Đứng trên sườn núi Nứa, dõi tầm mắt xa xa, phía biển một màu xanh bất tận là những ngôi nhà san sát nhau như hộp diêm nhỏ bé bập bềnh giữa sóng nước mênh mang. Vậy nhưng, trong cái hình vuông nhỏ bé ấy, những tổ ấm với tiếng cười trẻ thơ, tiếng thở dài của các cụ già cùng bao vui buồn của kiếp người sóng nước lênh đênh. Tất cả, cùng với mùa xuân này làm nên một trong những ngôi làng độc đáo nhất mà tôi từng gặp - làng trên biển.
Non nước hữu tình
Nằm trong địa phận xã đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu, BRVT), làng trên biển đã hình thành cách đây khoảng hơn chục năm. Nói với chúng tôi, ông Lê Minh Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho hay, cũng vì sinh kế, ban đầu mấy hộ theo nhau ra đó nuôi hàu, nuôi cá lồng bè, mà cũng chỉ sống ven chân núi, ngay cửa sông Rạng này thôi. Về sau, nhờ ơn giời, nghề nuôi trồng thủy sản ở Long Sơn phát triển mạnh. Hàng trăm hộ theo nhau ra đó lập lồng bè, dựng nhà cửa rồi kéo vợ chồng con cái sinh hoạt, ăn ở luôn trên biển. Riết dần thành quen. Hiện nay, làng đã có khoảng gần 300 hộ với gần 1.000 nhân khẩu. Người dân địa phương quen gọi là làng biển từ lâu rồi, bởi cái làng này cứ mỗi ngày một trôi dần ra phía biển Đông. Nguyên nhân thì nhiều nhưng chung quy lại cũng vì người đông, vùng nước sạch hiếm hoi dần nên gia đình phải làm nhà ra xa hơn để tiện bề chăn nuôi thủy sản. Gọi là làng trên biển nhưng không thiếu một thứ gì. Từ điện thoại, ti vi tủ lạnh đều có cả. Cuộc sống ở đây nhờ đặc ân của biển nên cũng khá đủ đầy vật chất.
Một góc làng trên biển |
Cùng tôi ngao du trên một chiếc thuyền, trong câu chuyện vui của mình, ông Thông hỉ hả: Báo chí trung ương địa phương cũng nói nhiều về nghề nuôi hàu, nuôi cá ở Long Sơn chúng tôi lắm. Lúc được, lúc mất. Đó là chuyện thường tình của người nuôi trồng thủy sản mà, nhưng chung quy, nhờ ơn biển cả và cái cửa sông Rạng này, người dân Long Sơn chẳng bao giờ bỏ nghề, chẳng bao giờ phụ vùng biển quê hương.
Khua mái chèo chầm chậm, chúng tôi quay mũi thuyền, ghé vào một "căn hộ" trên cái làng độc đáo này. Không khí mùa xuân đang rạo rực trong căn nhà đơn sơ khoảng 12 m2 này với những hoa quả, tranh giấy dán vách nhà cùng những chùm dây leo chuẩn bị Tết. Lão ngư Bùi Văn Hoàng vừa buộc dây neo vừa hối đứa con gái bật bếp ga đun nước mời khách. Nhâm nhi chén trà nóng đậm đà hương vị xứ Bắc, ông Hoàng cười bảo, mình quê đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ) nhưng cuộc đời lênh đênh mãi, bôn ba đủ nơi, từ Tam Kỳ, Nha Trang, Sài Gòn cho tới Gò Công, Đất Mũi, làm đủ thứ nghề nhưng cuối cùng lại an cư tại vùng biển Vũng Tàu này. Ngẫm ra, ít nhiều mình cũng có duyên nợ với vùng đất non nước hữu tình nơi đây, bởi vợ mình là người vùng núi Nứa chính gốc. Mặc dù bây giờ vẫn chưa có tấc đất cắm dùi nhưng cuộc sống lại rất thanh thản. Có mấy cái lồng cá, ít cọc nuôi hàu nên thu nhập cũng khá. Ở đây cũng gần đất liền nên mọi nhu cầu đều tiện lợi.
Mặt trời đã lên cao, nắng lấp lóa dưới làn nước xanh ngằn ngặt hắt lên chói lòa mắt. Kỳ lạ. Cũng một màu xanh. Màu xanh của những cánh rừng Nứa. Có lẽ, không nơi đâu biển, núi và sông lại liền kề và hài hòa như ở nơi đây. Hình như, chính vì thế mà con người sống ở nơi đây cũng được bảo bọc chở che hơn chăng? Nói về lịch sử hình thành vùng đất Long Sơn này, các cụ cao niên trong làng kể, trước kia, thời kỳ chống Pháp có một viên tướng ở miền Thất Sơn, Bảy Núi (An Giang) khởi nghĩa nhưng bị thua. Để tránh sự truy đuổi của giặc Pháp, ông cùng gia đình, bạn bè thân tín xuôi thuyền từ biển Tây lên biển Đông. Sau nhiều ngày, thấy Long Sơn là nơi non nước hữu tình, ông dừng chân lập làng - ông là Lê Văn Mưu. Không những lập làng, ông còn lập ra đạo ông Trần, một thứ tôn giáo tiếp thu tinh hoa của các đạo khác như Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Thiên Chúa giáo.... Đạo ông Trần dạy con cháu sống phải yêu thương nhau. Dạy mọi người phải biết lao động, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, yếm thế. Đạo luôn bảo người ta làm điều thiện, điều tốt. Ở Long Sơn bây giờ, gần như toàn bộ người dân vẫn theo đạo ông Trần, đó là thứ tôn giáo khá đặc sắc của vùng đất đảo nhỏ bé này, được truyền đời từ lâu.
Ông Hoàng đang kể chuyện ở làng trên biển |
Đâu đâu cũng biển quê mình
Vào nhà Phạm Văn Tốn - một công dân của làng biển, anh Tốn hớn hở khoe: Tôi vừa xuất bán một đợt cá, thu lãi gần trăm triệu. Nhờ đó đã thanh toán hết nợ nần, còn dư ít nhiều để vợ con ăn Tết. Cả năm sống trên biển quen rồi, giờ Tết cũng không muốn về quê trên bờ nữa. Nhưng chắc chắn phải cho các cháu đi siêu thị, đi chợ mua đồ sắm Tết.
Nhìn tất cả đồ đạc, vật dụng để ngay trên lồng nuôi cá bè mà tôi không khỏi ngạc nhiên. Thấy vậy, Tốn cười hề hề: "Đêm ngủ, vợ chồng mình trải ga nằm ngay trên đàn cá, nghe chúng quẫy cũng vui tai phết" - anh dí dỏm. Khi chúng tôi hỏi, sao anh không đưa vợ con lên bờ để cho bọn trẻ có chỗ đi học, anh bảo, ở đây cũng có lớp học buổi tối cho bọn trẻ nhưng đợi con bé đủ tuổi thì cho 2 anh em nó đi học luôn một thể. Gia đình vẫn còn một mảnh đất trên bờ nhưng chưa dựng nhà, đợi thắng thêm mấy lồng cá nữa mới tính, giờ cứ lo Tết cái đã.
Đồ đạc để ngay trên lồng nuôi cá |
Hình như, với những con người vùng sông nước nơi đây, cái quan trọng nhất không phải là một mái nhà gò bó mà với họ, cuộc sống chỉ cần đủ ăn, đủ mặc và con cái có chỗ học hành là tốt rồi. Đời sóng nước, ở đâu cũng thế, người ta ít khi nghĩ về cái gì cố định!
Sang gia đình bên cạnh, chúng tôi thấy tiếng chó sủa ầm ĩ ngay từ những tấm ván gỗ đầu tiên. Thấy khách, chị Thúy ngừng tay gỡ lưới bảo, sắp hết năm rồi, tôi tranh thủ vá lưới rồi cất đi để đầu năm mới mở biển lấy hên. Nhà sống nhờ sóng nước nên phải coi lưới là quan trọng nhất. Rồi chị bảo, mình là con gái miền biển ở xứ cát Ninh Thuận, lấy chồng ở Đồng Nai tưởng thoát cảnh đời sóng nước ai ngờ hai vợ chồng buôn bán thua lỗ, lại phải dạt vào vùng cửa sông Rạng nơi đây mưu sinh. Cũng may, nơi đây biển lặng, sóng êm, thủy hải sản phong phú nên cuộc sống cũng đỡ cơ cực. Chỉ tội cho mấy đứa trẻ, chẳng được học hành đến nơi đến chốn như con người ta. "Cũng tính hết năm nay, đứa lớn lên 10, đứa nhỏ lên 6 thì cho chúng lên khu Bến Đá ở nhà bà cô họ rồi đi học, mỗi tuần về thăm nhà một lần" - nói đến đây, chị Thúy thoáng chốc ngậm ngùi. "Thôi ngẫm ra cũng tốt các anh à, đâu đâu cũng biển quê mình. Tôi sinh ra ở xứ biển nên giờ gắn bó với biển cũng đúng thôi" - Thúy nói.
Cũng như chị Thúy, hầu hết cư dân ở ngôi làng này đều tin rằng, đây chính là quê hương họ, là nơi mang đến cho gia đình, con cái họ miếng cơm manh áo bởi đây là biển, là chốn bình yên êm ả nhất của nhứng kiếp người nghèo khổ.
Thành phố Vũng Tàu nổi tiếng với những bãi tắm đẹp mê hồn thì ở Long Sơn, người dân cũng tự hào bởi sự hài hòa đến kỳ diệu của non sông gấm vóc. Mùa xuân, người ta hay nghĩ về niềm vui và sự no đủ. Dù cuộc sống thực tại của họ còn nhiều khó khăn nhưng chắc hẳn tương lai sẽ tươi sáng, bởi mọi người đều tin, rừng vàng biển bạc quê hương sẽ chở che, bao bọc cho họ.