"Đây Hoàng Sa, kia Hoàng Sa/ Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua...”. Âm vang khúc hát “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song làm lay động hàng triệu trái tim người dân nước Việt, nhớ thương gửi về nơi biển đảo, trở thành cảm xúc đi suốt tháng năm với nhiều thế hệ ca sĩ và khán giả.
"Nơi đảo xa" trở thành ca khúc hot trong các bài ca về biển đảo. Hiếm có ca khúc nào kết nối được gần 1.000 người cùng tham gia thu âm như “Nơi đảo xa”. Nó trở thành hiện tượng âm nhạc trong năm, thành bài hát trong 17 tập phim “Ký sự biển đảo” do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện.
Tôi gõ cửa ngôi nhà 97 phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) thăm nhạc sĩ Thế Song (ảnh) vào ngày cuối đông, trước thềm năm mới. Ngôi nhà mang kiến trúc cổ. Lâu rồi không gặp, nhạc sĩ vẫn nhận ra tôi là người quen cũ, còn tôi thấy ông đã qua cái thời phong độ mất rồi.
Mấy năm trước, chiều đến muốn gặp Thế Song phải ra sân bóng bàn, ở đây nhạc sĩ là tay bóng có thứ hạng, ít buổi vắng mặt. Giờ thì giọng ông trầm xuống: Mắt mờ chân chậm mất rồi.
Nhớ lại 16 năm trước (năm 1997), tôi được Chương trình Văn nghệ của Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu chương trình ca nhạc những ca khúc phổ thơ của tôi. Lúc bấy giờ quan hệ của tôi với giới nhạc sĩ và ca sĩ còn hạn chế, chưa biết mời đoàn ca nhạc, ca sĩ nào biểu diễn.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên bảo: “Muốn làm chương trình này, em cứ đến nhờ nhạc sĩ Thế Song, ông ấy quen biết nhiều ca sĩ”. Thế là tôi đến gõ nhà ông. Cũng từ đấy, cái duyên của nhà thơ và nhạc sĩ gặp nhau, tôi trở thành người thân quen của gia đình ông và trong gia sản gần 600 ca khúc của Thế Song cũng có vài ca khúc, ông phổ thơ của tôi.
Gần 30 năm giao lưu với giới nhạc sĩ, tôi đã quen biết nhiều, thế nên rất ngưỡng mộ ba cặp anh em nhạc sĩ nổi tiếng trong Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đó là hai anh em rể Doãn Nho - Huy Thục, hai anh em song sinh Hoàng Long - Hoàng Lân và hai anh em ruột Thế Song - Văn Dung.
Nhạc sĩ Thế Song sinh năm 1933 ở Hà Nội, trong một gia đình đông con. Ông kể: Bố mẹ tôi sinh 12 người con, tôi là thứ 11. Khi sinh tôi, bố mẹ đặt tên là Thế Song. Các cụ nghĩ thế là xong rồi, không sinh đẻ nữa, không dè lại sinh thêm cậu út thứ 12 đặt tên là Văn Dung. Cũng không ngờ hai anh em tôi lại có chung niềm đam mê âm nhạc.
Mùa xuân này nhạc sĩ Thế Song bước sang tuổi 81. Ông buồn vì 12 anh em bây giờ chỉ còn 4, hướng về đất mẹ thì gần, ngoảnh nhìn lại quá khứ thành xa. Thế nhưng câu chuyện về âm nhạc vẫn cuốn hút và ông trải lòng kể cho tôi nghe duyên nghiệp của ông với âm nhạc.
Nhạc sĩ Thế Song từng có 40 năm gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam tới ngày nghỉ hưu. Ông trưởng thành từ diễn viên đoàn ca nhạc, rồi sau đó là biên tập viên âm nhạc các chương trình “Khắp nơi ca hát”, “Ca nhạc theo yêu cầu của thính giả”. Từ tình yêu và niềm đam mê âm nhạc, ông kiên trì tự học các môn hòa thanh, phối khí, lý luận âm nhạc và sáng tác nhiều đề tài, thể loại khác nhau.
Nhạc sĩ Thế Song kể: Tôi đi nhiều với bộ đội biên phòng nên có nhiều ca khúc viết về biên giới và biển đảo như: "Ngôi nhà lính đảo", "Biển mưa", "Biển chuyện tình hóa đá", "Hoa hồng biển đảo", "Mênh mang Trường Sa", "Tình em theo cánh sóng", "Hát từ vùng gió xoáy", "Hòn mưa"... nhưng thành công hơn cả là bài “Nơi đảo xa”.
- Khi viết “Nơi đảo xa”, nhạc sĩ đã ra đảo Trường Sa chưa?
- Chưa.
- Thế còn hình ảnh nhạc sĩ với đoàn làm phim lướt sóng trên con tàu trong “Kí sự biển đảo” là ở vùng biển nào?
- Khi đó đoàn làm phim quay cảnh Chuyện kể trên vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) có mời tôi đi cùng. Hôm ấy, ngồi trên con tàu lướt sóng biển ra khơi, tôi nhớ lại hình ảnh “lướt sóng con tàu mang tín hiệu đất liền”, trong bài ca hơn 30 năm trước. Phút thăng hoa của nhạc sĩ chính là ở chỗ ấy, cái gì khi chúng ta mơ bao giờ cũng đẹp hơn thực tế.
Năm 1995, khi “Nơi đảo xa” trở nên thân thiết với công chúng yêu nhạc trong cả nước, tôi mới có dịp đến Trường Sa. Đêm giao lưu văn nghệ, các chiến sĩ cởi trần hát “Nơi đảo xa” rất hay và cảm động. Khi biết tôi là tác giả bài hát, các chiến sĩ vây lấy tôi như mừng gặp người thân trong gia đình. Tôi sung sướng lắm.
Gần nửa tháng ở Trường Sa, tôi được nghe rất nhiều tâm sự của những người lính đảo. Đó cũng là cảm hứng để tôi viết nhiều ca khúc khác về biển đảo như: "Biển chuyện tình hóa đá", Biển mưa"..., nhưng không thể có những giấc mơ, những ca từ, những tình cảm yêu thương lãng mạn hơn “Nơi đảo xa”.
- Trong giấc mơ “Nơi đảo xa”, nhạc sĩ “nhớ cả dáng hình em mùa gặt nặng đôi vai” là nhớ em nào đây? Bà xã nhạc sĩ là người phố cơ mà?
Nhạc sĩ Thế Song cười:
- Nhớ cả bà xã của mình: “Ơi ánh mắt em yêu như biển xanh như trời xanh trong nắng mới”. Nhớ cả dáng hình bà xã “mùa gặt nặng đôi vai” của các anh bạn hải quân. Ấy cũng là duyên kì ngộ của tôi và nhạc sĩ Phạm Tịnh với các chiến sĩ hải quân ở trạm sửa chữa tàu biển số 48 TP. Hạ Long (Quảng Ninh) năm 1979.
Hôm ấy lính hải quân mời nhạc sĩ chúng tôi uống rượu say, cái cảm hứng của người say say cũng là phút thăng hoa trong sáng tác. Tôi nhớ chuyện lính ở đảo kể rằng mọi thứ gian khổ, khó khăn, thậm chí cả hi sinh, họ đều chịu được, nhưng sợ nhất là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Ở đảo toàn con trai, nhiều lúc thèm nhìn một người con gái...
Nhạc sĩ Thế Song và cảnh sát biển Việt Nam hát bài ca “ Nơi đảo xa”
Chuyện kể của các anh trở thành những kỉ niệm đầy ắp trong tôi, bóng hình người thuỷ thủ ra khơi mang tình yêu đất liền thương nhớ. Thế là ca khúc “Nơi đảo xa” của tôi ra đời, trên đoạn đường hơn 100 km từ Quảng Ninh về Hà Nội. Ca sĩ Tiến Thành người hát đầu tiên và thành công nhất ca khúc này. Bây giờ có đến mấy chục ca sĩ cùng hát “Nơi đảo xa”, nhưng không ai hát thành công và xúc động như Tiến Thành.
- Còn Trọng Tấn hát “Nơi đảo xa” trong loạt phim “Kí sự biển đảo”?
- Trọng Tấn thì hát hay đấy nhưng nói thì tôi lại buồn, vì khi ca sĩ này làm album “Việt Nam Tổ quốc tôi” có thu thanh ca khúc “Nơi đảo xa” mà tuyệt nhiên không xin ý kiến nhạc sĩ, ngay cả tặng một album cũng không.
- Khi “Nơi đảo xa” được làm bài hát nền cho phim “Kí sự biển đảo”, nhà đài có hỏi ý kiến nhạc sĩ không?
Gương mặt nhạc sĩ già đượm buồn, ông nói:
- Người ta nghĩ có bài hát được đưa lên làm nhạc nền cho phim là nhạc sĩ vinh hạnh rồi, ai cần gì phải hỏi. Nghĩ cũng chạnh lòng, bây giờ nhiều phim truyền hình muốn có bài hát, nhà SX phải đặt hàng cho nhạc sĩ viết nhạc và phải trả thù lao, vậy mà tôi thì không. Cầm lòng vậy, rầu lòng vậy. Cũng nhờ có Trung tâm bản quyền âm nhạc của Phó Đức Phương, nên tôi cũng có được một chút ít tiền ca khúc này, qua thu thanh phát sóng trên đài.