| Hotline: 0983.970.780

Về Đường Lâm nghe chuyện dân gian

Thứ Sáu 03/08/2012 , 09:21 (GMT+7)

Người đời vẫn gọi Đường Lâm là “làng”, kỳ thực, cổ lai chưa từng có một cái làng mang tên Đường Lâm. Thời trước, đây là đất Kẻ Mía, còn ngày nay là xã Đường Lâm.

Người đời vẫn gọi Đường Lâm là “làng”, kỳ thực, cổ lai chưa từng có một cái làng mang tên Đường Lâm. Thời trước, đây là đất Kẻ Mía, còn ngày nay là xã Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội).

Xã Đường Lâm có 9 làng là Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp, Phụ Khang, Văn Miếu, Yên Thịnh I, Hà Tần và Cam Lâm. Đến Đường Lâm, du khách ngay lập tức được đắm mình trong một không gian linh thiêng, bởi đây là quê hương của Đức bà Man Thiện (thân mẫu Hai Bà Trưng), của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, người đã quét sạch nền đô hộ của nhà Đường như quét bụi, của Ngô Vương Quyền, người dìm cả đội quân xâm lược Nam Hán xuống sông Bạch Đằng, và của Thám hoa Giang Văn Minh, người xả thân để tạc vào giữa cung vàng điện ngọc nhà Minh cái biểu tượng sừng sững, vút cao của khí phách Việt: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”.

Những nhân vật ấy, chính sử đều ghi về sự nghiệp của họ. Nhưng chính sử thì đậm đặc chất quan phương, còn những chuyện đời thường của họ trước lúc thành danh, thì chỉ ký ức nhân dân ở nơi “địa linh”, nơi sinh thành của họ, mới lưu giữ được. Rồi cùng với thời gian, những chuyện đời ấy được “thần hóa”, “thiêng hóa” bởi sự tôn sùng của dân gian…


Rặng ruối ngàn tuổi

Theo chỉ dẫn của bà hàng nước ở sân đình làng Mông Phụ, nơi thờ thành hoàng của làng là Sơn Tinh, chúng tôi vượt con đường uốn lượn rất đẹp sang làng Cam Lâm, qua đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đến đồi Hổ Gầm. Bà hàng nước kể rằng chính ở chân đồi này, chàng thanh niên Phùng Hưng đã rình phục và đã “tay bo” với con hổ dữ từng gieo rắc sự tàn hại, chết chóc cho cả vùng. Kết quả là sau một hồi sinh tử, “chúa sơn lâm” đã gục ngã dưới tay chàng trai không tấc sắt.

Cạnh đồi Hổ Gầm là lăng Ngô Vương Quyền, và cạnh lăng là rặng ruối cổ xum xuê. Cây ruối thì làng quê Việt Nam nào chả có. Chúng mọc ven dậu tre, ven những con đường làng và ở những bãi tha ma, thường chỉ cao trên dưới một thước tây và thân chỉ bằng cổ chân người lớn. Nhưng nhìn những cây ruối ở rặng ruối cổ làng Cam Lâm này, không ai là không kinh ngạc.

Rặng ruối có 18 cây, cây to nhất có thân cao trên chục mét, gốc đến ba bốn người ôm, cả rặng ruối như một vành đai xanh ôm lấy làng. Đứng dưới tán những cây ruối cổ sừng sững này, không ai là không cảm nhận được một không khí trầm mặc, linh thiêng như tỏa ra từ những thân đại thụ.

Dân gian kể rằng thời trai trẻ, Ngô Vương Quyền đã luyện võ dưới tán những cây ruối này. Rồi sau khi làm vua, ngài đã tập kết quân lính, tổ chức duyệt binh, tuyên thệ tại bãi đất dưới rặng ruối này trước khi tiến về sông Bạch Đằng bố trí trận thủy chiến nổi tiếng. Rặng ruối chính là nơi ngài đã buộc đàn voi chiến, ngựa chiến.

Theo đánh giá của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, thì rặng ruối này đã có trên ngàn tuổi, tháng 4/2011, những cây ruối này đã được vinh danh là “cây di sản”. Cũng theo lời các cụ bát cửu thập niên ở Cam Lâm, thì do là rặng ruối thiêng của vua nên từ bao đời nay, bất cứ một ai dám xâm phạm vào cây cũng bị ngài “phạt”, nhẹ thì tán gia bại sản, nặng thì bất đắc kỳ tử hoặc ốm liệt giường. Có người nơi khác không biết, vô tình chặt một ít cành về định phơi làm củi nhưng sau đó phải sắm lễ sang lăng vua kêu cầu và phải trả lại những cành ruối đã chặt, mới thoát. Dùng nước lá ruối xông có thể giải cảm, nhưng dân trong vùng ai muốn có nồi nước xông phải có lễ đến xin, và cũng chỉ được hái số lá vừa đủ cho một nồi xông, nếu tham là “có chuyện” ngay…

Cách rặng ruối ngàn tuổi khoảng 200 thước, ở mé đồi Hổ Gầm có đền Mẫu, thờ bà Lê Thị Lan và em trai Lê Anh Tuấn, người làng Đông Sàng cạnh đó, tương truyền rằng cả hai chị em đều là tướng giỏi của Hai Bà Trưng. Từ đền Mẫu, đi một đoạn ngắn nữa là gặp giếng Sữa, một cái giếng nhuốm đầy huyền thoại. Giếng xây bằng đá ong, thành giếng nhô lên khỏi mặt đất chừng hai chục phân Tây, sâu không biết bao nhiêu, miệng giếng chỉ hơn cái vành nón một chút. Giếng nằm giữa một khoảng đất nhỏ ven con đường đất, cạnh đó có cái miếu diện tích chỉ chừng vài thước vuông, trong có một bàn thờ nhỏ la liệt hương hoa của khách thập phương đến “xin sữa".


Giếng Sữa

Nước giếng trong vắt như pha lê, mực nước chỉ cách miệng giếng vài gang tay. Múc một gáo lên uống thử, chúng tôi thấy mát ngọt vô cùng, cảm giác mát ngọt chẳng khác nào giữa trưa hè cách đây mấy chục năm, đi làm đồng về được gáo nước mưa múc từ chum sành dưới gốc cau. Bà con làng Cam Lâm bảo những năm hạn hán, dù những nới khác cạn khô, nẻ toác, đào cả chục thước không thấy nước thì mực nước giếng Sữa này vẫn nguyên vẹn thế…

Ai cũng có thể dẫn ra tên tuổi của hàng chục phụ nữ từ bốn phương mà họ biết, đã đến giếng Sữa cầu xin vầ đã được như nguyện. Một người dân còn kể rằng có phụ nữ đã… gần sáu chục cái xuân xanh nhưng vẫn đẻ (cách đây dăm ba chục năm, đó là chuyện rất thường). Do tuổi cao nên khi sinh, bà này không có sữa. Nghe đồn, bà đã đến giếng Sữa cầu xin và kết quả là bầu sữa của bà sau đó cũng mây mẩy như bầu sữa của một thiếu phụ ngoài hai mươi mới sinh con…

Ai đã tạo nên cái giếng này? Người thì bảo rằng sau cuộc ly hôn đầu tiên trong lịch sử vì người Rồng kẻ Tiên “vốn chẳng hợp nhau”, Mẹ Âu Cơ dẫn đàn con 50 người lên núi. Và qua chốn này, thấy đàn con khát nước, Mẹ đã dùng cành cây chọc xuống đất, lập tức có dòng nước chẩy ra, uống thỏa thuê xong, Mẹ con lại tiếp tục hành trình. Chỗ Mẹ chọc chính là giếng Sữa ngày nay.

Người lại bảo rằng trên đường dẫn quân theo Hai Bà Trưng đi đánh Tô Định, gặp mẹ con người ăn mày đói khát, đứa trẻ đã lả đi vì khát sữa, nữ tướng Lê Thị Lan liền rút gươm cắm xuống đất một cái. Lập tức từ vết gươm có một dòng nước vọt ra, người ăn xin múc nước uống. Lạ thay, vừa uống xong thì thấy người khỏe ra, hai bầu vú căng mọng sữa, và được bú sữa no nê, đứa trẻ khỏe lại, hai má căng tròn…

Hỏi chuyện về giếng Sữa, người xã Đường Lâm ai cũng quả quyết rằng những phụ nữ sinh con mà không có sữa, chỉ cần đến giếng, đặt lễ trong miếu (chỉ là hương, hoa và vài đồng bạc lẻ) rồi cầu khấn, sau đó múc nước giếng ấy mang về uống hoặc nấu cháo ăn, chậm nhất là vài ngày sau, bầu sữa sẽ căng tròn. Nhưng điều quan trọng nhất là phải thành tâm, tâm mà không thành hay có ý “thử xem có đúng không” thì chẳng bao giờ hiệu nghiệm.

Tất cả đều là chuyện dân gian. Và chuyện dân gian ở Đường Lâm thì nghe bao nhiêu ngày cũng không hết.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lạng Sơn rà soát lại các gói thầu liên quan đến công ty Thuận An

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An tham gia thi công một phần của dự án nâng cấp Quốc lộ 4B, kết nối liên vùng giữa tỉnh Lạng Sơn - Quảng Ninh.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm