| Hotline: 0983.970.780

Phận người cảng cá

Thứ Sáu 14/09/2012 , 08:47 (GMT+7)

Cảng cá Long Hải (huyện Long Điền) là cảng cá lớn nhất, nhộn nhịp nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ở đó, mỗi ngày có hàng trăm phụ nữ, trẻ em mưu sinh bằng đủ thứ nghề nặng nhọc.

Cảng cá Long Hải
Cảng cá Long Hải (huyện Long Điền) là cảng cá lớn nhất, nhộn nhịp nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ở đó, mỗi ngày có hàng trăm phụ nữ, trẻ em mưu sinh bằng đủ thứ nghề nặng nhọc: bốc vác, gánh cá thuê, bán nước, làm trong các xưởng sơ chế cá. Cuộc sống của họ gắn liền với biển, phụ thuộc vào những vui, buồn của biển.

1. 5 giờ sáng, khi bình minh vừa ló rạng, chúng tôi có mặt ở cảng cá Long Hải, hàng trăm người đang tất bật đi lại, vận chuyển cá từ mép nước lên bờ cao, nơi có những chiếc cân, xe tải lớn nhỏ đang đợi. Tiếng quát tháo, tiếng gọi nhau í ới. Không chỉ có đàn ông, rất nhiều những phụ nữ trung niên đang đẩy những chiếc xe ba gác đang lặc lè cá, người khác đang oằn mình với quang gánh trên vai, mỗi bên là một rổ cá 25 ký. Dù tiết trời buổi sáng hơi lạnh, nhưng lưng áo người nào cũng đẫm mồ hôi.

“Họ làm từ lúc 3 giờ đến giờ mà”, bà chủ quán nước chúng tôi vừa ghé vào nói. Ngay trên bờ cảng, một nhóm phụ nữ chân đeo ủng, tay đeo găng đang túm lại quanh một đống cá “nát như tương”, người lựa chọn, người cân. Chị Phan Thị Dung, 41 tuổi, cho biết công việc hàng ngày của chị là đợi tàu vào, sau khi cá đã được chuyển hết vào, chủ tàu và lái cá đã mua bán xong, còn lại một đống hổ lốn gồm cá dạt, cua, ghẹ chết, dập nát... chị đến mua lại. Sau đó chị ngồi phân ra từng loại. Những con cá còn tương đối lành lặn được mang về làm khô, cua ghẹ mang bán cho các quán ăn như quán bánh canh, nhà hàng để họ nấu món súp khai vị trong các tiệc cưới. Tính đến nay, chị làm công việc này đã hơn 20 năm nay, mỗi ngày kiếm từ 80 đến 120 ngàn. Hôm nào may mắn lắm mới được 200 ngàn.

Chúng tôi ghé vào xưởng chế biến cá của bà Đặng Thị Ánh Tuyết nằm trên bờ cảng cá, thấy gần 20 người đang tất bật làm việc. Bà Tuyết cho biết, xưởng của bà lâu đời nhất, công nhân ít bỏ việc nhất ở cảng cá này. Được như vậy là do bà luôn trả công cao, sòng phẳng và cứ cuối mỗi ngày bà thanh toán tiền công ngay chứ không để công nhân phải hỏi.

Trong xưởng cũng có vài ba đứa trẻ chỉ chừng trên dưới 10 tuổi, cũng ngồi cắt, moi ruột cá như người lớn. Đến gần một cậu bé chừng 10 tuổi đang ngồi lúi húi làm, bàn tay nhỏ thoăn thoắt “múa” chiếc kéo to tướng, tôi hỏi: “Cháu tên gì?”, “Thành”, “Cháu bao nhiêu tuổi rồi?”, “13 tuổi”, “Sao cháu không đi học?”, “Không có tiền”, “Một ngày cháu làm được bao nhiêu?”, “7 - 8 chục”, “Cháu làm công việc này lâu chưa?”, “Lâu rồi”, “Lâu là mấy năm?”, “3 - 4 năm”, “Cháu làm với ai?”, lúc này cậu bé mới ngẩng đầu hướng sang người phụ nữ ngồi bên cạnh, nói “mẹ”, “Cháu có mấy anh em?”, “dạ 2”…


Thành, con trai chị Trúc, 13 tuổi đã có thâm niên 4 năm làm cá

Người phụ nữ mà Thành vừa giới thiệu là mẹ, tên Phạm Thị Trúc, năm nay 37 tuổi, quê gốc của chị ở tận Bình Định, nhưng lấy chồng Cà Mau. Vợ chồng chị có 3 đứa con, từ Cà Mau lên cảng cá này kiếm sống từ 10 năm nay. Cô con gái lớn tên Thanh, năm nay 16 tuổi, cũng có “thâm niên” làm cá ngót chục năm. Thành là con thứ 2, năm nay 13 tuổi nhưng cũng đã gắn bó với xưởng cá này được 4 năm. Còn cô con gái út của chị mới hơn 2 tuổi đang lê la chơi một mình trong mùi tanh của cá. “Không có người trông nên phải dắt nó theo”, chị nói.

Các con chị không đứa nào được cắp sách tới trường. “Làm ở đây thu nhập thế nào, chị?”, tôi hỏi. “Cũng tùy, bữa nào có cá nhiều, làm từ 3 giờ sáng đến chiều cũng được 3 - 4 trăm. Còn hôm nào không có cá làm thì đi lượm ve chai”. “Làm có vất không chị?”, “Công việc cũng không nặng lắm, nhưng phải thức đêm. Hôm nào cá về nhiều, làm nhiều tiền nhưng có khi phải làm liên tục từ 2 giờ sáng đến 9 giờ đêm”.


Bốn mẹ con chị Trúc trong xưởng sơ chế cá ở cảng cá Long Hải

2. Cảng cá Long Hải chỉ dài chừng nửa cây số, nhưng ngoài hàng trăm quán ăn, quán nước mọc san sát. Còn rất nhiều người quẩy gánh bán rong với đủ loại thức ăn, đồ uống khác nhau, từ bún, cơm, phở đến chè, cháo, trái cây. Rất nhiều trẻ em, người già cũng tụ về đây mưu sinh bằng công việc mót cá, bán nước, bán đá đông lạnh lẻ.


Phụ nữ gánh cá thuê ngoài cảng

Làm quen với một người phụ nữ lớn tuổi bán hủ tiếu rong, tôi đượ biết chị tên Lê Ngọc Hân, năm nay 45 tuổi, quê gốc ở Đà Nẵng, chồng chị mất trong một lần đi biển, để lại vợ và 2 đứa con nhỏ. Sau nhiều năm bôn ba kiếm sống nuôi con ăn học, năm 2003, chị quyết định dừng lại cảng cá này.

Hàng ngày, từ 2 giờ sáng, chị Hân bắt đầu thức dậy để nấu hủ tiếu. “Hiện nay 2 con tôi đều đi học, bán cái này mỗi ngày cũng kiếm được đôi trăm, lại không phụ thuộc tàu cá, dù phải chắt bóp từng xu, nhưng tôi phải cố lo cho tụi nhỏ đi học”, chị tâm sự.

Trong cái nắng gay gắt buổi trưa, một người đàn ông đang đứng thở dốc, bên cạnh là một chồng giỏ cần xé cao quá đầu. Tôi lại bắt chuyện. Ông là Nguyễn Văn Nam, năm nay 68 tuổi. Ông làm công việc thu gom giỏ từ các xưởng mang ra cảng, chuẩn bị cho ngày mai tàu về có cái mà đựng cá. Mỗi ngày như vậy, ông cũng kiếm được vài chục ngàn tiền công. Tôi hỏi sao ông không tìm công việc khác nhàn hơn, ông nói: “Mình lớn tuổi nhưng vẫn còn sức khỏe nên cố làm để kiếm thêm tiền chợ khỏi phải làm phiền con cái. Làm công việc này tuy phải mang vác nặng nhưng được cái thoải mái, sức mình có bao nhiêu thì vác bấy nhiêu, hôm nào mệt thì nghỉ. Làm ngày nào ăn ngày ấy”.

Quan sát cảng cá này, tôi ước tính có khoảng 200 phụ nữ làm công việc gánh, đẩy xe cá, hàng chục người khác làm công việc thu mua cá dạt. Chị Thảo, năm nay 35 tuổi, cho biết: Thông thường chị làm từ 3 giờ đến 7 giờ sáng, mỗi ngày như thế chị gánh khoảng 50 chuyến, mỗi chuyến 50kg cá. Như vậy bình quân mỗi ngày chị gánh 2,5 tấn cá. Mỗi chuyến được trả công chỉ 5 ngàn đồng. "Đàn ông có sức khỏe nên họ đẩy xe chở cá cho những tàu lớn, được nhiều hơn. Còn phụ nữ sức yếu thì gánh cho các chủ ghe nhỏ, có khi gánh thuê cho những tiểu thương bán cá ra tới tận chợ”, chị Thảo nói.


Ngoài rất nhiều quán cố định, còn có hàng chục xe, gánh hàng rong cũng tụ về cảng phục vụ

3. Lẫn trong dòng người đang bất bật, một cụ già với tấm lưng đã còng với chiếc nón là đã nát, đang chậm rãi lượn quanh khu vực cân cá. Lại gần hỏi thăm tôi mới biết bà tên Nguyễn Thị Bé, năm năm nay đã 76 tuổi.

Mấy năm nay, bà mưu sinh ở cảng cá này bằng nghề mót cá để nuôi 2 đứa cháu nội. “Các con đâu mà để cụ phải vất vả thế này?”, tôi nắm tay bà cụ hỏi. “Bà không còn con nữa, chỉ có 2 đứa cháu nội thôi. Ba tụi nhỏ chết rồi, bà phải nuôi chúng nó”, bà Bé nói, đôi mắt ngấn lệ. “Lớn tuổi vậy mà hàng ngày phải ra đây mót cá về nuôi 2 đứa cháu. Sức khỏe không có nên chả ai thuê làm gì cả. Ngày nào bả cũng ở đây cả ngày để mót những cá. Ở đây ai cũng biết hoàn cảnh của bả nên lâu lâu lại cho mấy con cá, vài ngàn đồng”, chị Thảo nói.

Xem thêm
Thủ tướng làm Trưởng ban sắp xếp, tinh giản bộ máy của Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp

Các mô hình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn liền với chuỗi giá trị giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Đại học Thủy lợi - Niềm tự hào của các thế hệ sinh viên

Bí thư Yên Bái coi nhà trường là nơi rèn giũa lý tưởng, còn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT xem đây là nguồn tri thức vô giá trong vấn đề thủy lợi, phòng chống thiên tai.