| Hotline: 0983.970.780

Chưa “bò”, đã lo “chạy”

Thứ Sáu 03/02/2012 , 10:32 (GMT+7)

Sau câu chuyện thu hồi đất ở Tiên Lãng, hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản ở Hải Phòng nói riêng và nhiều địa phương nói chung nơm nớp lo sợ. Họ sợ bất thình lình bị thu hồi đất, nơi mà họ đã từng đánh cược tất cả mọi thứ để đầu tư phát triển sản xuất.

Sau câu chuyện thu hồi đất ở Tiên Lãng, hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản ở Hải Phòng nói riêng và nhiều địa phương nói chung nơm nớp lo sợ. Họ sợ bất thình lình bị thu hồi đất, nơi mà họ đã từng đánh cược tất cả mọi thứ để đầu tư phát triển sản xuất.

Chưa kịp hoàn vốn thì hết thời hạn giao đất

  

Nhiều chủ đầm không dám tiếp tục đầu tư
Được chính quyền và dân địa phương coi như người tiên phong mở đất, ông Lương Văn Trong ở xã Đông Hưng (Tiên Lãng) từng là cá nhân tiêu biểu được bầu đi gặp mặt Thủ tướng và đến năm 2002 ông vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Phan Văn Khải. Mặc dù vậy, nhìn vào gia cảnh nhà ông bây giờ sao mà thảm quá. Cả gia đình sống dặt sống dẹo, chỉ dựa vào mấy con tôm con cá đánh bắt tự nhiên ở các khu đầm người ta đã bỏ hoang.

 

 

Chủ tịch Hải Phòng: “Vụ Tiên Lãng cứ theo luật mà làm”

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Dương Anh Điền khẳng định với báo chí: Trong vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng, nếu có dấu hiệu sai phạm của cơ quan, cá nhân nào thì xử lý không bao che. “Quan điểm của tôi rõ ràng, cứ theo luật mà làm. Ai sai thì xử lý người đó, còn việc chống người thi hành công vụ thì phải xử lý. Nếu có dấu hiệu sai phạm của cơ quan nào, cá nhân nào thì cũng xử lý, không bao che. Đúng thì phải khẳng định, sai đến đâu xử đến đấy, đồng chí nào sai thì phải xử lý theo sai phạm đó”, ông Điền khẳng định.

Hoàn cảnh của ông Trong cũng là thực trạng chung của hầu hết các thành viên trong Liên chi hội NTTSNL huyện Tiên Lãng và những hộ nuôi trồng thủy sản khác. “Cuộc họp nào, hội nghị nào người ta cũng đưa ngành thủy sản ở Tiên Lãng ra tung hô, đưa ra làm ngành “kinh tế mũi nhọn”. Vậy mà đùng một cái bao nhiêu chủ đầm chết vì ngành mũi nhọn này. Mà đâu chỉ riêng Tiên Lãng, cứ đà này chúng tôi nghĩ rằng những địa phương lân cận sớm muộn gì cũng bị người ta thu hồi không thương tiếc thôi”, ông Trong chua xót.

Trong hoàn cảnh chưa “bò” đã lo “chạy”, thành ngữ mới mà những người nuôi trồng thủy sản của huyện Tiên Lãng mới “phát minh”, tức là chưa kịp hoàn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, đắp đập, làm đê quai…, họ đã phải lo mất toàn bộ cơ nghiệp vì bị thu hồi đất, ông Hoàng Văn Tin, một chủ đầm ở xã Tây Hưng cho biết, năm 1992, gia đình ông được UBND huyện giao cho 23ha đất bãi bồi để nuôi trồng thủy sản, thời hạn 15 năm.

Theo đó, gia đình ông Tin huy động hết tiền bạc, công sức, vật lực của gia đình để đầu tư đắp đầm, xây đập. Đến năm 2007, khi chưa kịp hoàn vốn thì thời hạn giao hết, UBND huyện Tiên Lãng đã ra thông báo dừng đầu tư, thu hoạch tài sản trên đất để giao lại toàn bộ đầm cho UBND huyện mà không có một đồng bồi thường. “Từ năm 2007 đến nay, chúng tôi phải muối mặt khất nợ, trong khi không dám đầu tư vì lỡ huyện ra quyết định cưỡng chế thu hồi như nhà ông Vươn thì chúng tôi sạt nghiệp”, ông Tin bày tỏ.

Các ông Vũ Tiến Dũng, Hoàng Văn Đỏ, chủ đầm ở xã Đông Hưng hiện cũng đang lo ngay ngáy. Sau khi nhận được thông báo dừng đầu tư và quyết định thu hồi đất của UBND huyện, cả hai ông chẳng biết làm thế nào, cứ chạy ngược chạy xuôi, nghe ngóng, rồi đoán già đoán non, không biết khi nào đầm tôm của mình sẽ đến lượt “lên thớt”.

Là Phó Chủ tịch Liên chi hội NTTSNL huyện Tiên Lãng, ông Lương Văn Trong thừa nhận, những chủ đầm khác hiện đều rất lo. Thậm chí, ông Nguyễn Văn Trí, chủ trang trại nuôi trồng thủy sản ở tận xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) cũng không yên tâm để đầu tư sản xuất. Ông Trí tâm sự, vốn liếng gia đình tôi đã đổ hết vào trang trại, giờ mà bị thu hồi giống như ở Tiên Lãng thì làm sao có thể chịu đựng được. Tôi cũng rất lo lắng cho việc đầu tư làm ăn của mình.

Trang trại nuôi cá của ông Trí rộng 4ha, đầu tư trên 15 tỷ đồng từ năm 2001. “Giờ Nhà nước mà thu hồi đất thì cả nhà tôi không biết sẽ ra sao. Tôi mong muốn Nhà nước sẽ cho thuê tiếp và thời hạn phải dài lâu từ 50 năm trở lên. Có như vậy chúng tôi mới yên tâm được. Chúng tôi đã viết hàng trăm đơn kiến nghị gửi lên UBND huyện Tứ Kỳ với mong muốn được tiếp tục thuê đất thế nhưng hoàn toàn không nhận được hồi âm gì”, ông Trí bộc bạch.

Cùng chung hoàn cảnh, ông Hoàng Văn Châu, chủ trang trại ở TP. Hạ Long, Quảng Ninh kể, trang trại của ông rộng 150ha làm tổng hợp nhiều thứ như trồng rừng, nuôi cá, nuôi lợn. Để có được như ngày nay, ông Châu đã phải đầu tư trên 40 tỷ đồng. Ông Châu bảo, những ai xác định đầu tư cho trang trại tức là đầu tư dài hạn, sau nhiều năm mới gặt hái được thành quả. Vì vậy, Nhà nước cho thuê đất 20 - 30 năm chẳng ăn thua gì.

“Kinh tế mũi nhọn” bết bát!

Huyện Tiên Lãng có dải bãi bồi lớn nhất TP. Hải Phòng với diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ lên tới hơn 2.000 ha. Nhưng diện tích đất của các chủ đầm bị thu hồi đã gây ra một mất mát vô cùng lớn cho ngành thủy sản.

 

Công an Hải Phòng vẫn chưa xác định được đối tượng phá căn nhà

Trong đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng, các thành viên của Liên chi hội NTTSNL huyện Tiên Lãng đều khẳng định như vậy. Họ không nói suông, bởi từ ngày “quả bom” quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng, sản lượng nuôi trồng thủy sản nước lợ giảm đi rõ rệt. Ngoài những hộ đã nhận “trát” của UBND huyện thì những hộ nuôi trồng khác cũng giật mình thon thót. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hải Phòng, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản huyện Tiên Lãng 6 tháng đầu năm 2011 đạt hơn 8.700 tấn, trong số này, nuôi nước lợ chỉ chiếm sản lượng chưa đến 10%. Nguyên nhân vì đâu ngành “kinh tế mũi nhọn” của huyện lại bết bát như thế?

Chưa xác định được đối tượng phá nhà dân

Ông Đỗ Hữu Ca, GĐ Công an TP Hải Phòng, cho biết, đến thời điểm hiện tại, chưa xác định được ai là người phá nhà của dân (căn nhà 2 tầng của ông Đoàn Văn Quý). Ông Ca lý giải rằng việc 2 ngôi nhà (ông Ca cho rằng đó là chòi trông cá) không có lệnh phá trước khi bị phá và cũng không biết được đối tượng nào phá.

Liên quan đến việc số lượng lớn thủy hải sản và hoa màu bị tận thu bất chính tại khu đầm Đoàn Văn Vươn sau vụ cưỡng chế, ông Ca cho biết đã tiếp nhận đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Thương (vợ chủ đầm Đoàn Văn Vươn).

Theo các chủ đầm, nguyên nhân rất dễ lý giải: Hộ nuôi theo hướng công nghiệp thì liên tục bị thất bát do tôm nuôi bị bệnh. Những hộ nuôi quảng canh lại không dám đầu tư vì lo sợ đầm nuôi nằm trong quy hoạch, có thể bị thu hồi bất kể lúc nào. Thành thử, tiếng là “kinh tế mũi nhọn vùng ven biển” nhưng mấy năm nay nuôi trồng thủy sản nước lợ dọc bãi biển các huyện Tiên Lãng, quận Hải An… hết sức đìu hiu.

Không chỉ riêng các thành viên thuộc Liên chi hội NTTSNL huyện Tiên Lãng mà những địa phương lân cận cũng bắt tay vào công cuộc khai sông lấn biển, tiến hành sự nghiệp sản xuất, nuôi trồng thủy sản đều gặp khó. Giáp với huyện Tiên Lãng, vùng nuôi trồng thủy sản ven biển Tràng Cát thuộc quận Hải An cũng vậy. Sơ bộ thống kê ở đây có khoảng 200 hộ nuôi tôm tự phát, trong đó chỉ có 1 hộ nuôi theo hướng công nghiệp, còn lại đều nuôi quảng canh.

Một chủ đầm cho biết: 2 năm nay, sản lượng tôm thu được từ các đầm giảm tới 70%. Nguyên nhân chính cũng xuất phát từ quyết định thu hồi ở huyện Tiên Lãng. Vừa sản xuất vừa thắc thỏm lo đầm nằm trong quy hoạch nên chủ đầm chẳng ai dám đầu tư. Mặt khác, những diện tích khả năng ổn định thì manh mún, chủ đầm “lực bất tòng tâm”, không có điều kiện đầu tư hạ tầng thuỷ lợi cũng như cải tạo đầm nuôi.

 

 

Xem thêm
Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao

TP.HCM Ngày 15/11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM, Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sôi nổi hoạt động kỷ niệm 65 năm thành lập Trường Đại học Thủy lợi

Tối 15/11, nhà trường tổng kết, trao giải cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật và tổ chức chương trình ca nhạc chào mừng 65 năm thành lập và ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.