Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Ảnh minh họa. |
Bạn Trần Văn Út ở Bến Tre gửi thư tới chuyên mục hỏi về những quy định của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật như thế nào? Vai trò của cán bộ tư pháp trong xây dựng và đánh giá tiếp cận pháp luật tại xã, ấp. Xin cảm ơn luật sư!
Trả lời:
Tại Thông tư số 07/2017 ngày 28/7/2017 của Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm, các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có một số điểm như sau:
1. Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật bao gồm các thành viên sau:
a) Chủ tịch Hội đồng: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện);
b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Trưởng phòng Tư pháp;
c) Ủy viên Hội đồng: Đại diện lãnh đạo cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có liên quan đến các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật, Công an cấp huyện, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, Văn phòng Điều phối NTM (nếu có);
d) Thư ký Hội đồng: 01 công chức Phòng Tư pháp.
2. Số lượng thành viên Hội đồng do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định, nhưng tối đa không quá 15 người. Thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
3. Hội đồng có chức năng tư vấn, tham mưu giúp Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Xem xét, đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;
b) Trao đổi, đề xuất sáng kiến, giải pháp thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và việc thực hiện các sáng kiến, giải pháp đó trong phạm vi địa phương;
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND cấp huyện giao.
4. Thành viên Hội đồng có nhiệm vụ sau:
a) Tư vấn, tham gia ý kiến về kết quả đánh giá và đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lĩnh vực được giao quản lý. Ý kiến của thành viên Hội đồng là ý kiến của cơ quan, tổ chức nơi công tác;
b) Đề xuất sáng kiến, giải pháp thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và tư vấn, tổ chức thực hiện sáng kiến, giải pháp đó;
c) Tham dự đầy đủ cuộc họp Hội đồng. Trong trường hợp không thể tham dự cuộc họp mà có lý do chính đáng thì phải gửi ý kiến bằng văn bản về các nội dung quy định tại điểm a và điểm b khoản này để Phòng Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Hội đồng;
d) Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo, điều phối hoạt động chung và triệu tập, chủ trì cuộc họp Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng có nhiệm vụ chủ trì cuộc họp và thực hiện các công việc do Chủ tịch Hội đồng ủy quyền khi vắng mặt.
5. Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số bằng hình thức biểu quyết hoặc phiếu lấy ý kiến. Cuộc họp Hội đồng được tiến hành khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham dự.
6. Quan hệ công tác giữa Hội đồng, thành viên Hội đồng với Phòng Tư pháp cấp huyện:
a) Bảo đảm sự phối hợp, trao đổi thông tin thông suốt giữa thành viên Hội đồng với Phòng Tư pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;
b) Phòng Tư pháp là cơ quan thường trực Hội đồng, giúp Chủ tịch UBND cấp huyện yêu cầu Chủ tịch UBND cấp xã cung cấp, bổ sung thông tin, tài liệu cho Hội đồng về các nội dung cần yêu cầu giải trình, bổ sung làm rõ;
c) Căn cứ kết luận của Hội đồng, Phòng Tư pháp hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.