| Hotline: 0983.970.780

Về nơi chết không có chỗ chôn

Thứ Hai 13/02/2012 , 10:52 (GMT+7)

Ông chủ tịch xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) nói xã mình đang sở hữu nhiều kỉ lục nhất nước nhưng đó là những kỉ lục không ai muốn giữ.

Nông dân nhưng không có một tấc đất cắm dùi. Ở quê nhưng phải xây nhà siêu mỏng, tắc đường như thành phố. Ở quê nhưng chết lo ngay ngáy chỗ chôn... Ông chủ tịch xã Ngư Lộc nói xã mình đang sở hữu nhiều kỉ lục nhất nước nhưng đó là những kỉ lục không ai muốn giữ.

Bốn thế hệ chen chúc 25m2

Nằm cách QL 1A khoảng 20 km, chạy dọc tỉnh lộ 5 về hướng đông, xã Ngư Lộc thuộc huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) nằm chơ vơ bên bờ biển. Đặt chân đến đây, đập vào mắt chúng tôi là những căn nhà bé nhỏ nằm san sát. Đường liên xã, liên thôn được bê tông hoá cứ luồn lách chật chội một cách khó tin.

Nhà chật, biến đường thành nơi để ngư cụ

Chúng tôi ghé vào một quán tạp hoá hỏi vào trụ sở uỷ ban xã, bà chủ quán than: “Xã tôi chật chội không khác gì Hà Nội chú ơi! Nhà cửa chật hẹp, người qua lại đông đúc. Đường xá thì lúc nào cũng có xe công nông hoặc tan giờ học thì tắc nghẽn cả tiếng đồng hồ".

Tiến về trụ sở uỷ ban xã, chúng tôi thấy lời của bà chủ quán quả là không sai. Nhà hộp diêm, siêu mỏng hiện ra trước mắt, đường làng, ngõ xóm chật chội. Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, nói vui: “Xã tôi đứng đầu về cái nhất của cả nước đấy”. Nghe vậy, tôi hỏi: “Nhất những cái gì?". Ông Ngữ cho hay: “Xã Ngư Lộc có diện tích ít nhất, dân số cao nhất, không có một tấc đất nông nghiệp, người chết không có chỗ chôn, nhà vệ sinh cũng không nốt".

Lý giải cho cái nhất đó, ông Ngữ minh chứng: Ngư Lộc có diện tích đất tự nhiên chỉ 0,46 km2 (trong đó dành ra hơn 0,1 km2 làm đường giao thông, còn 0,36 km2 là diện tích đất ở) với 3.079 hộ dân nhưng có tới hơn 17.000 nhân khẩu. Tiếng là nông thôn nhưng tính ra, người dân Ngư Lộc chỉ có khoảng 2m2 đất/người. Mật độ dân số ở xã vào khoảng 36.000 người/km2. Nghe vậy, tôi liên tưởng đến quận Đống Đa (Hà Nội) có mật độ cao nhất Thủ đô 38.201 người/km2 (năm 2011). Hoá ra, Ngư Lộc quá khủng khiếp về sức ép dân số.

Đường ngõ thôn Thắng Lộc chật chội

Dân đông, đất ít nên đất nhà ở người dân Ngư Lộc có diện tích bình quân chỉ từ 8 đến 27m2. Trong đó nhiều gia đình có 2 đến 4 thế hệ cùng sống chung trong những căn nhà chật hẹp. "Riêng nhà ở bốn thế hệ có đến 100 hộ. Ở xã chỉ có hai người được xem là “đại gia đất” với 1.000m2 còn lại ai cũng chỉ đủ đất làm cái nhà chui ra chui vào”, ông Ngữ liệt kê.

Không giấu "cái nhất" của xã, ông Ngữ đơn cử gia đình bà Nguyễn Thị Liên, thôn Thắng Lộc có 12 người. Trong đó, ông bà, bố mẹ và 6 cháu cùng ở trong một căn nhà rộng chừng 25m2. Hoặc gia đình anh Nguyễn Văn Yến thôn Bắc Thọ có 12 thành viên nhưng chỉ ở trong căn nhà rộng hơn 10m2. Ông Ngữ chia sẻ: “Ở xã có nhiều gia đình “chống cháy” về chỗ ở đã xây thêm tầng. Số hộ này đếm đầu ngón tay, bởi cuộc sống nghèo đói lấy đâu tiền mà xây. Có nhà xây chưa xong thì con cháu sinh sôi nên chật vẫn hoàn chật”. 

Gia đình bà Nguyễn Thị Liên có 3 thế hệ sinh sống, với khoảng thềm vào nhà bé nhỏ thành điểm lý tưởng để cả gia đình bóc cua

Để mục sở thị những căn nhà chật chội, tôi vào thăm nhà bà Nguyễn Thị Liên, thôn Thắng Lộc. Từ con đường lớn, hỏi đường vào nhà bà thì được một người dân chỉ dẫn. Vừa xong lời thì bà dặn: “Chú xem có ai đi trong ra không, nếu có thì dừng lại chờ họ. Đường nhỏ chỉ đủ một cái xe máy đi thôi. Nếu hai xe tiến không được, lùi cũng chẳng xong đâu”.

Với diện tích 25m2, bà Liên xây 2 căn nhà cấp bốn gồm một cái nhà trên và một cái nhà bếp. Hiện gia đình bà có đến 3 thế hệ sinh sống, tổng cộng có đến 13 người ở. Tôi hỏi bà: Diện tích ít ỏi thế, mọi người ngủ ở đâu? Bà Liên cho biết: “Căn nhà bếp đặt được một cái giường thì tôi và mấy đứa cháu ngủ. Còn nhà trên thì 3 cặp vợ chồng các cháu. Giường chật thì ngủ dưới nền nhà, còn không mấy người con trai ngủ ngoài thuyền. Đến bữa người nhà mang cơm ra”.

Cũng vì “xã chật” mà trong những năm qua, chính quyền xã Ngư Lộc mất ăn, mất ngủ giải quyết tình trạng tranh giành đất, nhà cửa của nhau. Ông Ngữ buồn bã: “Đất chật người đông nên người dân tranh giành đất, nhà cửa xảy ra như cơm bữa. Giải quyết nội bộ không xong thì họ kiện cáo. Có những trường hợp anh em ẩu đả phải nhập viện”.

"Hết cách rồi"

Để thoát khỏi cái ngột ngạt trong làng, tôi chạy ra bãi biển tận hưởng không khí nhưng ra đến đây lại muốn quay lại ngay. Bãi biển dài 1,2 km, từng núi rác cao ngất ngưởng bốc mùi hôi thối, những chợ tự phát trên bờ kè từng đống cá được tấp lên ruồi, nhặng bu đầy. 

Không có chỗ chứa mỗi ngày rác được tuôn ra biển gây ô nhiễm rất nghiêm trọng

Đi tìm ngọn nguồn thì trăm người như một cho rằng, mỗi ngày người dân Ngư Lộc thải ra đây khoảng 1 đến 2 tấn rác. Mặc dù đã có một đội thu gom rác 30 người, tuy nhiên không có chỗ xử lý, số rác đều được tống xuống biển.

Tôi hỏi Chủ tịch Nguyễn Văn Ngữ sao lại làm thế thì được ông cho biết: “Bây giờ lấy đâu ra một tấc đất để chứa rác? Đổ giữa đường thì không có chỗ đi, thuê đất các xã lận cận thì họ không đồng ý. Từ xa xưa đến giờ chỉ có cho xuống biển thôi. Hết cách rồi!”.

Ông Trần Văn Hùng, một người dân ở đây, cho biết: "Dân số đông, đất đai ít, nhiều gia đình chỉ mong sao có chỗ chui ra, chui vào là hạnh phúc lắm. Ở đây chẳng có ai nghĩ đến chuyện xây dựng nhà vệ sinh. Tất cả những thứ rác rưởi, hay “nỗi buồn” của người dân đều đem ra biển”.

Ông Nguyễn Văn Ngữ cho biết:

“Từ thời cha ông, người dân Ngư Lộc may mắn thuê được một ít đất ở xã Đa Lộc (cạnh xã Ngư Lộc) làm nghĩa trang. Hiện đất ở bên Đa Lộc cũng đã kín chỗ, chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên nhưng xem ra đây là vấn đề rất nan giải. Sống không có đất ở thì nỗi lo những người chết sẽ không có đất chôn đã ập đến”.

Là nông dân nhưng người dân Ngư Lộc quá rảnh rỗi. Đi quanh xã đâu đâu  chúng tôi cũng bắt gặp cảnh phụ nữ, đàn ông ngồi chơi. Lý giải cho điều này, ông Ngữ cho biết: “Mang tiếng nhà nông nhưng Ngư Lộc không có một tấc đất nông nghiệp. Người dân sống vào nghề đánh bắt cá, đàn ông vài ba ngày ra khơi vào một lần, lúc đó phụ nữ ra phụ giúp một buổi là xong. Họ muốn làm lắm nhưng lấy đâu ra việc, vì thế mà ở Ngư Lộc tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 50%”.

Ông Ngữ kể tiếp: Ngày xưa đất của dân Ngư Lộc cũng nhiều, và người dân không chỉ ra biển mà còn vào đồng ruộng cấy cày. Nhưng rồi biển cứ lấn dần vào trong, nhà cửa phải lùi dần. Nhà trong xã may mắn được cha ông để lại cho một mảnh vườn nhỏ, con cái sinh ra chia năm xẻ bảy. Thế rồi nhà xây lên, đất hết dần.

Rời Ngư Lộc, chúng tôi nghe đâu văng vẳng tiếng nói của người dân: “Chúng tôi không phải lười nhác nhưng ở cái xứ này, ngoài việc phụ chồng đi biển, đưa cá lên bờ, chúng tôi muốn làm lắm nhưng lấy đâu ra việc”.

Xem thêm
Thủ tướng làm Trưởng ban sắp xếp, tinh giản bộ máy của Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp

Các mô hình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn liền với chuỗi giá trị giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Đại học Thủy lợi - Niềm tự hào của các thế hệ sinh viên

Bí thư Yên Bái coi nhà trường là nơi rèn giũa lý tưởng, còn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT xem đây là nguồn tri thức vô giá trong vấn đề thủy lợi, phòng chống thiên tai.