| Hotline: 0983.970.780

Vị lương y chữa bệnh không công

Thứ Năm 28/04/2016 , 13:15 (GMT+7)

Nhớ lại khoảnh khắc nghe bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thông báo khối u gan trong người anh đã biến mất, anh rưng rưng nước mắt, đó là những giọt nước mắt vui mừng của người vừa nếm trải giây phút đối mặt tử thần ngỡ phải xa rời cuộc sống...

Đó là anh Đặng Văn Bình, 40 tuổi, quê Quảng Ngãi. Người giúp anh thoát “án tử” là lương y Nguyễn Văn Lý, ở Tây Ninh.

Gặp người trời kêu không dạ

Gặp chúng tôi, anh Bình rưng rưng xúc động, kể: Tôi từ quê vào Bình Phước làm thuê, thu nhập hàng tháng chỉ vài triệu đồng, chắt chiu dành dụm gửi về quê phụ giúp vợ lo cho con ăn học.

Cách đây hơn 2 năm, tôi thấy sức khoẻ kém hẳn đi, lâu lâu lại bị cơn đau nhói vùng bụng, mặt mày vàng vọt, da cứ tái xám. Hễ động nhẹ vào người cũng cảm thấy đau buốt. Thế là chủ cơ sở chỗ tôi làm với mấy người quen động viên tôi đi khám.

Tôi xuống Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM khám, chụp CT, chụp cắt lớp, làm các xét nghiệm ở đó. Lúc cầm trên tay các giấy tờ khám, xét nghiệm và nghe các bác sĩ thông báo có khối u trong gan, tức đã bị K gan (ung thư gan), tôi run hết cả người, chân tay bủn rủn muốn khuỵ xuống.

Đó là những giây phút khủng khiếp nhất trong đời tôi từng trải qua, chỉ 1 tuần mà tôi sút gần 5kg. Sau đó tôi qua Bệnh viện Ung bướu, Chợ Rẫy, chỗ nào bác sĩ sau khi khám, hội chẩn xong, cũng yêu cầu mổ và sau đó tiến hành hoá trị, xạ trị.

Thế rồi sau đó, anh Bình bắt đầu ngược xuôi khắp các tỉnh miền Đông, tìm đến gần chục thầy lang để bốc thuốc trị ung thư gan. Khi số tiền “gia sản” 35 triệu gia đình gom góp cho anh chữa bệnh đã cạn, anh mới may mắn tìm đúng điạ chỉ.

Tình cờ trên chuyến xe từ Vũng Tàu về TP.HCM thì anh Bình được một người hành khách đi cùng chỉ chỗ hốt thuốc Nam trên tỉnh Tây Ninh. Người hành khách này nói là nghe nhiều người chỉ phòng khám từ thiện trên đó cho thuốc hay lắm, nhiều người bệnh viện “chê” rồi mà còn khỏi.

Người đàn ông này hướng dẫn địa chỉ cho anh Bình và nói đó là phòng khám từ thiện giúp người nghèo thôi, ai nghèo khó tới hốt thuốc chỉ tốn tiền xe tự đi lại mà thôi.

“Lúc đó tôi cũng ghi lại địa chỉ, trong lòng cũng cầu may thôi chứ nghĩ bệnh mình nặng như vậy dễ gì mà hết. Nhưng có chỗ mà hi vọng, mà bấu víu vào thì vẫn hơn. Thế là vài ngày sau tôi cũng ra bến xe An Sương, TP.HCM bắt xe lên trên đó. Nào ngờ đó là nơi cứu mạng mình, cho tôi được tiếp tục sống, được nhìn thấy con mình lớn lên", anh Bình nhớ lại.

17-41-02_nh-1
Anh Bình vui mừng khi kết quả xét nghiệm mới nhất cho thấy khối u gan đã… biến mất

Tại đây anh được lương y Nguyễn Văn Lý xem bệnh án, bắt mạch rồi kê toa. Sau khi hốt mấy chục thang thuốc tại đây, anh Bình về nhà sắc uống liên tục, hết thang thuốc này đến thang thuốc khác, thuốc phải nói là uống cả bao tải này qua bao tải nọ. Ròng rã một năm liền anh Bình chỉ uống thuốc ở đây, anh không tác động tới khối u bằng phương pháp phẫu thuật hay hoá xạ trị nào cả.

“Bước qua cửa tử rồi tôi thấu hiểu quý giá của tính mạng. Tôi nghĩ tới những người mắc bệnh ngặt nghèo như tôi mà nghèo khổ thì lấy tiền đâu mà khám chữa. Tội nghiệp lắm. Vậy thì có chỗ phòng khám của thầy Lý để cầu cứu thì tốt quá đi chứ.

Thầy không vợ không con, hồi nào giờ chỉ khám chữa miễn phí, một hào một cắc ổng cũng không nhận, tuyệt đối không nhận, tặng chút quà gì ổng không lấy đâu. Vậy thì tốt quá chứ, đời này dễ gì có người thầy thuốc có tâm, có sự hi sinh như vậy.

Tôi nghĩ ngợi hoài mà đem trường hợp bản thân đã hết bệnh chia sẻ với mọi người, nhất là người có lòng tin cậy phương pháp Đông y cây cỏ và người nghèo tới bước đường cùng không đủ tiền vô bệnh viện điều trị.

Tôi nghĩ biết đâu có những người lâm vào cảnh ngặt nghèo mà khó khăn như tôi tìm đến đây sẽ có cơ may thoát bệnh. Cả đời này tôi đội ơn thầy Lý, đội ơn những người tình nguyện ở phòng khám nhiều lắm. Nhờ có thuốc ở đây mà đời tôi được tái sanh…”, anh Bình tâm sự.

Vị lương y chẳng giống ai

Vào một cuối tuần, chúng tôi lên đường tìm đến Phòng khám Đông y từ thiện của thầy Nguyễn Văn Lý ở ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh để tìm hiểu về vị lương y này.

Tại đây, thầy Lý khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác: Vị lương y này từ 30 năm nay chỉ ăn chay với các loại rau và chữa bệnh hoàn toàn miễn phí.

17-41-02_nh-4
Lương y Nguyễn Văn Lý

“Bao nhiêu đất đai tài sản, tiền làm lụng gì của bản thân tôi cũng dồn hết vô việc làm chuyện thiện, tới giờ là mở phòng khám phát thuốc cho bà con bớt khổ. Tôi ước chừng nếu thứ 7, Chủ nhật mỗi tuần phát từ 2.000 đến 4.000 thang thuốc thì có thể duy trì phòng khám này trong vòng vài ba năm nữa. Ngày xưa tôi cũng có đất đai này kia nhiều, giờ thì còn một cái nhà này làm phòng khám thôi", lương y Nguyễn Văn Lý.

Phòng khám Đông y này ngoài thầy Lý phụ trách chính còn có nhiều tình nguyện viên phụ giúp như anh Hải công an xã, cô giáo Nga, anh Kỉnh, ông Đức - Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ xã, ông Phụng, công nhân nhà máy gạch Cotaco…

Họ thấy ông Lý làm từ thiện, giúp được nhiều người nghèo nên cũng tự nguyện đến góp công vào những ngày nghỉ, cuối tuần.

“Ở đây thầy Lý bỏ hết tiền của để mua thuốc thang, khám chữa tận tâm cho người bệnh. Thầy Lý sống đơn giản chỉ ăn rau uống nước, nên ai cũng quý.

Chúng tôi thấy vậy thì muốn góp chút công sức mà thôi. Mọi người ở đây coi nhau như trong gia đình, sau khi cùng nhau phát thuốc xong thì mọi người quây quần bên mâm cơm chay, riêng phần thầy Lý là một đĩa rau.

Thầy đã chữa khỏi nhiều loại bệnh, cho nhiều người rồi, trong đó có những người bị u gan, tiểu đường… lại khám miễn phí nên người ta tới đông lắm. Bởi vậy làm mấy phòng khám có thu tiền khác quanh vùng mất khách nên họ ghét.

Có khi thầy Lý đi công việc thì không biết ai chơi xấu, họ ném bể hết kiếng cửa phòng khám, đập hết nhiều chậu trồng cây thuốc, cũng mệt lắm”, ông Phụng, một tình nguyện viên gắn bó mấy năm qua tại phòng khám tâm sự.

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Lý cho biết: “Phòng khám này mở được mấy năm rồi. Dòng họ tôi xưa nay thường làm việc thiện và có nghề làm thuốc Đông y cũng nhiều đời rồi.

Vào thập niên 1980 đến nay, bản thân tôi nhìn thấy và cứ ám ảnh cảnh đồng bào bá tánh dân sinh của mình đau bệnh nặng nhiều quá, lòng tôi cứ không yên ổn. Thế nên từ đó mà tôi tâm nguyện quyết cống hiến sức bản thân cho cuộc đời. Bản thân tôi không vợ không con, nên cũng chẳng có gì phải lo lắm”.

Tôi hỏi: “Thầy không nhận tiền của ai, dù giàu hay nghèo, cũng không đặt thùng từ thiện?”, ông đáp: “Tôi không đặt thùng tiền từ thiện là bởi nếu tôi đặt thì xảy ra chuyện người có tiền cho vào thì những người nghèo không có tiền biết làm sao đây, họ sẽ mặc cảm.

Tự tôi nghĩ rằng người bệnh nghèo đã mang tấm thân bệnh tật khổ sở tìm tới mình, vậy mà còn lo chạy cho có ít nhiều đồng tiền như người ta mới dám tới để khám bốc thuốc thì thêm khổ sở quá đi. Từ khi mở phòng mạch đến nay, có một người bạn đồng môn ở TP. HCM giúp tôi mỗi tháng 5 triệu đồng để lo chi phí, còn bệnh nhân thì không nhận một xu nào”.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất