| Hotline: 0983.970.780

Nhà sạch bóng người

Thứ Tư 22/09/2010 , 10:33 (GMT+7)

Dính vào ma túy phải trả giá khiến Na Ư (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) có không ít những căn nhà quanh năm không có người ở.

Những căn nhà ma ở Na Ư
Dính vào ma túy phải trả giá khiến Na Ư (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) có không ít những căn nhà quanh năm không có người ở. 

>> Cán bộ nhúng chàm
>> Vào cung đường ma túy nóng nhất Tây Bắc

Đi tù hết một bản 

Vừa dẫn tôi men theo con đường độc đạo vào bản Hua Thanh, trung sĩ Hạ (cán bộ Đồn biên phòng Tây Trang) vừa nửa đùa nửa thật rằng: “Đáng ra Na Ư có 7 bản nhưng số người ở tù hoặc chết vì ma túy chiếm mất một bản rồi”.  

Rồi anh Hạ kể câu chuyện mà trước khi vào Na Ư tôi đã được nghe như một minh chứng về hậu họa cơn lốc ma túy miền biên viễn này. Đó là hoàn cảnh gia đình Lý Giáng Minh ở bản Ca Hâu. Cả mẹ đẻ và 5 anh em Minh đều đã bị bắt, trong đó có 2 người bị tử hình, 2 người đi tù. Cạnh đó là gia đình Và Chìa Chía có 4 con trai, 2 con dâu bị bắt về buôn ma túy, trong đó có 1 người tử hình, 2 người khác còn đang thụ án… Cùng những lời tuyên bố của những kẻ phải trả giá nghe rợn tóc gáy: “Nhà còn người là còn buôn ma túy”. 

Bản Hua Thanh nằm tách biệt dưới một thung lũng nhìn từ đỉnh Na Ư rất yên bình. Ít ai biết rằng đằng sau những cột khói chiều và màn sương mờ mờ ấy rất nhiều ngôi nhà không có người ở bởi chủ nhân hoặc chết vì ma túy hoặc đang thụ án tại các trại giam. 

Dù đang ở độ tuổi thanh niên nhưng Và A Cú đã được tín nhiệm bầu làm trưởng bản. 25 tuổi, không phải nhờ thành tích hay uy tín cao mà đơn giản nhà Cú là một trong số gia đình hiếm hoi không đồng lõa với ma túy. Trong câu chuyện bên bếp lửa, ánh mắt Cú thỉnh thoảng ngoài nhìn khắp một lượt quanh nhà. Anh bảo: “Mình ngồi nói chuyện thế này nhưng chúng nó biết hết. Em thì không sợ gì nhưng còn gia đình. Trong làng trong bản với nhau, dễ gây thù chuốc oán lắm. Biết em nói chuyện với nhà báo thế nào cũng có người gây sự”.  

Thế mới biết dù còn trẻ nhưng những biến cố liên quan đến ma túy ở bản Cú nắm vanh vách. Lật cuốn sổ tay anh lẩm bẩm rồi buồn rầu than: “Cả bản có 48 hộ thì hầu hết đều dính dáng đến ma túy. Số người bị trừng phạt thống kê không hết. Còn nhà không có người ở như anh nói thì nhiều lắm”. 

Ngay sát nhà Cú là ngôi nhà nan nát của cụ bà Sùng Thị Tông (70 tuổi). Cụ Tông là mẹ của Sình A Tú, người vừa bị kết án chung thân vì tội vận chuyển ma túy. Tú bị bắt ít lâu thì vợ là Và Thị Dia cũng bị bắt luôn vì tội tương tự. Vợ chồng xộ khám, con cái bơ vơ. Một mình cụ Tông ngày ngày mò mẫm lên nương nuôi 3 đứa cháu nheo nhóc. Cái ăn cái mặc một mình bà đã khó, giờ lại tay nách tay mang nên cuộc sống 4 bà cháu chủ yếu trông vào cứu trợ, đứt bữa thường xuyên. Căn nhà trước đây cả gia đình Tú – Dia sống giờ thành nhà hoang, cỏ dại mọc um tùm. 

Chỉ loanh quanh trong bản Hua Thanh, hàng chục ngôi nhà “sạch bóng người” như thế. Nhà của Vừ A Tà, Và A Cho đang đi tù, bỏ trốn… Nhà của Sình A Kỷ thì chủ nhân không bao giờ về được nữa vì đã nhận án tử hình. 

Nghiện cả nhà 

Khái niệm nhà ma ở Na Ư một phần xuất phát từ những chủ nhân sống vật vờ do nghiện hút heroin. Thời gian họ sống trong căn nhà của mình hầu như chủ yếu chỉ để hút chích. Thành ra cứ một đợt cai nghiện hay truy quét của lực lượng công an, biên phòng thì số nhà ma càng tăng lên. 

Hôm tôi đến là thời điểm Na Ư đang tổ chức cai nghiện ngắn hạn cho gần 20 đối tượng. Đêm đêm, “trung tâm cai nghiện” được cải tạo từ nhà sinh hoạt cộng đồng của xã cứ ré lên những tiếng hò hét ầm ĩ. Y như rằng sáng hôm sau có vài đối tượng bỏ trốn. Lê Văn Thành, một chiến sĩ công an cắm bản trẻ tuổi vội vã vào trạm biên phòng xin hỗ trợ vừa nói không ra hơi: “Bố con Vừ A Thếnh ở bản Ca Hâu trốn mất rồi. Ở trại không có, ở nhà cũng không có. Không khéo nó bỏ sang Lào buôn rồi cũng nên”.

Anh Thành bảo rằng đây không biết là lần thứ bao nhiêu bố con nhà Thếnh bỏ trốn. Mỗi một đợt cai nghiện ngắn hạn khoảng 10 ngày nhưng gần như ngày nào cũng có người bỏ trốn. Nhà Thếnh trước đây cũng khá giả. Dù không ai nói ra nhưng cũng biết rằng phải liên quan gì đến ma túy nên nhà nó không làm ruộng vẫn đủ ăn đủ mặc. Mấy năm trước vợ nó là Lầu Thị Ong bị bắt vì mọi chuyện mới vỡ lở.

“Vốn là một con nghiện từ lâu nên Vừ A Mua chỉ suốt ngày luẩn quẩn xung quanh bản, ai hở cái gì là hắn trộm đem đi đổi heroin. Hết tiền, hắn bèn về đem nốt bì gạo cuối cùng trong nhà đi đổi ma túy. Bị vợ giữ lại, hắn điên cuồng như một con thú hoang, dồn chút sức lực tàn đạp vợ ngã dúi dụi vào bậu cửa. Sau đợt đó, vợ hắn là Mùa Thị Dợ đưa con về nhà ngoại để ở.

Can ngăn hắn mãi không được, chị Dợ đã tìm đến nắm lá ngón để quyên sinh. Vợ chết, mấy đứa con phải chạy về nhà ông bà nội để xin bữa cơm, bữa cháo. Rồi hắn bị nhiễm HIV và chết khi đang sử dụng ma túy”.

Gia đình Thếnh có 6 người. Ngoại trừ bà mẹ đã quá già và đứa con gái út còn bé xíu thì những người vốn được xem là lao động chính như vợ chồng Thếnh và 2 đứa con trai bị cuốn vào cơn lốc ma túy. Vợ ở tù, 3 bố con đều nghiện hút. Một ít của cải từ hồi còn buôn bán được dần đội nón ra đi. Hết tiền, cả 3 đành kéo nhau lên xã xin cai thử nhưng bất thành. Hôm nay nữa đã là lần thứ năm hay sáu gì đấy bố con nhà Thếnh bỏ trốn. Căn nhà cấp nứa vốn đã xiêu vẹo giờ chỉ còn bà cụ già và một đứa cháu nhỏ trông càng lạnh lẽo hơn.  

“Cũng 3-4 đợt tổ chức cai nghiện rồi nhưng hiệu quả thấp lắm. Mỗi đợt cai mười ngày, cơ sở hạ tầng, dụng cụ thuốc men lại thiếu thốn nên tình trạng tái nghiện hầu như không thể tránh khỏi. Đó là chưa kể tình trạng có nhiều đối tượng vào cai nhưng vẫn dùng thuốc như thường do “chiến hữu” bên ngoài tuồn vào”, anh Thành chán nản.

“Nghiện hút, chích choác, HIV, chết” kết cục ấy không phải ở Na Ư không có người biết. Đã có không ít trường hợp đắng cay nhãn tiền nhưng rồi mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. (còn nữa)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất