| Hotline: 0983.970.780

Sơn Dương ngọt

Thứ Tư 12/01/2011 , 10:46 (GMT+7)

Giáp Tết tôi lên Sơn Dương. Dọc đường từng chiếc xe tải ì ạch chở mía bò về phía NM Đường Sơn Dương. Mía đầy ứ, tràn cả sang hai bên thành xe.

Giáp Tết tôi lên Sơn Dương. Dọc đường từng chiếc xe tải ì ạch chở mía bò về phía NM Đường Sơn Dương. Mía đầy ứ, tràn cả sang hai bên thành xe. Tài xế phải dùng gỗ thưng lên để xe chở được nhiều mía hơn. Chỉ nhìn những chiếc xe chở mía lặc lè nhẫn nại nhích đi chậm chạp đã nhìn thấy một vụ mía được mùa trên vùng quê đèo cao đất dốc Tuyên Quang. 

Thật khó nhận ra con đường từ Lập Thạch (Vĩnh Phúc) đi sang Sơn Dương dạo nào heo hút gió, vắng người qua lại nay đã đông đúc, quần tụ. Anh tài xế cho tôi bắt xe đi nhờ nói chắc nịch: "Không có NM Đường Sơn Dương chắc chắc quê tôi vẫn nghèo". Hỏi chuyện hóa ra anh ta người vùng này, trước nhà đói lắm, quanh năm ăn sắn. Sắn hết thì quay sang ăn vào rừng. Nhà anh được nhận mấy hecta đất rừng trồng cây nguyên liệu giấy: keo lai, bạch đàn. Hồi đó riêng gì Tuyên Quang, cả Yên Bái, Phú Thọ cũng lăn xả vào trồng keo. Người ta nghĩ sẽ giàu đến nơi, bởi các NM giấy hứa vống lên là mua hết gỗ cho dân với giá cao. Nhưng giấc mơ keo nhanh chóng rơi bịch xuống đất. Không trồng được rừng thì quay ra phá rừng. Anh ta biến thành lâm tặc. Chính cây mía đã kéo anh trở lại cuộc sống bình thường. Nhà trồng mấy ngàn mét vuông mía, bán mía có tiền anh sắm thêm chiếc xe tải đi chở mía thuê. Những ngày này anh bận tối mắt tối mũi. Hết nhà nọ giục, nhà kia gọi đi chở mía.

Sơn Dương là huyện nghèo của xứ Tuyên. Đất huyện này xấu nhất tỉnh, phần lớn đồi dốc, tầng canh tác mỏng, cây gì trồng vài ba vụ cũng kém năng suất. Thế mà niên vụ này mía Sơn Dương đạt năng suất 60, 70, thậm chí 80 tấn/ha thì có thể đo đếm được công sức mà cán bộ nông vụ NM Đường Sơn Dương và người trồng mía ném xuống mảnh đất này bao năm qua lớn thế nào. Ông Hoàng Thanh Vân, TGĐ cũ của Cty CP Mía đường Sơn Dương đã ngoài 60 tuổi, giờ rút về "gác gôn" HĐQT để lớp trẻ hơn lên điều hành đã ăn nằm với cây mía ở đây nhiều năm. Dăm năm trước ông Vân bỏ Thủ đô lên đây kéo NM Đường Sơn Dương lúc đó thua lỗ liên tục đi đến hòa rồi có lãi. Cái dạo ấy cân đường chỉ ngang cân gạo, mía miền Trung dân không bán được đốt cháy bùng bùng giữa đồng cho bõ tức, còn NM đường nào cũng lỗ, nợ, lo, lỉnh...

Chính gã tài xế thú nhận dạo đó chở mía lên bán cho NM đường, nhận lại không phải là tiền công đếm được sột soạt giấy polyme mà là... đường mới chết chứ. Trời đất, bán mía để lấy tiền đong gạo, mua dầu, tiền cho con đi học chứ ai đời đổi mía lấy đường. Nhưng câu chuyện ấy không chỉ ứng vào Sơn Dương, NM đường nào từ Bắc chí Nam đầu những năm 2000 đều lỗ, có NM đóng cửa, có NM dỡ ra chuyển lên xe dời một mạch vào mũi cực Nam định cư. Các NM đường đều mắc một căn bệnh giống nhau: Xây NM xong thì không đủ mía chạy, lúc đủ mía thì giá đường thấp nên càng chạy càng lỗ, khi giá đường lên thì dân chán NM vả lại họ cũng hết hơi nên không còn tiền trồng mía. Sơn Dương khác, dù lỗ cũng buộc bụng mua hết mía cho dân. Ông Vân nói, dân Tuyên Quang "cách mạng" lắm, không mua mía họ kéo đến giật đổ cổng NM chứ chẳng đùa.

Kiên trì theo đuổi cây mía, bắt tay nông dân nhiều năm đến nay NM Đường Sơn Dương đã có 3.900 ha mía- một cố gắng phi thường. Cây mía đã đẩy được cây sắn vốn phá đất dữ dội ra khỏi một số vùng. Tuy nhiên Tuyên Quang chỉ có mấy huyện trồng được mía - Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Nà Hang... mà có tới 2 NM đường chồng lấn lên nhau. Ít mía chạy nên NM Đường của Cty Phát triển công nghiệp Tuyên Quang hoạt động èo uột, vừa qua tỉnh đã bán lại cho NM Đường Sơn Dương, với giá 32,7 tỷ đồng.

Ông Bùi Hưng Thịnh, GĐ Cty CP Mía đường Sơn Dương - người trẻ tuổi kế nhiệm ông Vân cho biết: Giờ tổng công suất 2 NM đạt 4.000 tấn mía/ngày và dự kiến đến năm 2017 nâng lên 5.500 tấn/ngày. Từng chứng kiến cây mía Tuyên Quang lội qua nhiều thăng trầm, ông Thịnh hy vọng khi 2 NM về cùng một nhà, chính sách cho cây mía thống nhất, tỉnh lại quy hoạch vùng nguyên liệu rõ ràng, NM và người nông dân có hợp đồng mua bán mía nguyên liệu thì không có cớ gì diện tích mía không tăng. Chuyển NM đường mua lại từ TX Tuyên Quang vào đúng đất mía Hàm Yên, năm nay Cty đặt ra chỉ tiêu: 4.300 ha mía cho NM Đường Sơn Dương, 1.500 ha mía cho NM mới, một khi NM mới chua xong Cty sẽ chở mía từ Hàm Yên, Nà Hang vượt hơn trăm cây số về NM Đường Sơn Dương ép, chưa hết Cty còn với sang mua gần 400 ha mía ở Phú Thọ vốn lâu nay NM Đường Tuyên Quang cũ vẫn mua.

Cả một chiến lược tăng tốc cho NM mới, cho những vùng nguyên liệu mới. Chưa bao giờ cây mía có giá như lúc này. Xã Hào Phú, huyện Sơn Dương có 700 hộ trồng mía, với tổng diện tích 160 ha. Ông Chủ tịch UBND xã Hào Phú cho biết xã này chủ yếu đất đồi núi dốc, trước bà con loay hoay tìm đủ các loại cây trồng nhưng không cây nào trụ lại được. Nhưng từ khi cây mía được đưa vào năm 1995 trồng được trên đất đồi dốc, khả năng chịu hạn tốt nên nó lập tức trở thành cây trồng chính của địa phương; với tổng sản lượng gần 7.050 tấn/năm, doanh thu gần 5 tỷ đồng. Đồi núi bỏ hoang giờ đã đẻ ra tiền. Nếu năm 2005 Hào Phú còn 270 hộ nghèo, đến nay chỉ còn 115 hộ. Tất cả nhờ cây mía mà có.

Để đủ mía, năm ngoái NM Đường Sơn Dương rải ra khắp các sườn đồi huyện này 56 tỷ, và vụ tới là gần trăm tỷ. Đó là tiền cho dân vay làm đất trồng mía trên dưới 3 triệu mỗi hecta, rồi tiền giống mía ứng cho dân trồng mới hoặc thay gốc, tiền phân bón đưa về cho dân bón mía... Không có những "lực đẩy" đó họ không trồng mía, hoặc trồng qua quýt, có đầu tư trả chậm cây mía mới vững vàng, sợi dây giữa nông dân với NM mới bền chặt. Vị PGĐ nông vụ NM cho biết, tiền ấy các anh đi vay 1.25%/tháng rồi về cho dân vay 1%, đành chịu thiệt. Có vị lãnh đạo cấp cao của ngành NN- PTNT đã từng nói, mía là cây công nghiệp chiến lược chính ở chỗ đó - mía đến đâu trường học, đường giao thông, văn minh hiện lên đến đó. Cây mía quan trọng đâu kém cây cao su, cà phê...nhưng chính sách cho nó, nhìn nhận vai trò của nó thì ít người thấy và hiểu.

+Theo thống kê, riêng huyện Sơn Dương có trên 10 nghìn hộ trồng mía, với diện tích trên 4.000 ha, tổng sản lượng đạt trên 180 nghìn tấn. Mỗi năm người trồng mía huyện Sơn Dương đạt khoảng 126 tỷ đồng.  

 + Mỗi hecta đất đang trồng cây lâu năm nay chuyển sang trồng mía ổn định lâu dài với Cty từ 3 năm trở lên được hỗ trợ 2,5 triệu đồng; ứng trước vốn đầu tư chăm sóc mía 18 triệu đồng/ha trồng mới, trồng lại; 10 triệu đồng/ha chăm sóc mía lưu gốc; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban chỉ đạo mía các huyện 300 đồng/tấn mía và 3.000 đồng/tấn cho Ban chỉ đạo mía của các xã, thôn...

+ Để đảm bảo nguyên liệu cho 2 NM, Cty CP Mía đường Sơn Dương đang mở rộng quy hoạch vùng mía trình tỉnh Tuyên Quang phê duyệt. Theo đó, dự kiến đến năm 2015, có trên 50 nghìn hộ trồng mía, với tổng diện tích mía đạt khoảng gần 13 nghìn ha.

Sơn Dương là quê hương cách mạng nhưng nghèo. Trước khi NM đường mọc lên với cái ống khói cao nhất huyện nhả luồng khói CNH- HĐH vào vùng đất này, thì biểu tượng công nghiệp chế biến của Sơn Dương chưa có gì. Đường và ngành công nghiệp sau đường đã làm thay đổi Sơn Dương. Nhưng Cty CP Mía đường Sơn Dương như con voi to nặng vẫn đang bị những con kiến bé nhỏ dai dẳng cắn đốt. 162 lò đường thủ công ngày đêm đỏ lửa công suất ép chẳng thua kém NM Đường Sơn Dương nhưng 20 cân mía mới ép được 1 cân mật, trong khi NM ép 10 mía được 1 đường. Oái oăm ở chỗ giá 1 cân mật không hơn 1 cân đường. Vừa ép vừa phí phạm mía lại chẳng đầu tư cho dân trồng mía, các lò mật vốn đầy rẫy trong đồng bào vùng cao Tuyên Quang, Cao Bằng, Sơn La... đang giáng những cú đấm mạnh vào ngành công nghiệp đường chính quy, và làm nản lòng họ.

Trên đường từ NM trở ra tôi và anh bạn báo tỉnh ghé vào một ngôi nhà 2 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi. Chủ nhân của nó là ông Bùi Xuân Cẩn, thôn Phú Đa (xã Hào Phú) là người trồng mía nhiều nhất nhì xã với 7,6 ha mía, mỗi năm thu gần 335 tấn mía, với giá mía 700 nghìn đồng/tấn (giá mía mua xô tại ruộng vụ 2009-2010), ông thu hơn 234 triệu đồng, trừ chi phí mỗi năm ông bỏ túi hơn 100 triệu. Càng gần Tết giá mía càng lên, năm nay có lúc NM Đường Sơn Dương mua xô chín nhăm tại ruộng. Với giá ấy không cây gì ở Sơn Dương ngon ăn như cây mía.

Mấy người dân đang mải mê chặt mía dưới rộng kịp bán cho NM lấy tiền tiêu Tết cho biết, tiền bán mía là khoản lớn nhất họ có. Chính vì thế nhà nào cũng đòi chặt mía trước Tết gây quá tải. "Những ai ra Giêng mới chặt mía, NM vẫn ứng trước tiền cho bà con ăn Tết. Bà con yên tâm", trước khi chia tay tôi anh Thịnh "chốt lại" như vậy. 

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất