| Hotline: 0983.970.780

Ưu tư khi lấy chồng xa

Thứ Ba 21/05/2013 , 10:23 (GMT+7)

Thuyền theo lái gái theo chồng. Rồi cháu sẽ thấy chị em gái mỗi người một nơi, mỗi người chỉ còn biết cái gia đình của mình, đó là phận gái, cái số làm con gái. Con gái là con người ta, rể khách dâu con, từ con gái của mình, cô nghiệm ra như vậy.

Ba chị em chúng cháu sinh ra trong một gia đình ở miền Trung đầy nắng gió. Cháu đã 25, em gái nhỏ hơn cháu 2 tuổi và một em trai út nữa. Bố mẹ đã lao động  cật lực và chăm lo cho chúng cháu đến nơi đến chốn. Dẫu nhà cấp 4 lọt thỏm với xung quanh nhà cửa khang trang nhưng chưa bao giờ chúng cháu phải nghe một lời than phiền từ bố mẹ. Ngược lại, không khí trong gia đình mỗi dịp hè, dịp Tết khiến nhiều người xung quanh nể trọng. Chúng cháu đã bước đầu hoàn thành khá tốt tâm nguyện của bố mẹ, 3 chị em đều đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm tương đối ổn định. Chúng cháu chọn miền Nam để lập nghiệp và đang sống gần nhau, bố mẹ thì vẫn ở quê. Cháu đã kết hôn được hơn nửa năm và có môt gia đình nho nhỏ của riêng mình.

Em gái cháu cao ráo, khá xinh, người nó để tâm là T, bạn cùng lớp thời PTTH. Hai nhà cùng thị xã, hoàn cảnh gia đình khá giống nhau nên chúng nó rất thân và đã cùng nhau cố gắng học tập. Lên đại học, T chọn một trường lớn ở phía Bắc, em cháu thì chọn một trường phía Nam nhưng tình cảm vẫn tiến xa và đã gắn bó được 5 năm. Bây giờ, T làm việc ở HN, công việc rất tốt trong thời điểm mà hàng ngàn sinh viên ra trường đang chịu cảnh thất nhiệp. Đó là một chàng trai tốt, chịu khó và có bản lĩnh từ nhỏ. Hồi còn đi học, chúng nó hứa với nhau ra trường sẽ cùng lập nghiệp tại cùng một nơi, đến giờ vẫn chưa làm được. Biết là còn trẻ nhưng em cháu ra Bắc hay T chuyển vào Nam đều có những cái khó riêng.

T là trai một của gia đình, nó muốn ở lại HN để thi thoảng về thăm bố mẹ và đỡ đần phần nào. Em gái cháu đã quen cuộc sống và khí hậu miền Nam, ở HN nó không có bạn bè, không có họ hàng, khí hậu lại khắc nghiệt… Bố mẹ cháu không hoàn toàn ngăn cản nhưng đang phân vân nhiều về vấn đề của em cháu. Cuộc sống gia đình phức tạp lắm chứ không như vẻ bề ngoài của tình yêu trong sáng mà bấy lâu nay, phải bắt đầu lại công việc, thích nghi lại với khí hậu… lỡ khi tình cảm của hai đứa không như mong muốn, em gái cháu sẽ biết dựa vào ai? Nếu T vào được trong này thì xin việc sẽ không quá khó nhưng cũng nghĩ nhiều cho bố mẹ T.

Thời gian gần đây em cháu ưu tư lắm, nó gầy đi nhiều. Tuần vừa rồi, tự nhiên em gái cháu nói với cháu rằng, nó đang sắp xếp lại công việc ở đây, nó sẽ ra Bắc, nó đã quyết định, sẽ không thay đổi nữa, nghĩ nhiều thấy mệt lắm rồi. Thực lòng cháu chưa biết khuyên em cháu nên quyết định như thế nào, cô cho cháu vài ý kiến tham khảo cô nhé.

Giữ kín email giúp cháu

Cháu thân mến!

Một tình yêu học trò hoa phượng, phát triển và bền vững suốt những năm đại học dù em ấy và T ở cách xa, thời buổi này như vậy là hiếm, là đặc biệt. Nhưng đi đến hôn nhân là một giai đoạn nữa, lá thư cho thấy cả hai đều rất thận trọng và nghiêm túc. Nếu mình nghĩ mãi về những khó khăn sau khi cưới như bố mẹ cháu và cháu nghĩ thì chằng ai dám lấy vợ lấy chồng, ngay cả bố mẹ cháu cũng đã nghĩ mọi lẽ khi họ đến với nhau đâu. Đó là bí mật của kết đôi, là sự kỳ diệu của tình yêu và là những ngọn núi mà con người phải leo trèo khi không sợ hôn nhân, hết thử thách này đến thử thách khác.

Đã có một giai đoạn dài làm thay đổi vị trí giữa HN và SG. Thời xưa SG là giấc mơ của bao người, HN nghèo và xập xệ như tỉnh lẻ. Sau 20 năm kinh tế hội nhập, HN đã lấy lại vị trí dẫn đầu, nói về sự giàu thì nó đã nổi bật rồi. Vì vậy mà T mới dễ có việc ngoài đó, không thì cậu ta cũng Nam tiến như bao nhiêu người. Nhưng nếu so sánh thành hai cái cột dọc liệt kê, thì dĩ nhiên SG vẫn nhiều ưu thế hơn, chưa nói thời tiết tuyệt vời của nó. Nhưng, cũng lại là chữ nhưng này, T là con một, là người có hiếu mới được T hôm nay cho em của cháu ký thác cuộc đời mình. Không thể muốn T vào SG vì em của mình đã sẵn ở trong này.

Thuyền theo lái gái theo chồng. Rồi cháu sẽ thấy chị em gái mỗi người một nơi, mỗi người chỉ còn biết cái gia đình của mình, đó là phận gái, cái số làm con gái. Con gái là con người ta, rể khách dâu con, từ con gái của mình, cô nghiệm ra như vậy. Thời gian của người Việt đã làm đậm cái văn hóa truyền thống ấy, không sao khác được. Rồi bố mẹ cháu phải gạt nước mắt tiễn con mình lên đường, gạt nước mắt mỗi khi đặt điện thoại xuống, nếu con nó vẫn ở xa mình. Rồi bố mẹ sẽ có con dâu và con người ta là con mình. Gả con và nó ở ngay trong nhà mình mà vẫn muốn khóc kia mà. Đời nó đã thành, một người đàn bà có đủ vui buồn như mình, sao mà tránh được.

Theo cô, hãy động viên bố mẹ gả em đi và HN hay SG là do chúng nó quyết định. Chỗ làm chỗ ở bây giờ đều có tính tạm thời, biết đâu mai kia sẽ là nước nào đó. Cháu hãy nuốt nước mắt để em nó chân cứng đá mềm. Vả lại HN thủ đô chứ đâu phải về Mèo Vạc hay Lũng Cú mà e sợ, mọi thứ đều có vẻ sáng sủa mà. Chồng nó sẽ yêu tột bậc, nhà chồng sẽ ghi nhận sự hy sinh này, đừng lo.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm