| Hotline: 0983.970.780

Những loài ký sinh có ích trên đồng ruộng

Thứ Ba 21/10/2008 , 09:30 (GMT+7)

Ngoài các loài côn trùng có ích thì trên đồng ruộng cũng luôn có các loài ký sinh có ích, đó là các loài ong, ruồi ký sinh.

Một loài kí sinh có ích

Ngoài các loài côn trùng có ích thì trên đồng ruộng cũng luôn có các loài ký sinh có ích, đó là các loài ong, ruồi ký sinh. So với thiên địch, ký sinh thường có các ký chủ cụ thể. Do vậy chúng thường ít được quan tâm, trừ những loài lớn, có màu rực rỡ. Tuy nhiên hiệu quả của chúng đối với mật độ sâu hại vô cùng quan trọng. Có rất nhiều loài ký sinh trên ruộng lúa, xin giới thiệu những loài quan trọng:

1. Ong cự ký sinh sâu non

Tên khoa học là Itoplectis narangae, thuộc họ ong cự, có kích thước vừa, đầu và ngực đen, chân màu da cam, đuôi bụng đen. Đây là một loài ong chuyên săn mồi đơn độc, tìm mồi chủ yếu ở ruộng lúa nước. Ong tìm sâu non ẩn náu sau bẹ lá hoặc trong thân cây lúa. Chúng ký sinh sâu cuốn lá non, sâu Rivula atimeta, sâu đục thân 5 vạch màu nâu, sâu đục thâm bướm cú mèo và sâu đo. Mặc dầu một con sâu ký chủ có thể bị nhiều con ong ký sinh, nhưng chỉ có thể nở ra một con ong cái. Một con ong có thể đẻ 200-400 trứng trong thời gian 2-3 tuần.

2. Ong ký sinh hình đèn lồng

Tên khoa học là Charops brachypterum, thân hình màu đen có các đường viền vàng – vàng da cam ở đầu râu, chân và bụng. Bụng to về phía cuối. Ong này tìm sâu non của sâu cuốn lá, sâu đo xanh và sâu đục thân hai chấm ở lá lúa. Để ký sinh sâu đục thân trong thân cây lúa, trước tiên ong xác định sâu non, sau đó chọc ống dẫn trứng vào thân lúa và đẻ trứng gần chỗ sâu non ký chủ. Ong non ký sinh không có chân và sau đó ngọ nguậy đến sâu đục thân. Chúng cắn thân ký chủ và ăn dịch của sâu ký chủ chảy ra ngoài.

3. Ong vàng ký sinh sâu đục thân

Có tên khoa học là Xanthopimpla thuộc bộ cánh màng, họ ong cự, là loài ong to vừa, màu vàng da cam, có vạch đen ở mỗi đốt bụng. Những ong này không có các chấm đen ở bụng. Thân hình thô và ống dẫn trứng màu đen. Loài ong này ký sinh sâu đục thân cả ở môi trường ẩm và môi trường khô. Chúng không bay nhiều, thường đậu ở trên lá lúa. Mỗi con ong ký sinh một con nhộng sâu đục thân trong thân cây lúa.

4. Ong kén nhỏ ký sinh sâu cuốn lá nhỏ

Tên khoa học là Macrocentrus Philippinensis, là loài ong có kích thước vừa phải đến lớn, có hoặc không có gân chéo thứ hai. Loài ong này có thân hình gầy, kích thước vừa phải, bụng dài màu da cam hoặc vàng sẫm. Ống dẫn trứng dài gấp đôi bụng con cái. Con đực cũng có kích thước và màu tương tự như vậy, nhưng không có ống dẫn trứng. M.Philippinensis có ở tất cả môi trường trồng lúa, bay trên tán lúa và tìm sâu cuốn lá.

5. Ong kén nhỏ ký sinh sâu đục thân

Tên khoa học là Stenpbracon nicevilei. Ong trưởng thành màu nâu vàng có 3 vạch đen ở cánh trưóc và 2 băng đen ở bụng. Ống dẫn trứng dài gấp đôi cơ thể của chúng. Loài ong này thường xuất hiện ở ruộng khô, chúng tìm sâu đục thân 2 chấm và sâu đục thân bướm cú mèo, chúng đẻ vào mỗi con sâu đục thân nằm trong thân lúa một quả trứng, từ mỗi trứng ký chủ nở ra một ong ký sinh.

6. Ong đen kén trắng lập thể

Tên khoa học là Cotesia. Có nhiều loài ong Cotesia trên ruộng lúa. Đây là những loài ong nhỏ nhưng mập, cánh trong. Râu dài bằng thân. Loài ong này có ở tất cả các môi trường trồng lúa. Chuyên ký sinh sâu cuốn lá nhỏ. Con cái đẻ từ 10 trứng trở lên bên trong một con sâu cuốn lá. Ong nở và ăn các mô bên trong của sâu cuốn lá. Khi chuẩn bị làm nhộng, ong non rời khỏi sâu cuốn lá đã chết và làm tổ kén trắng gần đấy.

7. Ong kiến ký sinh hay thiên địch của rầy

Tên khoa học là Halogonatopus sp. Các loài ong này có ngoại hình rất giống kiến. Con cái thường không có cánh, đôi cựa trước giống như cái kìm dùng để giữ chặt mồi. Con đực có cánh. Chúng thường xuất hiện ở ruộng lúa nước, tấn công bọ rầy xanh và bọ rầy nâu.

8. Bộ cánh cuốn ký sinh rầy

Tên khoa học là Halictophagus spectrus, thuộc bộ cánh cuốn, là những ký sinh nhỏ, cánh xoắn, gần giống bọ rùa. Con cái không có cánh, sống bên trong cơ thể ký chủ, chỉ có đầu nhô ra khỏi bụng ký chủ. Ruồi đực trưởng thành có cánh trước giống như hình cái bướu và cánh sau mỏng, giống như hình cái quạt. Con cái nằm yên tại ký chủ, sau khi được giao phối sẽ đẻ ra 500-2.000 dòi con, chúng bò ra khỏi ký chủ đã chết và tìm ký chủ mới. Loài ruồi này ký sinh rầy lá và rầy thân.

9. Ruồi đầu to ký sinh rầy xanh

Tên khoa học là Tomosvaryella subvirescens, chúng là những loài ruồi nhỏ, đen, đầu tròn, to do mắt phức hợp tạo nên. Ruồi đầu to đậu trên lưng rầy và đẻ trứng vào bụng rầy, chỉ có một ruồi ký sinh phát triển trên một rầy xanh. Sau khi phát triển trong cơ thể ký chủ, ruồi làm nhộng trong đất hoặc dưới gốc cây. Từ trứng đến trưởng thành mất 30-40 ngày. Ruồi sống được 4 ngày và ký sinh 2-3 rầy trong mỗi ngày.

Hiện nay người ta đang tìm cách nhập ký sinh từ nước này sang nước khác. Cần bảo vệ các ký sinh bằng cách sử dụng thuốc trừ sâu một cách hợp lý.

Xem thêm
Người nuôi lợn trang trại, gia trại được gỡ nút thắt

QUẢNG BÌNH Tâm lý ngại dịch bệnh, thua lỗ, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn được tháo gỡ khi mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ có đệm lót phát huy hiệu quả.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất