từng có tỷ lệ 100% hộ nghèo đói thì nay chỉ còn 5 hộ thuộc diện nghèo.

Trưởng bản Hoàng Văn Nhính thì mua nhà mới ở trung tâm xã để cho con theo học cấp 2; Phó bản Lý Văn Sình dù đã có căn nhà 2 tầng kiên cố nhưng cũng mua một căn nhà mới ở phố Trào để tiện đường cho con học cấp 3 trường trung tâm huyện. Con trai Sình sau khi tốt nghiệp cấp 3 đã học xong trường Cao đẳng Truyền hình và được tuyển vào làm Phát thanh viên chương trình tiếng Mông của Đài truyền hình tỉnh Thái Nguyên.

Được dân bản tin tưởng, tín nhiệm nên Nhính và Sình tuyên truyền, vận động rất hiệu quả. Bản Na Sàng đã hơn 10 năm không có nạn tảo hôn, không có người sinh con thứ 3, không có người mắc tệ nạn xã hội, trẻ em trong bản đều được đến trường... Bản được công nhận là làng văn hoá cấp huyện 10 năm liền.

Mở đường lên trời

Ngoài làm chè, cấy lúa và chăn nuôi, 14 hộ dân của bản Na Sàng còn là chủ sở hữu của hơn 100 ha rừng keo. Ngặt nỗi, diện tích rừng chủ yếu được trồng trên núi Thung Lũng, phải trèo theo đường mòn ít nhất cũng gần 2 km. Diện tích rừng của bà con sắp đến tuổi thu hoạch nhưng nếu hạch toán thì giá trị thu hoạch gỗ rừng sẽ bằng không sau khi trừ đi chi phí vận chuyển. Phải mở đường lên núi thì mới tiết kiệm được chi phí, rừng mới cho thu nhập.

Chủ tịch UBND xã Phú Đô Phạm Ngọc Tân đánh giá, Trưởng bản Hoàng Văn Nhính không chỉ giúp dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo mà còn là điển hình của địa phương trong việc thực hiện nhiệm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào. 

Trưởng bản Hoàng Văn Nhính rất nhiều lần cơm đùm cơm nắm vượt rừng, băng núi đi thăm đường để thiết kế cái mà dân bản đã bị khuất phục và gọi là “con đường lên trời”. Cuối cùng, Nhính ôm cả trăm triệu của gia đình đi thuê máy xúc về bản để làm đường. Lần này, dân bản nói thẳng băng, Nhính bị ma rừng bắt hồn rồi. Vách núi dựng thẳng, đi bộ còn phải trèo thì làm sao mà mở đường được? Khùng à! Nhính ơi! Đừng làm nữa! Vợ Nhính lo lắm nhưng không dám can ngăn. Nhính đã nghĩ làm đúng là làm, sao can nổi.

Vậy là suốt một tháng trời, Nhính cầm cuốc xẻng, dao quắm đi theo máy xúc. Nhính chặt cây, phát dọn để máy xúc đất. Khi máy nghỉ, Nhính lại đào lấp, san ủi. “Vừa làm vừa thiết kế”, Nhính kể, những chỗ dốc tức thì hạ thêm xuống, những nơi cua gấp thì mở rộng ra. Taluy dương dựng đứng thì chặt sâu vào, taluy âm xuống vực thì đổ thêm đất...

Đường đang làm dở thì hết tiền, Nhính về bán đàn lợn rồi ra ngân hàng vay thêm gần 30 triệu đồng cộp cho chủ máy. Tháng 8/2011, đường mới hoàn thành, Nhính mang xe máy ra phóng lên đỉnh núi. Buổi chiều, Nhính lại nhờ người lái xe ô tô vào để xem phải khắc phục chỗ nào. Tất cả dân bản hò reo, cổ vũ khi ô tô bò lên đến đỉnh núi Thung Lũng. "Xúc động lắm, Nhính lại khóc, đúng là khùng thật anh nhỉ?”.

Có đường, hàng trăm ha rừng keo của đồng bào sẽ cho giá trị thu nhập cao. Nhà Nhính có 9 ha, nhà Sình có 17 ha... Đó chính là dấu hiệu của những tỷ phú tương lai của người Mông ở Na Sàng.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lạng Sơn rà soát lại các gói thầu liên quan đến công ty Thuận An

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An tham gia thi công một phần của dự án nâng cấp Quốc lộ 4B, kết nối liên vùng giữa tỉnh Lạng Sơn - Quảng Ninh.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm