| Hotline: 0983.970.780

Dưới bóng Mường Mùn

Thứ Năm 02/05/2013 , 11:10 (GMT+7)

Miên man dưới bóng mường Mùn có chuyện cảm động về đôi vợ chồng già nuôi hai đứa trẻ Lào bị bỏ rơi, chuyện về xã nhà nhà đều nuôi thứ cá thần tiến vua, chuyện về một giấc mơ hoa đã mất…

Miên man dưới bóng mường Mùn có chuyện cảm động về đôi vợ chồng già nuôi hai đứa trẻ Lào bị bỏ rơi, chuyện về xã nhà nhà đều nuôi thứ cá thần tiến vua, chuyện về một giấc mơ hoa đã mất…

Cặp vợ chồng nuôi hai đứa trẻ Lào bị bỏ rơi

Bun Lắt tên Việt là Lan, Sôm Mò tên Việt là Mai, vốn có bà nội gốc người Thái ở xóm Nà Sài xã Chiềng Châu (Mai Châu, Hòa Bình). Bà lấy chồng người Lào, trước đây chuyện đó cũng bình thường bởi người Thái, người Lào vốn dây mơ rễ má, qua lại buôn bán, hôn nhân thường xuyên.

Mường Mùn (tên gọi Mai Châu xưa) khi ấy có nhà buôn nổi tiếng Đông Nam Á về độ giàu tên Sen Minh (1900 - 1945). Người già truyền tụng rằng số lượng đồng bạc hoa xòe (đồng tiền thời Đông Dương) cùng vàng bạc châu báu của ông nhiều vô kể dù dân Mai Thượng ném liên tục ba ngày ba đêm cũng không hết.

Sen Minh cũng là người Mường Mùn đầu tiên mua được ô-tô chạy bằng hơi nước nhập khẩu từ Anh về. Chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ liên miên rồi biên giới hai nước được phân định rõ ràng, con đường về quê của bà càng lúc càng mịt mờ xa.

Năm 1985 có đoàn chuyên gia Việt Nam sang giúp Lào làm nông nghiệp trong đó có ông Hà Văn Tuấn quê ở huyện Mai Châu. Đang ở huyện Mường Ngòi tỉnh Luông Pha Băng nghe nói có người ở Mường Mùn sang, bà liền tìm gặp và hỏi sau mấy chục năm xa cách đường về quê nay thế nào? Ông Tuấn vạch sơ đồ đi từ Luông Pha Băng sang cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) xuôi Sơn La rồi về Mai Châu đến ngã ba Tòng Đậu chính là Mường Mùn.


Cảnh sắc Mường Mùn

Con đường thiên lý ấy hoàn toàn xa lạ với người đàn bà xa xứ bởi xưa lấy chồng bà cưỡi ngựa theo đường mòn sang Lào. Già yếu rồi không thể về thăm quê nên bà để con trai Xiêng Phôn, con dâu Nàng Văn Xi cùng hai đứa con về Mường Mùn chắp nối họ hàng xưa, xoa dịu nỗi buồn viễn xứ.

Xiêng Phôn nhớ lời mẹ mình vẫn dặn trước đây rằng: “Mẹ già yếu rồi, sau này hòa bình, hai nước thông thương sang mà tìm quê, tìm gốc nhà mình”. Năm 1987, theo sơ đồ ông Tuấn vẽ, cặp vợ chồng người Lào bồng bế con cái về nhận họ hàng là ông Hà Văn Tế và Hà Văn Băng ở bản Nà Sài. Ở quê được chừng một tháng chẳng may Xiêng Phôn mắc bệnh thủng dạ dày phải mổ gấp, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Lúc đó bà Hà Thị Thầm vợ ông Lường Song Toàn là y tá của bệnh viện huyện Mai Châu đã trực tiếp thay băng, chăm sóc cho người đàn ông Lào này.

Nàng Văn Xi tiếng Việt bập bẹ vài câu, một nách hai con dại (đứa đầu 1983, đứa sau 1986) lại chăm chồng nên lâm vào hoàn cảnh vay nợ triền miên. Tiếng có quê nhưng họ hàng của chồng cũng nghèo xơ xác không đỡ được gì mấy. Cám cảnh bà Thầm ấy bảo cả gia đình về nhà mình tắm giặt, ăn uống, ở cùng. Lúc đó, ông bà đã có bốn mặt con, hai trai, hai gái. Đoạn cuối của thời kỳ bao cấp, hai phiếu gạo người lớn cộng một phiếu gạo cho bốn đứa con chẳng đủ no nay lại cõng thêm bốn miệng ăn.

Khi vết mổ lành, cái chân Xiêng Phôn đã đi lại bình thường, hai vợ chồng mới bảo ông bà Toàn rằng: “Chúng em muốn về Lào kiếm tiền trả nợ vay khi chữa bệnh, chắc phải một tháng mới đủ anh chị ạ”. Lúc đầu họ tính đem cả hai đứa con đi nhưng đường xá xa xôi cộng thời gian vay mượn gấp gáp nên cuối cùng gửi cả cho ông bà trông giúp. Ông Toàn còn phải đi vay nóng 1 triệu đồng (tương đương 8 chỉ vàng) làm lộ phí cho họ. Lúc vượt dốc Mường Mùn, Nàng Văn Xi vạch vú cho đứa con nhỏ bú rồi chạy vụt đi. Bước chân chị liêu xiêu, bờ vai rung lên bần bật. Trong tay bà Thầm, đứa bé bú đã căng bụng vừa mút ngón tay vừa ngủ ngon lành.


Ông Lường Song Toàn

Đúng hẹn một tháng sau cặp vợ chồng người Lào quay lại cửa khẩu Tây Trang không ngờ bị ách lại. Số là trước đây họ sang Việt Nam bằng giấy thăm thân, giờ quy định mới phải có hộ chiếu mới được sang, đành phải quay lại. Thời gian chờ đợi làm hộ chiếu, Xiêng Phôn đem số tiền vay mượn nướng hết trên chiếu bạc khiến vợ chồng cãi lộn rồi bỏ nhau. Chồng đi ở nhờ, không có tiền sang Việt Nam đón con, một thời gian sau Nàng Văn Xi cũng lấy người khác.

Ở Mường Mùn ông bà Toàn ra ngóng vào trông. Trong lòng họ như có bầy kiến lửa đốt vì quá hạn hơn tháng rồi không thấy cặp vợ chồng người Lào trở lại. Lúc bấy, người ở cửa khẩu Tây Trang mới báo cho ông bà chị Xi dặn về làm hộ chiếu rồi sang, ông bà đừng sốt ruột. Sự yên tâm chỉ được một thời gian ngắn khi tin tức của hai vợ chồng Xiêng Phôn ngày càng mịt mờ như sương khói trên đỉnh mường Mùn.

Thấy ở thị trấn khó khăn quá, không thể nuôi nổi sáu đứa trẻ, ông Toàn bàn với vợ chuyển về làm tại Trạm xá khu vực, đưa hẳn hai đứa con người Lào về xã Bao La nương tựa vào bà con họ hàng. Đến bữa, củ mài, củ sắn cõng lèo tèo vài hạt cơm họ cũng bóp bụng mà nhường con. Một bận sắn trên nương chưa thành củ, bà Thầm đi hái lá, lấy nhầm phải sắn lưu niên (sắn từ năm trước, lá độc hơn sắn một vụ - PV) khiến ba mẹ con ngộ độc, nước dãi nhểu nhảo, ôm bụng lăn lộn dưới nền nhà. Ông Toàn ăn ít không trúng độc vội bốc nắm tro ở góc bếp hòa nước gạn cho ba người uống rồi tức tốc bế đi cấp cứu.

Bận hai chị em vào tuổi đi học, khai sinh không có, hộ khẩu cũng không xin đâu cũng bị từ chối. Đến nước ấy, ông Toàn ra xã gặp cả Chủ tịch lẫn Bí thư trình bày hoàn cảnh rồi mạn phép xin làm cái… hồ sơ giả chứng nhận Lan và Mai là con đẻ của ông bà. Lý thì sai mà tình quá đúng nên cả hai gật đầu đồng ý.

Dần dần tình sâu nghĩa nặng, ông bà coi hai đứa con nuôi như những khúc ruột đẻ ra. Lúc đi học, bọn trẻ hay trêu hai chị em là người Lào, là con nuôi. Chúng chạy về nhà mách, ông chỉ ôm vào lòng mà nựng, mà mắng át đi rằng: “Làm gì có chuyện thế! Mẹ Thầm đẻ ra các con mà”. Nỗi hoài nghi ấy dần nguôi ngoai. Chúng tắm suối Mường Mùn, hít khí trời Mường Mùn, ăn cơm gạo Mường Mùn chẳng phải là người Thái chính hiệu đó sao?

Khi bọn trẻ đang học cấp hai, cấp ba, năm 1997 người mẹ đẻ mới sang tìm con. Bà mang theo quần áo đẹp, mang theo dây chuyền, vòng cổ dỗ chúng rồi nhờ cả ông khuyên bảo thêm. Ông Toàn thủng thẳng: “Cô hỏi chúng có về không. Chúng đồng ý tôi sẽ làm giấy chứng nhận cho chứ qua cửa khẩu không có giấy tờ lại bị nghi là bắt cóc đấy”. Người mẹ quay sang hỏi các con và được trả lời: “Con chó đẻ con ra, ai động đến con là chúng cắn đấy! Sao bà lại bỏ con?”. Nghe đến đây, bà mẹ bật khóc như mưa. Biết ở lại cũng không thuyết phục được đám trẻ, bà đành nhờ ông Toàn đèo ra bến xe trở về Lào.


Hai chị em Lan Mai

Lớn lên, Lan học Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội hệ múa còn Mai học trung cấp du lịch. Lúc bấy có đoàn sinh viên nghệ thuật quân đội Lào sang giao lưu, Lan về kể với bố. Ông lầy lật tìm gặp cho bằng được Phim Pha - Phó đoàn kể rõ sự tình về hai con rồi thỉnh nguyện: “Không phải vợ chồng tôi không nuôi được chúng nữa nhưng chúng nó phải về với bố mẹ, với tổ quốc của mình”. Phó đoàn nói chuyện với Trưởng đoàn rồi cấp báo cho Đại sứ quán Lào ở Việt Nam.

Đại sứ cử người lên Mai Châu thẩm tra, xem đơn nhận con nuôi, quyết định đồng ý nhận con nuôi của Sở Tư pháp Hòa Bình mới tin câu chuyện cổ tích trên là có thật. Họ cho xe đến đón cả hai chị em đi nhưng Lan và Mai đều không muốn và trách: “Sao bố mẹ lại cho con về Lào?”. Ông bà Toàn một hai mà rằng: “Các con có cội nguồn, cha mẹ bên Lào. Các con phải về để chứng minh mình không bị bỏ rơi vất vưởng. Các con phải về để mọi người thấy mình đã trưởng thành như thế nào. Hãy coi chuyến trở về như đi công tác, lúc rảnh rỗi lại về Mường Mùn thăm bố mẹ”.

Năm 2005, hai chị em về Lào. Lan làm ở đoàn văn công quân đội, lấy chồng người Việt; còn Mai sau thời gian ở Lào đã về Hà Nội mở lớp dạy tiếng Việt cho người Lào.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.