| Hotline: 0983.970.780

Thuyền cũ, hai người, nhưng đừng cho nó bục, nó chìm, nhá

Thứ Sáu 07/10/2016 , 06:47 (GMT+7)

Tôi tủi thân, thấy mình như kẻ dư thừa trong mắt chồng và con. Nhiều lúc tôi khóc thầm và khóc trong đêm. Rồi tôi khóc công khai, khóc với con trai con gái.

Chị kính mến!

Ngày xưa tôi và chồng là một đôi đáng mơ ước trong mắt bạn bè. Chồng hào hoa, thông minh, giỏi giang. Tôi thông minh không kém và hát hay, duyên chuyện.

Thời bao cấp khốn khổ, chỗ được phân phối chỉ có 6 mét vuông mà vợ chồng và hai đứa con thu xếp được hết, trong hạnh phúc mỗi ngày. Thời ồ ạt tự cứu trước khi trời cứu, chúng tôi cũng mua được đất ven thành, làm nhà cấp bốn, đổi đời. Từ thị xã lên thành phố, họ mở rộng mãi nên chúng tôi là cư dân quận và đập nhà, xây biệt thự. Một trang khác mở ra.

Nhưng cũng từ đó vợ chồng chúng tôi không còn như xưa. Bây giờ mở miệng là tôi nhắc ngày xưa còn anh ấy thì “vứt mẹ cái ngày xưa của cô đi”. Không phải vì anh ấy thay lòng đổi dạ nhưng vì nhà có ô-sin, chúng tôi không làm gì cả, chồng một smartphone, vợ iPad, các cháu nội thì đã ở riêng với bố mẹ nó, vợ chồng già không còn gì chung nhau nữa.

Chị xem, ăn không cầu kỳ, tôi vào bếp làm chi, khi có bạn bè thì đặt món hoặc anh ấy đích thân làm bếp. Tôi thấy mình không giỏi bếp nên nhường chồng, mãi anh ấy lấn lướt cho rằng tôi không còn ích lợi gì.

Tôi tủi thân, thấy mình như kẻ dư thừa trong mắt chồng và con. Nhiều lúc tôi khóc thầm và khóc trong đêm. Rồi tôi khóc công khai, khóc với con trai con gái. Chúng nó chỉ cười lớn, nói mẹ làm to chuyện, mẹ già lẩm cẩm thật rồi, tôi càng khóc chúng càng cười.

Làm sao như ngày xưa được, đói kém mà nhịp nhàng với nhau, nay nhà cao cửa rộng kẻ hầu người hạ mà chồng vợ bời rời như cơm nếp mắc mưa. Tôi phải làm sao đây chị?

------------------

Chị thân mến!

“Bao giờ cho đến ngày xưa” là câu cửa miệng của những người hay than vãn không chỉ chuyện gia đình. Ngày xưa yêu dấu, ngày xưa thiêng liêng, ngày xưa thương nhớ. Ngày xưa tình người, ngày xưa thực phẩm sạch, ngày xưa nhường nhịn, ngày xưa trong sáng…

Vợ chồng cũng vậy chị ơi. Ngày xưa trăng mật, anh và em đâu cũng tay trong tay, lên cầu thang anh sợ em mệt anh bế lên luôn, lên giường, không khi nào em nằm trên gối mà luôn nằm trên cánh tay anh… Ai cũng thế cả, tuổi thanh xuân tươi đẹp, vợ chồng có nhau hàng đêm và những đứa con thiên thần ra đời, sợi dây bằng vàng lấp lánh trong nếp nhà mà chỉ hai người đó gây dựng và thụ hưởng.

Nhưng ai cũng vậy chị ơi, trẻ thì phải đứng tuổi, hai mươi năm một nhịp đời, thanh niên rồi thì trung niên. Khi ấy vợ chồng lại thi thoảng nằm riêng, bạn bè ở bên ngoài ngôi nhà của mình luôn chực chờ để kéo mình đi bù khú, tâm sự, chia sẻ. Con cái khi ấy cũng vừa nhốm lớn, chúng cũng đã có khoảng trời riêng của chúng. Thế là bữa cơm khi đủ khi vắng và việc của lứa đôi trong căn phòng ngày xưa giờ cũng thưa thớt đi nhiều.

Vèo một cái lục tuần, tôi không biết anh và chị lục tuần chưa. Nhưng chắc chắn là vợ mãn mà chồng cũng mãn. Chồng chưa mãn nhưng vợ mãn thì sao? Thì giường chiếu lạnh, bếp núc chểnh mảng theo, ấy là chưa nói cảnh ăn không ngồi rồi nó buồn chán tận cổ. Ấy là chưa nói, như chị mô tả, ô-sin lo liệu hết, ngay cả chị cũng không biết làm gì cho hết thời giờ.

Bi kịch của người giàu là tiền tiêu không hết, thời gian như nước trôi, lặng lờ, buồn tẻ. Phụ nữ mình gắn bó với cái bếp mà mình đã nhượng quyền lại cho người giúp việc thì chị thụ động thêm. Đừng nên như vậy. Đi chợ, làm bếp là niềm vui, là rèn luyện trí óc và cả rèn luyện tay nghề nữa. Tính xem ăn gì cũng là nghĩ, đi là vận động và nên tiếp khách nhiều nhiều ở nhà cho vui, cho rộn, cho vợ chồng có việc với nhau chị ơi.

Và nên nhớ, phụ nữ phải luôn làm mới mình, khỏe, đẹp và cả diện. Chị có thấy trên phim ảnh hay trong khách du lịch đến nước ta, phụ nữ Tây họ rất nhanh nhẹn và thơm tho, chưng diện không? Và đọc sách, sách giấy để rèn luyện trí tuệ, quyết không cam tâm tụt hậu. Điều nữa, chồng có thích nằm riêng thì mình cũng đừng cho thích, phòng ngủ phải hấp dẫn và ấm áp để nằm với nhau, không còn gì nhưng hơi thở, tiếng nói, âu lo vui buồn của nhau mình còn biết để sẻ chia.

Một con thuyền cũ, hai người, nhưng đừng cho nó bục, nó chìm, nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm