| Hotline: 0983.970.780

Tự trọng và tôn trọng sự thật

Thứ Bảy 14/04/2018 , 15:05 (GMT+7)

Cả đời "Tìm lá diêu bông" trong Nông nghiệp. Đó là câu tự ví một cách dí dỏm của chuyên gia Nông nghiệp Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý NN-PTNT (cơ sở 2 tại TP. HCM). 

07-50-05_vtk
Chuyên gia Nông nghiệp Vũ Trọng Khải

"Nếu hỏi bài học gì tôi rút ra được từ sự nghiệp của cha mình, thì đó là: Tự trọng, Tôn trọng sự thật, tôn trọng mọi người, thấy việc gì có ích thì làm, không lạm dụng trách nhiệm, quyền hạn của mình, không bao giờ làm hại người khác, bất kể họ là ai, cư xử với mình tốt hay xấu", PGS.TS Vũ Trọng Khải chia sẻ về người cha của mình - Luật sư Vũ Trọng Khánh.
 

Trí thức cứ nói

Cả đời "Tìm lá diêu bông" trong Nông nghiệp. Đó là câu tự ví một cách dí dỏm của chuyên gia Nông nghiệp Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý NN-PTNT (cơ sở 2 tại TP. HCM). Câu thơ của Đồng Đức Bốn “Mải mê đuổi một cánh diều/ Củ khoai nướng cả chiều thành than” ông thích và tự ví nó như “vận” vào chính cuộc đời ông.

Tôi biết ông đến nay cũng được gần 10 năm. Mỗi lần ông ra Hà Nội hoặc tôi vào Sài Gòn đều cùng hẹn nhau để nhâm nhi tách cà phê. Nghỉ hưu và tuyên bố “bẻ bút” ở tuổi 70 sau cuốn sách “Phát triển nông nghiệp và nông thôn hiện nay - Những trăn trở và suy ngẫm”. Thế rồi trót đa mang nên vẫn phải đèo bòng. Thỉnh thoảng có nơi đặt viết ngắn những vấn đề thời sự về nông nghiệp, ông lại cặm cụi viết.

Tính ông vốn thẳng cho nên khối phen lên bờ xuống ruộng. Ông trăn trở khi người nông dân vẫn đang sản xuất tự phát theo hội chứng đám đông, theo tín hiệu thị trường của thương lái, không phải là người tổ chức được chuỗi giá trị ngành hàng từ trang trại đến bàn ăn. Ông mong muốn Nhà nước có chính sách hình thành và phát triển thành hệ thống các doanh nghiệp chế biến, vừa tiêu thụ vừa cung ứng nguồn lực đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, là nhạc trưởng của chuỗi giá trị mặt hàng nông sản...

Đâu như có hôm tôi bâng quơ đùa ông: “Bác thì nhiều người yêu, cũng lắm người ghét. Sao bác vẫn khổ tâm lên diễn đàn nói làm gì. Nghỉ hưu thì cứ lão giả an chi”. Ông thủng thẳng bảo: “Trí thức cứ nói. Có ai nghe mình không mới quan trọng...”.

Điều ông quan tâm nhất vẫn là vấn đề sở hữu đất đai. “Người dân, trước hết là nông dân, phải có quyền sở hữu đất đai. Chí ít là quyền sử dụng đất theo luật hiện hành phải là quyền tài sản, là hàng hóa được mua bán theo cơ chế thị trường. Cần bỏ ngay khái niệm thu hồi đất, đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng theo giá Nhà nước quy định. Đất dùng cho công hữu, an ninh quốc phòng nếu cần phải trưng mua theo giá thị trường. Đó là điều tối thiểu và căn bản để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng”, PGS.TS Vũ Trọng Khải nói.
 

Cha giáo dục tính tự lập

PGS.TS Vũ Trọng Khải là con trai út của Luật sư Vũ Trọng Khánh, người đặt nền móng cho hệ thống tư pháp nói riêng và luật pháp của Việt Nam dân chủ cộng hòa trong 181 ngày ngồi trên ghế Bộ trưởng Bộ Tư pháp Chính phủ Lâm thời (1945 - 1946).

07-50-05_30126359_868735973312731_554615205_o
Ông bà Luật sư Vũ Trọng Khánh (1912 - 1996)

Luật sư Vũ Trọng Khánh giáo dục các con tính tự lập, không dựa vào vị thế của cha. Cậu con trai út từ bé đã sống hòa mình với con cái của những người cấp dưới nơi cha mình đang làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hải Phòng. Khi vào học trường Đại học Kinh tài (1963 - 1967) hay được làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, ông đều tự mình nỗ lực. “Ông cụ luôn tin cậy vào nhà trường và chẳng bao giờ can thiệp vào chuyện học tập của con cái”. Nhìn lại những năm tháng đã đi qua, PGS.TS Vũ Trọng Khải thấy rằng, thành công trong sự nghiệp khoa học hầu như do ông tự nỗ lực và nhạy bén với thực tiễn của bản thân.

Từ cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp (1945) để rồi thành người sáng lập và làm trưởng tiểu ban vận trù học thuộc Ban Khoa học và kỹ thuật TP Hải Phòng (tương đương cấp Trưởng phòng ở Sở) có thể gọi là “phú quý giật lùi”. Đổi lại, nhà trí thức Vũ Trọng Khánh luôn nhận được sự kính trọng và quý mến của người dân Hải Phòng.

Có lẽ khó ai tin nổi một vị luật sư Tây học đã thành danh, không biết nấu cơm, không biết tiêu tiền, nhưng lại biết và phải biết xay bột cho trẻ em để kiếm sống. Những năm trước Đổi mới, hai vợ chồng nhà trí thức ấy thay nhau xay bột, nhiều hôm phải làm đến tận khuya 12 giờ đêm. Khi đất nước Đổi mới, được chút đãi ngộ của Nhà nước tốt hơn thì cựu Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh từ biệt cuộc đời ngày 22/1/1996.

"Nếu hỏi bài học gì tôi rút ra được từ sự nghiệp của ông, thì đó là: Tự trọng, Tôn trọng sự thật, tôn trọng mọi người, thấy việc gì có ích thì làm, không lạm dụng trách nhiệm, quyền hạn của mình, không bao giờ làm hại người khác, bất kể họ là ai, cư xử với mình tốt hay xấu", ông Vũ Trọng Khải chia sẻ.

(Kiến thức gia đình số 15)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm