| Hotline: 0983.970.780

Tàn giấc mơ hoa

Thứ Hai 06/05/2013 , 10:33 (GMT+7)

Không thuộc địa phận Mường Mùn (Mai Châu, Hòa Bình) nhưng Quyết Chiến cũng ở dưới bóng của vùng địa lý đặc biệt này.

Không thuộc địa phận Mường Mùn (Mai Châu, Hòa Bình) nhưng Quyết Chiến cũng ở dưới bóng của vùng địa lý đặc biệt này.

>> Cả bản nuôi cá tiến vua
>> Dưới bóng Mường Mùn

Đây là cửa ngõ đi vào các xã vùng cao của huyện Tân Lạc, được ví như một tiểu Sa Pa, tiểu Tam Đảo của Hòa Bình bởi nhiệt độ thường thấp hơn vùng lân cận dăm bảy độ, bởi cảnh đẹp như mơ với mây trời bảng lảng cùng giang san thủy tú. Đây chính là vùng đất mà tỉnh Hòa Bình từng mơ về một giấc mơ hoa hoành tráng.

Ông Bùi Văn Banh, Chủ tịch UBND xã Quyết Chiến, bảo năm 2003 Cty Cổ phần Công nghệ Nông lâm Vạn Thành (tỉnh Lâm Đồng) về thuyết trình với địa phương một dự án trồng hoa, rau quả công nghệ cao với hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại, với hàng trăm lao động thôn bản được trả lương khiến nhân dân nô nức còn cán bộ thì hứng khởi hết chỗ nói.


Đã có một thời dân Quyết Chiến mơ giấc mơ hoa

Ngày 20/1/2003 xóm Biệng (địa điểm dự án lấy đất - PV) tổ chức họp, Ban quản lý xóm cùng người dân đã đi đến thống nhất cho Cty Vạn Thành thuê đất trong vòng 10 năm. Năm 2004, khi có quyết định của UBND tỉnh cho Cty Vạn Thành thuê 50 năm, cán bộ địa phương ngỡ ngàng còn bà con bổ ngửa vì bất ngờ.

Biết tính làm sao khi ban đầu đã trót đồng tình cho thuê đất rồi dù mức đền bù cực rẻ mạt, chỉ 1.000đ/m2 tương đương mỗi ha 10 triệu đồng cho những thửa ruộng, nương ngô trù phú, canh tác dễ dàng.

Sau khi có được giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, dự kiến dự án của Vạn Thành sẽ đưa vào hoạt động trước ngày 31/12/2005 nhưng khi thu hồi được diện tích 315.516 m2 chỉ thấy đơn vị thử nghiệm một diện tích nhỏ bắp cải, cải xanh, lạc, dưa bao tử, bầu nậm… rồi bỏ hoang.

Quá trình đó, thấy đơn vị này không quản lý và sử dụng hết diện tích đất dự án giao, 60 hộ dân đã lấn chiếm 128.000 m2 làm đất canh tác của mình trong một thời gian dài. Diện tích 187.000 m2 đất còn lại do thực hiện các mô hình sản xuất không hiệu quả, từ năm 2006, 2007 Vạn Thành đã đem cho thầu lại, trồng hoa có Cty Địa Mỹ, trồng su su có các cá nhân ở các tỉnh thành.

Đáng nói là những đơn vị này chủ yếu thuê người ở nơi khác đến mà không thuê lao động địa phương làm. Cả Cty Vạn Thành hiện chỉ có một người duy nhất vừa trông mấy cái nhà sàn vừa quán xuyến tất tật, ông chủ Trần Lệ chẳng mấy khi ló đầu lên.

Mặc dù thấy biểu hiện bất thường của Cty Vạn Thành, xót đất bỏ không, bức xúc lắm nhưng bà con xóm Biệng vẫn bảo nhau chờ đúng 10 năm theo biên bản họp rồi mới đòi lại đất. Đến tháng 1/2013, hết thời hạn bà con có đơn kiến nghị lên trên đòi thu hồi đất nhưng chờ mãi chẳng thấy có tác dụng.

Ngày 11/3/2013, vài chục người xóm Biệng tự phát cầm dao đi rừng kéo nhau đi đòi đất, phá vườn rau su su của người thuê đất. Nghe tin, Phó Chủ tịch xã cùng một số ban ngành ra nói chuyện, ngăn cản, bà con tai cứ nghe còn tay vẫn phát băng. Thấy tình hình căng thẳng, xã gọi điện khẩn cho chính quyền huyện. Đích thân Chủ tịch UBND Tân Lạc Bùi Văn Tinh huy động dân quân, công an huyện, công an xã ra ngăn cản càng chỉ làm cho bà con thêm kích động.

Khắp các ngóc ngách xóm Biệng, người ta túa ra, già trẻ, gái trai tất cả dễ có trên 100 người. Ai cũng một con dao phát nương dài thượt trên tay, vừa đi vừa hô to: “Lấy lại đất” rồi đồng loạt phát theo trí nhớ ruộng đất của mình năm xưa. Họ phát sạch mấy ha su su, chỉ còn diện tích trồng hoa, có lẽ là giá trị quá cao, người xóm Biệng ngại nên chưa nỡ xuống tay triệt nốt.

Hơn tháng sau sự kiện nóng bỏng trên, tôi đến chòi canh su su của gia đình anh Đinh Văn Long. Vợ con anh cùng người làm hết đứng, ngồi rồi lại nằm chơi dài vì đã mấy chục ngày vô công rồi nghề.

Từ Thái Bình anh Long lên Quyết Chiến thuê của Cty Vạn Thành 3 ha trong 3 năm để nuôi giấc mộng làm giàu từ cây su su. Vốn đầu tư đổ ra cỡ vài trăm triệu cho giống, cây, que, lưới, phân gà, phân hóa học…1 ha trồng được 2 năm, 2 ha mới trồng được 1 năm, su su đang thời kỳ thu hoạch ngọn xanh mơn mởn bị phạt băng đi không thương tiếc.

Lúc thấy đám đông đang phá hoại, cả gia đình anh Long ra thuyết phục nhưng người dân vẫn không ngừng tay dao tàn phá. Họ còn lệnh cho gia đình anh: “Dăm đến bảy ngày nữa phải sơ tán ra khỏi địa bàn”. Sơ tán đi đâu khi vốn đầu tư còn âm cả trăm triệu? Sơ tán đi đâu khi chỉ biết mỗi nghề trồng su su? Năn nỉ mãi họ mới nhận được sự đồng ý cho ở lại để tiếp tục làm nghề thu mua su su cho dân.

Giữa cảnh sương mù mờ mịt, tôi thấy lờ mờ một bóng người vai đeo gùi, tay cầm dao, lúi húi đi mót những ngọn su su mọc tái sinh trên khu vườn trước đây của anh Long. Chị là Đinh Thị Rừng người dân xóm Biệng, rỗi rãi chẳng có việc gì nên đi mót su su về làm rau cho… lợn.


Chị Rừng đi mót rau su su về cho lợn

Chị Rừng có 1.200 m2 đất trong khu vực dự án của cty Vạn Thành, năm 2003 được đền bù vỏn vẹn 1,2 triệu đồng. Giờ diện tích đất ấy đã được lấy lại để trồng ngô hết. Trên đất xưa của anh Long thuê có chỗ trồng ngô, chỗ người ta bắc giàn tận dụng chính gốc su su cũ sản xuất tiếp. Tình hình cũng hệt như thế với diện tích đất thuê của hai cá nhân còn lại Dương Văn Bão và Nguyễn Thị Bích Thủy. Tổng diện tích su su bị tàn phá trong sự cố tháng ba ở xóm Biệng ước lên khoảng 8 ha.

Không chỉ cho thuê đất trồng su su, Cty Vạn Thành còn “bán cái” cho Cty Địa Mỹ thuê đất trồng hoa. Có một thời Địa Mỹ mướn hẳn 3 chuyên gia Trung Quốc lên chỉ đạo kỹ thuật nhưng giờ họ cũng rút đi chuyển địa bàn nóng cho Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh dưới Hà Nội lên trồng địa lan, xử lý phân hóa mầm lan hồ điệp.

Báo cáo của Sở kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình đề nghị: “Chấm dứt hoạt động của Cty Vạn Thành đối với dự án đầu tư sản xuất rau, hoa quả, giống cây trồng công nghệ cao tại xã Quyết Chiến, thu hồi giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đã cấp và toàn bộ diện tích đất đã giao”.

Anh Nguyễn Quốc Thịnh, cán bộ phụ trách kỹ thuật của Trung tâm cho hay điều kiện khí hậu ở Quyết Chiến cực hợp với trồng lan nên từ lâu đơn vị không phải vất vả lên tận Sa Pa như trước. Ngoài 2 vạn địa lan đang có ở đây Trung tâm dự định còn biến xóm Biệng thành một căn cứ của hoa ly và tuy líp trái vụ. Tuy thế, trước tình hình căng thẳng như hồi đầu tháng ba, không thể nói trước được điều gì.

Lo ngại ấy hoàn toàn có cơ sở vì trong báo cáo của ông Chủ tịch huyện Tân Lạc cũng có đoạn: “Tình hình tư tưởng của người dân sau khi được tuyên truyền đã khá ổn định và đang chờ kết luận xử lý của UBND tỉnh đối với Cty Vạn Thành. Nếu không sớm có giải pháp thuyết phục trước những yêu cầu của người dân về việc xử lý những sai phạm của Cty Vạn Thành thì việc giữ diện tích đất, tài sản còn lại của Cty là rất khó khăn”.

Dân Quyết Chiến đang nóng lòng chờ quyết định cuối cùng của tỉnh Hòa Bình về dự án nông nghiệp công nghệ cao ở xóm Biệng. (Hết)

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cảnh giác với tội phạm xuyên biên giới trên không gian mạng

TP.HCM Theo Giám đốc Công an TP.HCM, tình hình tội phạm trên không gian mạng có nhiều chuyển biến phức tạp, nhất là tội phạm xuyên biên giới. Người dân cần cảnh giác, bảo vệ mình.