Sóng biển, sóng gió từ những quyết định tréo ngoe đẩy hầu hết các chủ đầm, từ doanh nghiệp đến cá nhân ở huyện Tiên Lãng vào cảnh nợ nần chồng chất. Họ chỉ có một con đường: Không giữ được đất thì “chết chùm” với nhau vì số nợ quá khổng lồ.
>> Bi kịch sau những chiến công
>> Ký sự đời biển “bạc”…
Công ty cũng “chết”
Hàng loạt quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với các chủ đầm nuôi trồng thủy sản trong huyện vào năm 2007 đều có chung dòng chữ: Bàn giao tất cả tài sản, công trình trên đất, không bồi thường!
Suốt quãng thời gian sau khi có quyết định đến tận bây giờ, 20 chủ đầm trong Liên chi hội NTTSNL huyện Tiên Lãng và hàng trăm chủ đầm khác có chung một nỗi lo: Họ sẽ làm gì nếu bị thu hồi đất? Số nợ khổng lồ đang mắc phải hiện tại không biết đến đời nào mới trả nổi. Ngồi với họ, nghe những “chúa Chổm” này thống kê số nợ khổng lồ mới thấy rằng, nếu thất bại thì vỡ nợ là điều chắc chắn.
Ông Vũ Văn Luân: Bão nợ bao trùm các chủ đầm ở Tiên Lãng |
Trong số các chủ đầm, người nợ nhiều như Lương Văn Tảnh thì gần 10 tỷ, “làng nhàng” như Vũ Văn Tụy cũng 4-5 tỷ, Nguyễn Văn Phao gần 1 tỷ đồng rồi. Họ ngán ngẩm than: Nếu không được làm nữa thì chúng tôi “lên nóc tủ” cả, chờ con cháu trả nợ hộ thôi.
Người đầu tiên nhận được quyết định thu hồi đất năm 2007 là chủ đầm Vũ Văn Tụy ở xã Đông Hưng. Cũng chính ông Tụy là người được giao đất nhiều nhất: 150 ha vào năm 1993. Những năm đầu, do thiếu vốn nên gia đình ông chỉ đầu tư 47 ha nuôi trồng thủy sản. Nhưng chừng đấy diện tích đầm nuôi tôm thôi cũng đã “ngốn” của ông Tụy đến hơn 30 tỷ đồng, tính đến thời điểm trước năm 2007. Ông Tụy bảo, tiền của mình tích lũy được thì chả nói làm gì, nhưng đây hầu hết là tiền ông đi vay ngân hàng, tiền góp chung của anh em trong gia đình và bè bạn. Thế nên, mất nó là mất tất!
Để đầm tôm nhanh chóng sinh ra tiền, để trả nợ và có ít lợi nhuận, trong gia đình ông Tụy, trừ người già và trẻ nhỏ, tất cả số còn lại đều lao ra đầm làm việc quần quật, dồn sức đắp đê, trồng cây, dựng nhà dựng cửa. Phải đến những năm 2000 thì đầm ông Tụy mới có thể tính đến chuyện lãi lời. Trả nợ một ít, các thành viên trong gia đình thống nhất chia 8 ha nuôi tôm công nghiệp, 39 ha tôm quảng canh vào năm 2004. Tuy nhiên, trận bão năm 2005 đánh sập toàn bộ hệ thống đê bao khiến đầm tôm mất trắng 2 tỷ đồng…
Vẫn còn choáng váng sau “cú vả” của thiên nhiên, chưa kịp gượng dậy, thì đến năm 2007, ông Tụy chính thức suy sụp sau khi nhận được quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng. Công lao khai phá bỏ sông bỏ bể, tiền bạc đổ vào cũng mất hoàn toàn vì toàn bộ diện tích đầu tư chẳng có lấy một đồng đền bù. Hạch toán lại, các thành viên trong gia đình ông tá hỏa vì khoản nợ ngân hàng còn hơn 5 tỷ đồng. Số tiền này ngay sau đó được khoanh vùng vì không có khả năng chi trả.
Các cổ đông trong Cty TNHH Quang Hưng mà ông Tụy mới thành lập lần lượt rút vốn đi làm ăn chỗ khác khiến tình hình càng chồng chất khó khăn. Đất đai sau khi có quyết định thu hồi chẳng ai dám đầu tư vào sản xuất. Bản thân ông Tụy, vừa co cổ chạy vạy trả tiền lãi, vừa nghe ngóng xem vụ việc được giải quyết như thế nào.
Đầm tôm của Cty TNHH Quang Hưng do ông Tụy thành lập cũng chung số phận |
Chủ đầm Nguyễn Văn Phao cũng “chìm”
Không có số nợ lớn như ông Tụy, nhưng cảnh ngộ của chủ đầm Nguyễn Văn Phao ở xóm Kỳ, xã Vinh Quang cũng “thảm” không kém. Trước Tết, khi gặp chúng tôi, ông Phao “khoe”: Vừa đấu nhau với bọn xã hội đen một trận. Nguyên cớ vì đâu mà một ông chủ đầm chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối như ông Phao lại dính dáng đến chuyện đối đầu với xã hội đen?
Gia đình ông Phao được UBND huyện giao 15 ha đất bãi bồi từ năm 1994. Ngay trong năm đầu tiên được giao đất, ông Phao đã phải vay mượn 859 triệu đồng để đào đất đắp đê. Ngoài ra, để có được khu đầm nuôi thả, gia đình tốn không biết bao nhiêu công sức, xương máu bởi cứ đắp được bờ lên qua mặt nước thì sóng lại tràn vào cuốn ra phẳng lì.
Bà Phùng Thị Nhót, vợ ông Phao kể lại: Cơn bão năm 1996, giữa đêm ông Phao xách đèn pin chạy vào đê tránh bão vì sóng to quá. Mấy ngày trời đánh vật với thiên tai, hai vợ chồng ông kiệt quệ. Bão tan thì cũng là lúc hai vợ chồng ôm nhau khóc vì mất cả chì lẫn chài, sóng gió đã san phẳng hơn mười năm mồ hôi nước mắt.
Những lúc cây đước, cây bần chắn được sóng, cũng là lúc vợ chồng ông Phao bị chủ nợ đến đòi tiền |
“Lúc đó sợ lắm chú ạ. Ngoài đê nước biển mênh mông. Chỉ có ông Phao nhà tôi với anh Vươn. Nghĩ lại thấy sao ông ấy liều thế. Mình nằm trong đê mà lo nơm nớp”, bà Nhót nhớ lại. Còn ông Phao thì than thở: Huyện Tiên Lãng cử đoàn về xác minh thiệt hại mất 100 triệu. Nhưng đó chỉ là tiền cá, tôm, vịt... Họ đâu có tính công đắp bờ trong bờ ngoài, mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng?
+ Hầu hết các chủ đầm khi viết đơn khiếu nại đều khẩn cầu: Nếu giao đất thêm một thời gian nhất định họ sẽ đầu tư sản xuất và khả năng trả được nợ là rất cao. Còn nếu thu hồi, họ sẽ “hết đường sống”, số nợ khổng lồ muôn đời không trả nổi. + Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam, ông Võ Văn Trác nhận định, hầu hết các chủ đầm, hội viên của Liên chi hội NTTSNL Tiên Lãng, đều sản xuất kinh doanh hiệu quả. Do vậy, chính quyền đáng lẽ phải làm thế nào khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân bỏ vốn khai hoang, lấp biển để có đất sản xuất, chứ không thể để họ cố gắng bao nhiêu năm rồi thành quả lại bị tước đoạt. Trong một trường hợp cụ thể, để xác định ai đúng, ai sai cần có sự điều tra cẩn thận. Nhưng phải nhìn thấy thực tiễn là người dân đã bỏ bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt và máu để có được kết quả, cải thiện được cuộc sống và đóng góp cho xã hội. |
Khó khăn qua dần, người dân bám bờ, bám biển không chịu khuất phục thiên tai. Dăm năm gần đây, khi nghề nuôi cua, nuôi cá bắt đầu đem lại lợi nhuận, những rặng bần, rặng đước sau gần hai thập kỷ đã trở thành tường bao che chắn cho các chủ đầm thì đùng một cái, bắt đầu từ năm 2005, hàng loạt chủ đầm huyện Tiên Lãng nhận được quyết định thu hồi đất của UBND huyện.
Ngay sau khi đầm ông Phao bị thu hồi thì một tấm biển của Công ty TNHH Sơn Trường (trụ sở tại phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) mọc lên thay thế quản lý. Bỗng dưng mất trắng, vợ chồng ông Phao đang loay hoay thì các chủ nợ cứ lần lượt đến đòi thanh toán. Hình thức thanh toán cũng sặc mùi chèn ép: Tiền mặt. Trong khi nhìn vào hoàn cảnh gia đình bây giờ, như lời bà Nhót: Bán cả người cũng không đủ trả bởi tổng số nợ lên đến tiền tỷ rồi.
Tết vừa rồi, vợ chồng ông Phao chạy đôn chạy đáo, phần đi vay mượn tiền, phần chạy đi trốn nợ, bởi đám xã hội đen xăm trổ đầy mình lúc nào cũng “thường trực” ở cổng nhà ông. Có những khoản nợ từ năm 1994 mà ông Phao vay mượn, chủ nợ không thèm đếm xỉa vì cho rằng, với quy mô đầm của ông, kiểu gì cũng trả nợ được. Nhưng nay, thấy đầm có quyết định thu hồi, thì bỗng dưng không biết từ đâu ra bao nhiêu chủ nợ.
Theo ông Vũ Văn Luân, Thư ký Liên chi hội NTTSNL huyện Tiên Lãng, gia đình ông Đoàn Văn Vươn có thể là người có số nợ lớn nhất hiện nay. Ngoài vay ngân hàng, huy động tiền mặt của anh em, bạn bè và các nguồn khác đến hàng tỷ đồng, thì ông Nguyễn Văn Đạt ở TP Hải Dương hiện cũng đang là chủ nợ của ông Vươn với số tiền hơn 200 cây vàng.