| Hotline: 0983.970.780

Luật tục kinh dị

Thứ Sáu 16/08/2013 , 09:47 (GMT+7)

Mẹ chết sẽ chôn theo con, đó là tục lệ đã tồn tại bao đời nay của người Mày ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Mẹ chết sẽ chôn theo con, đó là tục lệ đã tồn tại bao đời nay của người Mày ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Họ cho rằng, nếu không chôn theo đứa trẻ, con ma sẽ về bắt theo nhiều người khác. Lời nguyền kinh hãi đó vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

>> Nơi chết rồi vẫn phải... cưới
>> Xóm ''người rừng''

Bản Ka Ai nằm lọt thỏm giữa núi rừng Trường Sơn. Người Mày về đây định cư mới được mấy chục năm nhưng cuộc sống của họ vẫn trông cả vào rừng và gạo cứu đói của Nhà nước. Họ vẫn chưa thoát khỏi nỗi ảm ảnh từ rừng già và những phong tục lạc hậu.


Một góc bản Ka Ai

Mẹ chết chôn theo con

Chị Hồ Thị Lon sinh hạ được 5 người con. Lê là con cả nên lấy chồng sớm rồi ra ở riêng. Chị Lon trở dạ sinh con vào một đêm đông rét mướt năm 2010. Đứa con trai vừa lọt lòng mẹ đã đứng trước sự lựa chọn sinh tử vì chị Lon bị băng huyết rồi mất.

Đám tang được tổ chức ngay tại bản. Theo lệ, đứa trẻ vẫn còn đỏ hỏn chưa biết mùi sữa đó phải chôn theo chị Lon. Mọi người trong bản cũng chẳng ai ngăn cản gì bởi lẽ ai cũng sợ nếu để đứa bé ở lại con “ma rừng” sẽ về bắt cả bản. Ngay cả anh Hồ Hoàng, chồng của chị Lon, bố của đứa trẻ cũng không dám ngăn cản.

Đứa bé vừa ra đời chưa được biết mùi sữa mẹ khóc ngằn ngặt. Toàn thân nó tím tái vì đói, rét. Khi mọi người đưa chị Lon vào hòm áo quan, người dân cũng lấy dây thừng chói đứa bé lại định cho cùng vào đó. Đứa bé sẽ bị chôn sống theo mẹ.

Sáng sớm hôm đó, mọi người chuẩn bị tiễn chị Lon về với ông bà tổ tiên ngoài bìa rừng. Ngoài tiếng kêu khóc của những người thân, còn cả tiếng thở của đứa bé vừa sinh ra còn thoi thóp.

Nhận được thông tin có người trong bản mới mất sau khi sinh con, Trạm biên phòng Ka Ai thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) gồm 2 đồng chí trung úy Trương Vỹ Lê, đội trưởng vận động và thiếu tá Võ Duy Diến kịp thời phối hợp với ban mặt trận bản Ka Ai và cán bộ xã Dân Hóa trực tiếp vào nhà tuyên truyền, thuyết phục vận động người nhà và những cụ cao tuổi không nên chôn cháu bé đang sống cùng với người mẹ xấu số.

Già làng của người Mày tỏ ra rất gay gắt, nếu con ma nó quay lại bắt người trong bản thì sao? Giờ muốn cứu đứa bé phải có người nhận nuôi và cho nó bú sữa. Sau gần cả ngày trời, Đồn biên phòng cửa khẩu Cha Lo cùng với các lãnh đạo xã Dân Hóa mới thuyết phục được Hồ Thị Lê nhận nuôi đứa em, vì Lê cũng đang nuôi con nhỏ.


Lê và đứa em được cứu sống

Ngôi nhà nhỏ của Hồ Thị Lê giờ đang là nơi trú ngụ của 5 con người. Ngoài 2 đứa con của Lê còn có thêm một thành viên nữa của gia đình đó là đứa em út của mình. Đứa con trai lớn của Lê bị ngứa và phát sốt nằm miên màn dưới sàn nhà. Trong tay Lê đang ôm đứa em nhỏ và cho nó bú.

Nhà Lê thiếu ăn thường xuyên. Chồng Lê lại say xỉn tối ngày. Không có gì bồi dưỡng nên dòng sữa của Lê cũng cạn dần. Đã thế Lê còn phải cho cả con và em gái mình bú nữa. Lê bảo: “Miềng không còn sữa đâu. Đứa em nó cứ nhay vậy cho đỡ nhớ thôi. Thằng lớn bị sốt nhưng cũng không có tiền đưa nó đi chữa nữa”.

Quả thực trong ngôi nhà được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ tiền xây dưng này chẳng có gì gợi lên chút no ấm. Hiện mỗi tháng đoàn thanh niên của Đồn biên phòng cửa khẩu Cha Lo vẫn hỗ trợ mẹ con Lê 240 nghìn đồng.

Chống lại "ma rừng"

Bao đời nay cuộc sống của người Mày vẫn diễn ra với cái phong tục đầy oan nghiệt đó dưới chân dãy núi Giăng Màn. Bao đứa trẻ xấu số đã không thoát khỏi lưỡi hái từ thần khi sinh ra. Cách đây đã lâu, có một người phụ nữ người dân tộc Sách đã dám bước qua bao hủ tục lạc hậu để cứu lấy một đứa bé của dân tộc Mày thoát khỏi cái “án” phải chôn theo mẹ. Đó là bà Hồ Thị Sa ở bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa.

Hôm chúng tôi đến thăm nhà, bà Sa đang cùng nấu cơm với đứa cháu ngoại. Bà nhìn đứa cháu gái của mình với ánh mắt trìu mến. Bà Sa bảo: Câu chuyện xấu số về mẹ nó cũng đã trôi qua nhiều mùa rẫy rồi. Bà và ông Khầm lấy nhau đã lâu nhưng không sinh được con. Một đêm mưa to, gió lớn, bà nghe người dân trong bản bảo, ở bản Ka Ai có một đứa bé gái chuẩn bị chôn theo mẹ.

Chẳng quản mưa gió, đường xa, bà chạy một mạch đến gia đình của đứa bé. Khi ấy mọi người chuẩn bị đặt đứa bé vào quan tài cùng mẹ. Bà Sa rẽ đám đông, đứng trước già làng của người Mày để xin nhận đứa bé về nuôi. Giờ bà con chôn theo đứa bé thì tội lắm.

Nghe bà Sa nói vậy cả bản Ka Ai đều phản đối. Đến già làng người Mày cũng không đồng ý: Nó là người Mày phải sống theo tập tục của dân tộc này. Không ai được làm trái cả. Giờ mày nhận nuôi đứa trẻ này, nó sẽ bắt tội cả bản... Phải chôn đứa bé cùng mẹ để "ma rừng" không vào bản làng phá phách.

Bà Sa thuyết phục thế nào, người dân nơi đây cũng không nghe. Họ vẫn quyết tâm chôn theo đứa trẻ tội nghiệp đỏ hỏn đó. Nhìn đứa bé bị bó gọn như bó giò, thân hình tím tái, bà Sa đã chạy ra giằng lại đứa trẻ treo bên quan tài và giơ nó lên trước mặt: “Hỡi bà con dân bản. Hãy để cho tôi được nuôi đứa trẻ này. Nếu con ma rừng có bắt, thì sẽ bắt tôi, chứ không được bắt bà con nơi đây. Từ nay tôi coi đứa trẻ này như con của mình vậy”.


Bà Sa (người đeo kính) đã chống lại hủ tục 

Trước sự quyết tâm của bà Sa, dân bản Ka Ai cũng đồng ý để bà đón đứa bé về nuôi. Họ ra điều kiện, bà không được cho đứa bé về bản Ka Ai và bà phải bế đứa trẻ đi ngay. Khi bà Sa bế đứa bé về đến nhà trời mới hửng sáng. Bà lại đi gõ cửa những phụ nữ đang nuôi con nhỏ trong bản cho đứa bé bù nhờ. Phải vất vả lắm, bà mới thuyết phục được họ cho cái Phúc (ông bà đặt tên con là Hồ Thị Phúc, mong nó tai qua nạn khỏi) bú trực.

Bà Sa nhớ lại: “Gia đình nào của người dân tộc Mày có người sau khi sinh bị chết mà không chôn con theo mẹ thì sẽ chịu áp lực rất lớn của cả bản làng trước "lời nguyền của con ma rừng". Luật tục là vậy, nhưng tôi không tin. Tôi nghĩ, tất cả đều xuất phát từ nhận thức của người dân thôi, làm gì có ma rừng".

Từ ngày đó, Phúc lớn lên là nhờ tấm lòng cưu mang của bà Sa và nguồn sữa của những bà mẹ trong bản Bãi Dinh, giờ đây Phúc đã lớn và lấy chồng, sinh con đẻ cái. Phúc luôn coi bà Sa và ông Khầm là bố mẹ đẻ của mình.

"Nếu không có những con người như bà Sa, nhiều đứa trẻ đã không được thành người. Để thay đổi nhận thức của người dân tộc nơi đây, cán bộ bộ đội biên phòng đã mất nhiều thời gian để vận động, thuyết phục.

Trung úy Trương Vỹ Lê, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo cho hay: Anh em chúng tôi phải xuống tận cơ sở, tuyên truyền vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, dần dần nhận thức của bà con thay đổi. Phải tuyên truyền từ từ, mình nói thông qua những người già, những người có "tiếng nói" trong bản nghe theo, rồi họ nói lại mọi người mới hiểu, mới thấu, ở đây có nhiều người không rõ tiếng kinh. Mình làm không khéo thì họ không nghe theo đâu".

Xem thêm
Tổng Bí thư: Cà Mau phấn đấu trở thành vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL

Tổng Bí thư đề nghị Cà Mau khai thác lợi thế về biển, đảo, hệ sinh thái rừng ngập mặn; liên kết chặt chẽ với Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang để cùng phát triển.

Hà Nội dự chi gần 38 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất

Theo đề xuất, đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân có diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do bão số 3 và sau bão.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Không khí lạnh đang tràn xuống miền Bắc

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết khoảng chiều và đêm 17/11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta.