| Hotline: 0983.970.780

Đắng đót những làng trầm

Thứ Tư 10/04/2013 , 10:45 (GMT+7)

Khi những cánh rừng miền Trung cạn kiệt trầm hương thì người làng Trúc Ly vác ba lô vượt dãy Trường Sơn để tìm trầm.

Ông Mai Văn Minh, người có thâm niên đi rừng chừng hai chục năm, giờ đã giải nghệ. Hỏi về những vùng đi trầm có tiếng trong tỉnh Quảng Bình, ông Minh chẳng chần chừ: "Có hai làng mà ai cũng công nhận là đi trầm nức tiếng, đó là làng Trúc Ly và làng Thanh Hưng".

>> Xuất ngoại tìm trầm
>> Ngậm ngùi ngậm ngải tìm trầm

Ăn của rừng rưng rưng nước mắt

Làng Trúc Ly (thuộc xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) vốn nằm tách biệt với cụm dân cư của xã. Làng nằm ở rìa sông Nhật Lệ. Vì thế, người làng Trúc Ly đa phần mưu sinh bằng nghề chài lưới. Người Trúc Ly từ nhỏ đã biết bơi, biết chèo đò, lặn cua... Vậy mà cơn lốc trầm hương thổi qua làng Trúc Ly như tạo một cơn "địa chấn" cho làng.

Ông Lê Văn Duẫn (trên 50 tuổi, ở xóm Chùa) vừa bôi mỡ vào mấy cây soi trầm để cất giữ cho khỏi bị hoen rỉ, vừa chắc giọng: "Hồi đó, vào khoảng đầu năm 1980, vài người theo bạn ở Chợ Gộ - Vĩnh Tuy đi trầm, chỉ sau vài tháng là thanh niên, trai tráng cả làng đều lên rừng. Ban đầu chỉ thanh niên, sau đó thì người có vợ có con cũng đi và đến cả người già sáu mươi tuổi cũng đeo bao lô theo con cháu”.

Đi trầm trở thành phong trào. Cách đi cũng chia thành nhóm nhỏ, từ 4-5 người thành “xâu” (nhóm) và mỗi đoàn đi có khi đến 15-20 "xâu" như thế. Có những “xâu” chỉ gồm người trong nhà. Lúc đó, mỗi chuyến đi chừng 10-15 ngày. Những ngày “dân cội” lên rừng, thôn xóm vắng hoe, chỉ còn đàn bà và con nít ngồi bậc cửa ngóng tin. Vắng chừng hơn chục hôm, đến lúc làng vui như tết, đó là lúc "dân cội” về. Có hàng, nhiều thương lái xe máy, xe đạp chen nhau về Trúc Ly. Những lúc đó, hàng trầm ăn (gọi là hàng chạy), giá bán trầm được gọi lóng là “chạy cao cấp”, “chạy cấp 9” hay “cấp 10, cấp 11”... Thậm chí có những lúc hàng được giá, “dân cội” truyền miệng “hàng chạy cấp xoáy” là "đỉnh" nhất.


Những ngôi nhà “dân cội” ở làng Trúc Ly

Vào thời hàng "chạy cấp xoáy", thương lái phải ra sức nịnh các "dân cội". “Lúc đó, khi có hàng về, lái muốn xem, phải cọc tiền hay bia bọt tràn nền nhà đã mới được chúng tôi cho xem hàng. Có khi giá cả đưa ra, lái buôn chỉ cần vỗ tay “bốp” một phát lấy luôn. Sau đó còn móc ví tặng cho anh em vài triệu bạc gọi là lấy hên và nhớ tiếng", ông Duẫn nhớ lại.

Nhưng đó là lúc thịnh, còn gặp phải lúc suy thì chẳng khác nào cảnh cháy nhà. Đó là khi “hàng đứng”, tức là không bán được, lái cũng lượn lờ hỏi cho qua chuyện rồi rút êm. “Dân cội” ôm hàng buồn đắng lòng. Nợ réo, tiền hết... Bực quá sinh ra rượu chè. Uống lắm thì say rồi nắm đấm, vỏ bia... cứ loạn xà ngầu. Làng Trúc Ly cũng nổi tiếng về đập bậy từ đó.

Khi những cánh rừng miền Trung cạn kiệt trầm hương thì người làng Trúc Ly vác ba lô vượt dãy Trường Sơn để tìm trầm. Hết rừng Lào đến rừng Mianma, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan... Trai làng Trúc Ly cứ lận lưng cuốn hộ chiếu như dân đi Tây về thăm quê. Nhưng dẫu đã qua đến mấy nước để tìm trầm thì cũng đến lúc dừng bước. Ông Duẫn xếp bộ đồ nghề như để làm “của để dành” rồi chuyển nghề sang làm thợ xây. “Cóp nhặt ngày công vài trăm ngàn là được rồi, chứ nói cho cùng thì nghề trầm "ăn của rừng rưng rưng nước mắt" mà thôi", ông Duẫn nói như chốt.

Phu trầm biền biệt

Làng Thanh Hưng (xã Hưng Trạch, Bố Trạch) nằm bên dòng sông Son. Ông Trần Tiến Đạt, Trưởng thôn, khoe: "Bây giờ trong thôn khá giả lên nhiều. Phần lớn nhà đỏ mái bằng và có tiện nghi đắt tiền cũng nhờ đi trầm”. Còn như nhận xét của một cán bộ xã thì vùng Thanh Hưng có đến cả ngàn người đi trầm. Trai tráng quanh năm ở trong rừng.

Nhiều người Thanh Hưng khẳng định là con trai vùng này cứ cầm chắc được cúp (búa) là vào rừng rồi. Ông Trần Văn Thành, một “dân cội” với thâm niên chừng 30 năm, lý giải: “Trước đây, dân vùng Thanh Hưng nghèo, nhà nào cũng đông con nên thiếu cái ăn. Trẻ con thì thất học. Chuyện đi trầm nổi lên cũng là một nghề, trước thì có cơm có gạo cho vợ con, sau tích cóp cũng làm được nhà cửa, mà trúng thêm thì được nhà lầu".

Có lẽ với cách nghĩ mộc mạc như vậy mà chuyện đi trầm ở vùng quê này cứ tự nhiên như chuyện sinh kế hằng ngày chứ chẳng có gì đặc biệt. Vậy nên làng Thanh Hưng hầu như nhà nào cũng có người là “dân cội”. Chúng tôi ghé vào một nhà bên đường hỏi thăm, chủ nhà là bà Nguyễn Thị Hiếu, hiện có chồng đang ở Malaysia với con trai đầu 18 tuổi.

“Vợ chồng tui có bốn đứa con. Bố các cháu theo nghiệp trầm từ hồi sinh đứa con đầu lòng. Mấy năm sau này đi trầm xa ngái, có khi một năm mới về nhà một lần. Mỗi lần như vậy là tui có thêm đứa con. Thằng đầu lên mười sáu, mười bảy cũng tập tành lên rừng. Năm ngoái, ba nó về, mang về được ít tiền sửa sang nhà cửa rồi đưa thằng lớn đi sang bên đó luôn. Còn lại thằng kế thì học hành chẳng vô chữ mô. E vài năm nữa cũng theo nghiệp trầm như cha, anh nó thôi. Hai đứa sau học cũng được, tui bắt phải học mà kiếm nghề chứ không cho đi trầm nữa mô", bà Hiếu bộc bạch.

"Dân cội" ở Thanh Hưng đi tìm trầm không mấy khi đặt lịch về. Chuyến đi có khi vài tháng, cũng có khi vài năm. Có người đi đến lúc về thì con gái lớn đã có chồng. Ngày bố về cũng là lúc chàng rể ra mắt bố vợ và con gái thì "trình" cháu ngoại cho ông bồng nựng. Cũng có người như anh Nguyễn Văn Long đi một mạch đến... bốn cái tết không về, không một lời nhắn tin. Đùng một cái, vào dịp trước tết anh vác ba lô về thăm nhà trước con mắt kinh ngạc của mọi người. Hỏi, anh lắc đầu: “Làm ăn thất bát nên không có tiền về, cũng không muốn nhắn tin về làm chi cho vợ con buồn phiền”.

Ở Thanh Hưng, dễ nhìn thấy những ngôi nhà tầng trị giá bạc tỉ của những “dân cội” trúng trầm nhưng cũng có ngôi nhà xây được móng rồi để hàng mấy năm cho rêu và cây dại mọc. Hỏi ra mới biết, đi được chuyến trầm về làm được móng nhà, hy vọng lần sau gặp may nhưng rồi mấy năm chẳng thấy trầm đâu lại đau ốm nên đành bỏ dở cho mưa gió thổi. (còn nữa)

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Brazil

Chiều 16/11 (giờ địa phương), tại thủ đô Rio de Janeiro, Thủ tướng đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Cộng hoà Liên bang Brazil.

Hà Nội dự chi gần 38 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất

Theo đề xuất, đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân có diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do bão số 3 và sau bão.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Không khí lạnh đang tràn xuống miền Bắc

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết khoảng chiều và đêm 17/11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta.