| Hotline: 0983.970.780

Tết làng, những niềm vui bình dị

Thứ Sáu 11/02/2011 , 10:14 (GMT+7)

Không gì vui bằng chuyện đón Tết ở một làng quê được mùa. Tuy chưa Tết mà đã vui như…Tết.

Không gì vui bằng chuyện đón Tết ở một làng quê được mùa. Tuy chưa Tết mà đã vui như…Tết.

Sau phiên chợ Gồ (một chợ lớn ở xã Yên Sơn huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) cuối cùng của mỗi năm vào sáng ngày hăm bẩy tháng Chạp, vào buổi chiều hăm bẩy trở đi, tôi có cái thú được la cà trong làng để xem bà con chuẩn bị Tết. Ghé qua nhà Quyến, chủ một hiệu chữa xe máy, rửa xe, thấy vợ và hai đứa con hắn đang tíu tít gói bánh chưng, tôi rẽ vào:

- Sao gói bánh sớm thế? Quyến đâu?

- Còn đang tối mắt ở hiệu ấy, bác ạ. Đêm qua với sáng nay trời mưa phùn, xe bẩn nhiều, người ta ùn ùn mang đến rửa, sáng đến giờ nhà cháu không được ngơi tay, trưa chỉ nhảo về ăn vội vực cơm lại ra ngay…

- Thế thì tốt quá còn gì. Giá ngày nào trời cũng mưa…

- Cháu phải gói bánh sớm, đêm nay luộc để từ ngày mai đến chiều ba mươi là cả ba mẹ con cũng phải ra hiệu để phụ cho chồng cháu. Ngày Tết, ai cũng muốn có cái xe sạch sẽ để mà đi chơi, đi chúc Tết. Năm ngoái, bẩy giờ chiều ba mươi vẫn còn khách dắt xe đến. Hơn tám giờ mới đóng cửa hiệu được. Cháu phải về trước làm cỗ cúng tất niên…

Sang nhà Quảng, thấy hắn đang ngồi vêu uống nước, tôi rất ngạc nhiên. Quảng là chủ một cửa hàng bách hóa lớn nhất làng, bán từ kim chỉ đến bia rượu, xăng dầu…Hàng bán khá chạy nhưng mà nợ đọng cũng nhiều. Có năm, Quảng cho biết lúc nào tiền dân làng nợ tổng cộng cũng tới vài trăm triệu. Mọi năm, bằng giờ ghé vào nhà hắn, đố gặp ai ở nhà. Trừ một người đứng bán ngoài cửa hàng, còn thì tất cả phải chia nhau đi thu nợ, có năm đến sẩm tối ba mươi nhà hắn vẫn vắng teo, cứ như là chẳng liên hệ gì đến Tết nhất vậy. Sao năm nay lại có sự nhàn rỗi thế này. Thấy tôi, Quảng vồn vã mời vào, bóc thuốc rót nước. Và chừng như đoán được vẻ ngạc nhiên của tôi, hắn cười tươi rói:

- Năm nay nhà em nhàn lắm bác ạ. Làm ăn được nên đến giờ bà con đã mang tiền đến quán trả nợ gần hết rồi, chỉ còn đọng vài chục triệu, mình nhà em nó đi thu cũng xong.

Thì ra vậy. Làng Sơn Thủy (Hoài Đức, Hà Nội) nơi tôi ngụ cư, từ mấy năm nay đã trở thành một làng chuyên về cam Canh, bưởi Diễn và phật thủ, nhà ít vài ba sào, nhà nhiều tới cả héc ta. Năm nay cả ba thứ cây đều được mùa. Tuy đợt rét kéo dài trước Tết có làm sức tiêu thụ cam, bưởi giảm đi, nhưng trái bưởi Diễn loại đẹp bán ngay tại vườn cũng được hai chục ngàn, còn mang ra Hà Nội thì hăm nhăm, ba mươi ngàn. Được giá nhất là phật thủ. Có trái phật thủ đã bán được tới 700 ngàn, thường thường là hai trăm, ba trăm ngàn, xấu xí nhất cũng có giá năm chục ngàn mỗi trái. Tổng kết lại, một sào cam hay sào bưởi cũng cho thu nhập cao gấp vài chục lần một sào lúa. Có nhà chỉ năm sào phật thủ mà thu nhập tới nửa tỷ đồng.

Ngoài trồng cam, trồng bưởi, trồng phật thủ, thì đến 80% dân làng tham gia buôn bán hoa quả. Có những “đại gia” như anh Tu, chồng lặn lội có đợt hàng mấy tháng ở trong Nam “đánh” hoa quả gửi máy bay về Hà Nội, vợ đón ở chợ Long Biên, nhận hàng phân phối cho các đầu mối xong lại về làng hoặc xuống tận Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam… cắt hoa trái tại các vườn, đóng hàng gửi vào trong Nam cho chồng phân phối. Mùa vải, mùa nhãn thì Tu ra Bắc, lên Lục Ngạn đóng vải vào công - ten - nơ gửi vào Nam cho các đầu mối ở đó tiêu thụ. Tuần trước gặp tôi, Thuần, vợ Tu, bảo:

- Chẵn mười ngày nay em không được ngủ. Cứ trắng đêm ở chợ Long Biên, sáng lại đi lấy hàng ngay. Chiều đánh được hàng lên Nội Bài, làm thủ tục gửi vào trong ấy cho nhà em xong lại quay về Long Biên…

Nhưng những “đại gia” như Tu không nhiều, còn lại đa số là các bà, các chị với “quầy hàng” hoa quả chất gọn trên chiếc xe máy. Chiều đi gom hàng, sáng lại phóng ra Thủ đô, một ngày như vậy trừ xăng dầu, ăn uống đi cũng được vài trăm ngàn bỏ túi. Không gì vui bằng chuyện đón Tết ở một làng quê được mùa. Tuy chưa Tết mà không khí đã vui như…Tết, những niềm vui thật bình dị, đầm ấm, một không khí thật yên bình, một tình làng nghĩa xóm thật đầy đặn. Tuy ai cũng quay như chong chóng những ngày giáp Tết, và cái Tết thường chỉ được chuẩn bị một cách sấp ngửa vào sáng hoặc chiều ba mươi. Nhưng mà cần gì. Vất vả, lăn lộn nhưng mà kiếm ra tiền thì vất vả thế, lăn lộn thế chứ vất vả nữa, lăn lộn nữa cũng vẫn cứ ham. Mọi thứ cho Tết, chỉ một loáng là sắm xong khi trong túi đã sẵn đồng tiền.

 Nghèo nhất làng như chị Dần sát nhà tôi, chồng ốm đau liên miên, con cái chưa đứa nào trưởng thành, quanh năm chỉ một gánh hàng chuối đi các chợ nuôi cả nhà, nhưng Tết này cũng ăn to hơn mọi năm, vì thằng lớn đi đánh cam cảnh thuê, cắt cam thuê cho những người có vườn cũng mang về cho bố mẹ được hơn bốn triệu. Còn gánh hàng chuối của chị cũng kiếm khá bởi trước Tết vài tháng chị đã đi mua chuối non tại vườn, giá chỉ năm sáu trăm đồng một quả. Những ngày áp Tết, nải chuối già đẹp ba chục quả đã có giá chín chục ngàn đồng. Chỉ vào đôi gà trống mào cờ đỏ rực, mỗi con ước đến hơn ba cân, chị hớn hở:

- Một con cúng tất niên, còn một con để giao thừa cúng trời đất. Cầu trời khấn phật cho năm nào cũng được như năm nay…

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm