Ca sĩ, diễn viên, đạo diễn, nhạc sĩ… ai cũng có thể ngồi lên chiếc ghế “nóng” trong các chương trình truyền hình thực tế với vai trò giám khảo. Không thể phủ nhận, sau mỗi chương trình, tên tuổi của những vị giám khảo này càng trở nên nổi tiếng, không cần biết chương trình hay hay dở.
Khi Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh, Trần Lập ngồi ghế giám khảo chương trình “Giọng hát Việt 2012”. Rồi những cái tên như Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Siu Black, diễn viên Thành Lộc, nhạc sĩ Huy Tuấn, nữ hoàng dansports Khánh Thi, nhạc sĩ Lê Minh Sơn… trong các chương trình như "Vietnam Idol", "Bước nhảy hoàn vũ", "Cặp đôi hoàn hảo"… Nhiều người ngỡ ngàng bởi tầm cỡ những ngôi sao “khủng”, cát- xê một đêm diễn lên tới hàng trăm triệu đồng lại “tiêu tốn” thời gian cho những chương trình kéo dài vài tháng này.
Vẫn giữ nguyên cách thức nhận xét, đánh giá, cho điểm nhưng không phải giám khảo nào cũng có những nhận xét được thí sinh và khán giả “tâm phục khẩu phục”. Không ít chương trình tất cả giám khảo đều có những nhận xét na ná nhau, thậm chí chê rất nhiều nhưng khi cho điểm thì lại là điểm tuyệt đối.
Giám khảo truyền hình, nghề làm dâu trăm họ
Với những tên tuổi như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh… khán giả chương trình "Giọng hát Việt" mùa đầu tiên đã từng hy vọng, họ không chỉ là huấn luyện viên tài năng mà còn là người “cầm cân nảy mực” chính xác để tìm ra được một "Giọng hát Việt" thực sự. Nhưng thực tế cho thấy, không phải cứ là “ngôi sao” trong làng nhạc thì sẽ trở thành giám khảo tài năng, thuyết phục khán giả và "Giọng hát Việt" là một minh chứng. Đó là những scandal không đáng có khi lộ “nghi án” dàn xếp kết quả từ ngay chính Giám đốc âm nhạc Phương Uyên. Rõ ràng huấn luyện viên hay nói cách khác là giám khảo của chương trình này không có vị thế, họ chỉ có vai trò duy nhất “chê” hoặc “khen”, còn kết quả thế nào lại là chuyện khác. Khán giả thất vọng!
Ai cũng hiểu, người “cầm cân nảy mực”, đặc biệt là trong lĩnh vực giải trí, nghệ thuật phải là người có tài năng. Ở họ không đơn thuần là kinh nghiệm, là tác phẩm mà còn là khả năng thẩm định, đánh giá để có thể chọn lựa tài năng một cách chính xác. Không phải chương trình truyền hình thực tế chọn lên vì anh hay chị xinh đẹp, nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Ngay trong chương trình thực tế "Cặp đôi hoàn hảo" (trên VTV3) đã có sự tranh cãi giữa ca sĩ Mỹ Lệ và giám kháo Lưu Thiên Hương về nhạc jazz hay không phải nhạc jazz khiến khán giả không biết nên tin ai.
Hay như đạo diễn Lê Hoàng, không ít khán giả cho rằng, anh là một đạo diễn tài năng, từng có rất nhiều bài viết hay, thậm chí được cho là “ngoa ngoắt” trên báo chí nhưng điều này không có nghĩa anh có thể là một giám khảo tốt. Bởi lẽ, trong khá nhiều chương trình, những nhận xét hay cách nói của Lê Hoàng khiến một bộ phận khán giả phản ứng.
Rất hiếm những gương mặt dám bộc lộ chính kiến riêng như John Huy Trần trong "Thử thách cùng bước nhảy", Luke Nguyễn trong "Vua đầu bếp"…
Vì sao người nổi tiếng trong làng giải trí Việt lại “mặn mà” với các chương trình truyền hình thực tế? Đây là một trong những cách họ được khán giả biết đến nhiều hơn chăng? Điều này chỉ đúng một phần, bởi lẽ những “sao" khủng cỡ như Mỹ Tâm, Mỹ Linh, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng… đã quá nổi tiếng. Phải chăng họ muốn thử sức ở một lĩnh vực khác, bởi ngay cả tiền cát-xê đáng giá hàng trăm triệu, thậm chí vài trăm triệu khi tham gia chương trình cũng không phải là lý do, bởi chương trình kéo dài trong nhiều tháng, trong khi họ chỉ cần diễn vài show là đã có đủ số tiền đó.
Lâu nay, khán giả đều có chung cảm giác nhàm chán, nhạt nhẽo khi nghe giám khảo nhận xét, bởi ở đó thiếu những ý kiến chuyên môn chính xác, sự đa sắc trong cách bình luận cũng như thể hiện quan điểm, chính kiến riêng.
Hy vọng, những chương trình truyền hình thực tế sắp tới, công chúng sẽ được thuyết phục bởi những vị giám khảo tài năng, công minh hơn là sự nổi tiếng vốn có.