| Hotline: 0983.970.780

Sống nửa phận người

Thứ Ba 06/12/2011 , 10:59 (GMT+7)

Giữa đại ngàn A Lưới (TT- Huế) có những nỗi đau lặng thầm của những người tâm thần bị “biệt giam” với thế giới bên ngoài.

Giữa đại ngàn A Lưới (TT- Huế) có những nỗi đau lặng thầm của những người tâm thần bị “biệt giam” với thế giới bên ngoài.

Cô độc trong nhà mình

Đi dọc đường mòn Hồ Chí Minh trong cái lạnh đầu đông cắt da cắt thịt, rẽ vào đường nhánh, qua những con dốc ngoằn ngoèo, chúng tôi tìm đến nhà chị Hồ Thị Thiệp (SN 1977, thôn 1, xã Hồng Kim). Căn nhà gỗ ba gian của chị Thiệp nằm cạnh vách núi, nơi chỉ cần vài bước chân là có thể bước vào rừng sâu. Bà Hồ Thị Chức (SN 1938), mẹ chị Thiệp, cho biết: "Con Thiệp nó bị bệnh đã gần 10 năm nay, trong nhà đã thuốc thang cho nó khắp nơi mọi chốn mà vẫn không khỏi. Trước đây, nó ở trong căn nhà gỗ này, nhưng nó phá cửa nó đi lang thang trong rừng, trộm gà và đánh cả người, nên gia đình miềng xây cho nó cái phòng cho nó ở".  

Chị Hồ Thị Thiệp bị “biệt giam” nơi căn phòng chỉ chừng 4m2, ẩm thấp

Theo hướng chỉ tay của bà Chức, chúng tôi ra chỗ chị Thiệp bị “biệt giam”, căn phòng chừng 4m2 xộc lên mùi xú uế. Trong căn phòng, chỉ có độc nhất chiếc áo cũ, nhàu nát nằm cạnh đống phân lẫn nước tiểu. Nơi tiếp xúc với chị Thiệp duy nhất là lỗ thông gió, cũng là nơi để thức ăn và vòi nước khi dọn dẹp căn phòng. Bà Chức kể, trước đây, Thiệp là đứa con gái khá xinh, lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác. Năm 2002, Thiệp xin đi làm công nhân ở Sài Gòn, năm 2003, nó về nhà phát bệnh, lúc thì lặng thinh không nói gì, lúc thì gào thét, cắn xé rất dữ tợn.

Hàng ngày, các thành viên trong nhà người thì lên nương rẫy, người thì phải ở nhà trông chừng Thiệp. Có hôm, vì sơ suất nên Thiệp cạy cửa đi mất. Cả nhà nháo nhác đi tìm khắp nơi trong bản làng, trong rừng sâu mà chẳng thấy. Bận đó, tưởng Thiệp đã chết rồi, gia đình định làm “mộ gió” để có nơi thờ cúng cho Thiệp. Bẵng đi tháng sau, một người hàng xóm của bà Chức đi rừng lấy củi thấy Thiệp đang lang thang trong bộ quần áo rách bươm như xơ mướp. Thiệp vừa đi vừa vặt lấy lá rừng cắn liên hồi. Người hàng xóm tốt bụng mang Thiệp về lại giao cho gia đình.

Do lang thang lâu ngày trong rừng, không được vệ sinh, cơ thể của Thiệp nhiều chỗ bị mưng mủ, lở loét. Kể từ đó đến nay, gia đình bà Chức phải xây căn phòng kiên cố để “biệt giam” Thiệp. Trong căn phòng chật chội, ẩm thấp xộc lên mùi hôi đến khó thở, Thiệp ngồi co ro, hai mắt nhắm nghiền. Thoáng thấy người lạ, đôi mắt Thiệp trừng trừng, miệng nghiến răng ken két.

Đến giờ trưa, bà Chức mang bát cơm độn sắn ra cho Thiệp. Vừa đưa cánh tay vào, Thiệp chộp lấy tô, lấy tay vốc cơm ăn một cách ngấu nghiến. Nhìn con, bà Thiệp xót xa: "Trong nhà chạy chữa cho nó đủ rồi, nó điên theo “mùa”, mùa nắng thì đỡ hơn, chứ mùa mưa lạnh là nó đòi trốn ra ngoài để đi, có khi còn vô cớ đánh người. Nhiều bữa miềng mang cơm cho nó, nó giật lấy, đổ ra nền nhà mà ăn. Nó muốn ăn thịt nhưng gia đình miềng không lấy đâu ra tiền mà mua".

Bà Chức có 5 người con thì đã có 2 đứa bị bệnh tâm thần. Chị gái Thiệp là Hồ Thị Thụ bị bệnh nhẹ hơn nên đã đi lấy chồng. Gần 10 năm qua, khi con gái bị “biệt giam” một tay bà Chức chăm sóc, bón cho con từng bữa ăn, canh chừng cho con từng giấc ngủ. Nhiều lúc mở cửa phòng mang thức ăn cho con, bà Chức bị Thiệp tấn công, may nhờ những hàng xóm can thiệp kịp thời mới “cứu” được bà.

“Miềng thương con gái lắm, miềng muốn nó được đi học, có chồng con, nhưng cái số nó bị con bệnh nó hành hạ, mình nhốt con lại cái bụng cũng buồn lắm, nhưng miềng không biết làm sao cả”- bà Chức trải lòng.

Rời căn nhà bà Chức, chúng tôi đến thôn 3, xã Hồng Kim, nơi chị Kăn Bun, một bệnh nhân tâm thần cũng đang bị “biệt giam” ngay tại nhà. Chị Bun có 4 người con, 2 đứa phải bỏ học, đi làm kiếm tiền để nuôi mẹ. Chị Lê A Thết, em gái Kăn Bun, cho biết: “Gia đình vừa chạy tiền cho chị Bun đi bệnh viện lấy thuốc. Cách đây vài tháng, chị uống thuốc có đỡ bệnh nhưng thời gian gần đây lại phát bệnh trở lại. Hàng ngày chị Bun đi lang thang trên đường, gào thét, ai cho gì thì ăn nấy. Sợ chị ấy đi mất nên gia đình phải nhốt chị lại sau nhà bếp".

Nghe câu chuyện về cuộc đời chị Kăn Bun thật xót xa. Chị lớn lên, lấy chồng sinh con như bao người phụ nữ khác. Một ngày chồng chị vác a - tít (gùi lớn) bảo là lên rẫy, nhưng đi mãi không về. Người nhà Kăn Bun bảo chồng chị bỏ đi theo người đàn bà khác. Kăn Bun cũng biết, từ đó chị lặng lẽ sống trong đau khổ, hàng ngày một mình ngồi khóc trong căn bếp nhuốm màu tro đen, miệng lẩm bẩm, đôi mắt ném ánh nhìn hoang dại như oán hờn, trách móc.

Từ ngày bị chồng bỏ, Kăn Bun bỗng hóa điên

Dẫn chúng tôi ra căn bếp ẩm thấp, lé mắt nhìn vào trong, chị Kăn Bun ngồi co ro trong bộ quần áo cũ kỹ. Trong căn bếp, chỉ có 2 con chó là “người bạn” của người đàn bà cô độc. Tôi chợt hỏi giữa trời đông giá rét cắt da thịt, chỉ với bộ quần áo phong phanh, làm sao chị chịu đựng nổi. Đến giờ ăn, em Hồ Văn Bách, con trai đầu chị Kăn Bun, mang cơm vào. Nói là cơm chứ toàn sắn độn. Lấy muôi vét phần cơm ít ỏi cho mẹ, Bách nói buồn buồn: “Hàng ngày em lên rừng kiếm củi về đổi lấy gạo nuôi mẹ. Trời nắng thì được, chứ mưa lạnh không đi nổi. Từ trước đến nay nhờ dì Thết phụ nuôi thêm. Hai đứa em của em cũng sắp bỏ học vì không có tiền. Em muốn chúng đi học vì em cũng phải bỏ học khi mẹ ốm rồi".

Nhìn thấy cơm, Kăn Bun vồ lấy ăn một cách ngon lành. Trong căn bếp, chỉ có một chút ánh sáng nhờ nhờ, bóng hai mẹ con lặng lẽ đổ lên nhau. Nhìn ra giữa khoảng sân, mưa vẫn rậm rịch, báo hiệu mùa đông dài đầy khó nhọc…

Nỗi đau còn dài

Có lẽ dấu vết chiến tranh đã cuốn theo những cơn mưa rừng nơi đại ngàn A Lưới, nhưng ở đâu đó trong bản làng nơi vùng đất mang nhiều vết thương này, nó vẫn hiển hiện trong nỗi đau của những người dân, trên từng thửa đất bị nhiễm chất độc hóa học.

Những người bị tâm thần ở A Lưới, đa số thuộc hộ nghèo, gia đình khó khăn. Cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số xưa nay dựa vào nương rẫy, thu nhập bấp bênh nên điều kiện chăm sóc cho những người bị bệnh tâm thần không đảm bảo.

Bà Hồ Thị Môn, Chủ tịch UBND xã Hồng Kim, cho biết: “Toàn xã Hồng Kim có 61 đối tượng nằm trong diện được nhận trợ cấp xã hội, trong đó có 13 người bị bệnh tâm thần. Thực tế, số người bị tâm thần trên địa bàn xã nhiều hơn con số 13 nhưng do những trường hợp này không có hồ sơ xác nhận hoặc gia đình không khai báo. Mỗi bệnh nhân tâm thần được trợ cấp 270.000 đồng/tháng, số tiền này không đủ tiền ăn, chưa nói gì đến tiền thuốc thang đau ốm và nuôi con cái ăn học. Hiện, số bệnh nhân tâm thần của xã khá nhiều so với các địa phương khác của huyện A Lưới".

Theo thống kê, trên địa bàn huyện A Lưới có khoảng 250 người bị bệnh tâm thần. Tuy nhiên, chỉ có 76 người được hưởng trợ cấp xã hội. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Minh, Phòng LĐTB&XH huyện A Lưới, cho hay: “Nguyên nhân có nhiều bệnh nhân tâm thần nhưng rất ít đối tượng được hưởng trợ cấp là do số người này bị bệnh tâm thần nhẹ, gia đình không khai báo, không có hồ sơ yêu cầu khám".

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.