| Hotline: 0983.970.780

Thất vọng Dự án kè sông Hồng chưa bàn giao đã sụt, nứt

Thứ Ba 30/01/2018 , 13:05 (GMT+7)

Báo NNVN liên tục nhận được đơn tố cáo của người dân liên quan đến dự án xử lý cấp bách chống sạt lở bờ hữu sông Hồng tại vị trí K26+00 - K26+600 đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Cam Thượng thi công ẩu, không đảm bảo chất lượng.

Dự án do UBND huyện Ba Vì (Hà Nội) làm chủ đầu tư.

06-54-18_ke-song-hong1
06-54-18_ke-song-hong2
Dầm kè vừa đổ bê tông được 3 ngày đã xuất hiện một số vị trí bị nứt hoang hoác

Được biết, dự án trên là công trình thủy lợi cấp III, cụ thể: Xây dựng tuyến kè bảo vệ chống sạt lở bờ bờ hữu sông Hồng từ K26+00 đến K26+600 dài 600m. Đỉnh kè bố trí đường dạo kết hợp làm đường giao thông rộng 3m; mái kè kết cấu từ trên xuống sử dụng đá hộc lát khan trong các ô tạo bởi khung bê tông cốt thép.

Một số vị trí địa chất yếu, mái kè đắp nhiều để đảm bảo tính ổn định của kè, trong quá trình đắp áp trúc đất mái kè kết hợp xử lý nền đất bằng hình thức gia cố bằng vải địa kỹ thuật. Trên mái kè bố trí bậc thang lên xuống có bề rộng từ 4 đến 5m tại các vị trí thuận lợi cho sinh hoạt của người dân; bố trí các rãnh ngang tiêu nước mái kè với mật độ khoảng 50m bố trí 1 rãnh ngang tiêu nước. Chân kè kết cấu bằng rọ đá, phía trong cơ kè là dầm bố trí dọc theo tuyến kè kết cấu bê tông cốt thép…

Qua tính toán, tổng mức đầu tư của dự án gần 19,9 tỷ đồng, trong đó: Chi phí xây dựng hơn 14,7 tỷ đồng, quản lý dự án hơn 394 triệu đồng, tư vấn đầu tư xây dựng gần 1,4 tỷ đồng, chi phí khác hơn 1 tỷ đồng, hỗ trợ giải phóng mặt bằng gần 1,4 tỷ đồng, dự phòng 943 triệu đồng.

Toàn bộ nguồn vốn này từ ngân sách thành phố hỗ trợ; thời gian thực hiện trong năm 2017. Dự án được Sở NN-PTNT TP Hà Nội xem xét, thẩm định và triển khai trong năm 2017 phục vụ công tác phòng chống thiên tai.

06-54-18_ke-song-hong3
Cấp phối cho mái kè và đỉnh kè (làm đường dân sinh rộng 3m) bằng đất đen

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân xã Cam Thượng, quá trình thi công công trình, đơn vị thi công đã làm ẩu và không đảm bảo chất lượng. Cụ thể, theo ông Trịnh Minh Tám (thôn Thịnh Thôn, xã Cam Thượng), bờ vực sông Hồng đoạn từ Km26+00 đến km26+600 sâu khoảng 6-7m. Trước khi làm, đơn vị thi công nói rằng tất cả các loại đất đen và rác bẩn sẽ được múc bỏ đi chỗ khác và thay thế bằng đất đỏ rồi mới làm.

"Nhưng chúng tôi thấy họ không chuyển đi một tí đất đen nào, cứ cào chỗ nọ đắp chỗ kia. Thậm chí rác rưởi vẫn ở dưới, phía trên lấp đất đen lên. Tôi không hiểu về kỹ thuật, nhưng làm như vậy là không đảm bảo. Thậm chí, có đoạn kè đã bị rịa. Trong khi đó, con nước đang thúc sang bờ hữu, tôi e rằng khi đơn vị thi công rút đi thì bờ kè sẽ trôi xuống sông tất cả", ông Tám nói.

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 26/1, dưới tác động của ngoại lực từ phía trong bờ đẩy ra phía sông, dầm bố dọc theo chân kè cấu tạo bằng bê tông cốt thép được đổ khá nông (50 – 60cm) đã bị nứt ở một số vị trí. Vết nứt há rộng 1 – 2cm và không đảm bảo tính bền vững.

Điểm bờ sông trước cổng nhà bà Kiều Thị Quang, 60 tuổi, thôn Thịnh Thôn bị sạt lở nhiều nhất. Bởi vậy, cần phải đắp áp trúc và gia cố mái kè. Tuy nhiên, theo phản ánh của bà Quang, thay vì chuyển đất đỏ từ nơi khác để đắp áp trúc, đơn vị thi công lấy luôn đất bùn đen lẫn rác rưởi tại chỗ rồi đổ xuống. Đất bùn đen không có độ kết dính, cứ mưa là xói lở xuống dưới.

06-54-18_ke-song-hong4
Một vị trí dầm kè đang được thi công

Ông Lê Văn Hồng, người chứng kiến rất kỹ quá trình thi công dự án kè chống sạt lở bờ hữu sông Hồng bức xúc: Một đoạn kè dài khoảng 50m đã bị xệ cả rọ đá và dầm ra phía ngoài sông, lệch tới 40 – 50 cm so với vị trí ban đầu rồi. Nguyên nhân là do chất đất bờ sông Hồng là đất phù sa. Trong quá trình thi công không được cấp phối bằng đất đỏ và lu lèn mái đê.

Hơn thế, nền kè chỉ được nén bằng cọc tre rất nông và sơ sài. Bởi vậy, khi thi công chân kè, dưới tác động trọng lực của các phương tiện cơ giới phía trên, đất phù sa bị xệ xuống, đẩy các rọ đá và rầm bố dịch chuyển.

Không những thế, theo phản ánh của người dân, rọ đá chân kè được làm bằng lưới thép khá nhỏ và yếu. Thay vì dùng tay xếp đá hộc thủ công để đảm bảo độ khít, đơn vị thi công dùng máy múc để múc đá hộc xuống các rọ đá để đảm bảo tiến độ. Bởi vậy, bên trong các rọ đá rất rỗng, nhiều có chỗ đút lọt cả 3-4 viên gạch nung.

06-54-18_ke-song-hong5
Người dân chỉ cho PV một đoạn dầm kè đang bị xệ và đẩy lệch ra sông so với vị trí ban đầu khoảng 40 – 50m
Để tìm hiểu thông tin, PV NNVN tìm đến UBND huyện Ba Vì để liên hệ phỏng vấn. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện đang bận việc, không thể sắp xếp thời gian để trả lời. Trong khi đó, những cán bộ của Phòng Kinh tế Ba Vì, hiện đang được phân công đảm trách dự án kè chống sạt lở bờ sông Hồng cũng đang bận dẫn đoàn đoàn công tác của Phòng An ninh kinh tế, CA thành phố đi kiểm tra điểm kè mà Báo NNVN đang tìm hiểu.

 

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.