| Hotline: 0983.970.780

2 tháng đầu năm 2020: Nông nghiệp 'chạy đà' lạc quan

Thứ Năm 27/02/2020 , 08:15 (GMT+7)

Sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản 2 tháng đầu năm 2020 cho thấy nhiều tín hiệu hồi phục lạc quan, dù đối mặt nhiều khó khăn thách thức, nhất là dịch Covid-19.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (giữa) kiểm tra tình hình tái đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học tại Hưng Yên cuối năm 2019.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (giữa) kiểm tra tình hình tái đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học tại Hưng Yên cuối năm 2019.

Xuất khẩu nỗ lực giữ kim ngạch

2 tháng đầu năm 2020, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Dịch virus Covid 19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình xuất khẩu và tiêu thụ nông sản; tình hình hạn mặn diễn ra khốc liệt tại các tỉnh phía Nam; dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) mặc dù đã căn bản được khống chế song vẫn tác động khiến giá thịt lợn tăng cao kéo dài... Đây cũng là những khó khăn mà Bộ NN-PTNT và toàn ngành đã tập trung chỉ đạo triển khai khắc phục.

Hoạt động sản xuất trong nước ghi nhận những kết quả tích cực trên các lĩnh vực chủ chốt như thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt... Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản 2 tháng đầu năm ước đạt 1,02 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó nuôi trồng tăng 3,7%, đạt 513,6 nghìn tấn. Sản xuất tôm 2 tháng đầu năm ước đạt trên 61 nghìn tấn, tăng 3,7%, cá tra đạt 183,5 nghìn tấn, tăng 3,6%...

Về lâm nghiệp, tính đến ngày 24/2, trồng rừng ước đạt 15,5 nghìn ha, tăng 1,3% so với năm trước, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 1,785 triệu m3, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2019...

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, mặc dù thách thức trong 2 tháng đầu năm 2020 vô cùng lớn, tuy nhiên toàn ngành đã thể hiện được quyết tâm cao độ, kết quả đạt được cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan, tạo đà cho những tháng tiếp theo của năm 2020.

Với hoạt động xuất khẩu, từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, Bộ NN-PTNT đã sớm có định hướng và giải pháp tập trung tái cơ cấu, mở rộng và đa dạng hóa thị trường trước các ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đẩy mạnh chế biến sâu, sản xuất liên kết theo chuỗi cũng như khai thác thị trường nội địa...

Cùng với việc bám sát diễn biến của hoạt động xuất khẩu sang thị trường chủ lực là Trung Quốc và kịp thời có giải pháp tháo gỡ, đến thời điểm này, hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường này đã bắt đầu chuyển biến theo chiều hướng tích cực, thông thương trở lại...

Nhờ đó, theo Bộ NN-PTNT, tháng 2/2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 2,57 tỉ USD, tăng 33,6% so với tháng 2/2019 (nhưng giảm 7% so với tháng 1/2020), trong đó giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt gần 1,3 tỉ USD, lâm sản chính đạt gần 740 triệu USD, thủy sản đạt 440 triệu USD... Lũy kế 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 5,34 tỉ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Quyết tâm đưa chăn nuôi, trồng trọt vượt thách thức

Cục Thú y cho biết tình hình DTLCP tiếp tục được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước khi trong tháng 2/2020, cả nước chỉ phát sinh ở phạm vi đơn lẻ 2 ổ dịch mới.

Trong khi đó, đến thời điểm này cả nước đã có 34 tỉnh/thành có 100% số xã đã qua 30 ngày không phát sinh dịch; 24 tỉnh/thành có trên 85% số xã đã qua 30 ngày.

Trong khi đó theo Cục Chăn nuôi, chăn nuôi gia cầm 2 tháng đầu năm tiếp tục tăng khá ở mức 13,8%, chăn nuôi bò tăng 2,4%...

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá hiện nay, mặc dù bộ phận chăn nuôi nhỏ vẫn đang gặp khó khăn nhất định trong tái đàn, tuy nhiên khối các doanh nghiệp chăn nuôi, nhất là doanh nghiệp lớn chiếm thị phần cao về nuôi lợn đang triển khai tái đàn rất thuận lợi và tăng nhanh.

Vì vậy trong thời gian tới, nguồn cung thịt lợn sẽ dồi dào, giúp giá lợn sẽ được kiểm soát và tiếp tục hạ xuống mức hợp lý dần.

Đối với chăn nuôi gia cầm, Bộ trưởng cho rằng cả năm 2019 đã tăng mạnh ở mức 15%, vì vậy thời gian tới, cần nghiên cứu khuyến cáo, điều chỉnh, không để tăng mạnh, nhất là giá gia cầm thời gian qua đã giảm mạnh.

Về lĩnh vực trồng trọt, vụ ĐX tại các tỉnh ĐBSCL đã căn bản kết thúc với đánh giá được mùa, năng suất tăng cao so với mọi năm. Các tỉnh Nam Bộ - Tây Nguyên hiện cũng đang bước vào vụ thu hoạch lúa ĐX và cơ bản được mùa. Việc gieo cấy vụ ĐX 2020 tại các tỉnh phía Bắc đã diễn ra thuận lợi.

Nông dân An Giang thu hoạch lúa ĐX. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân An Giang thu hoạch lúa ĐX. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo Cục Trồng trọt, mặc dù hạn - mặn diễn ra phức tạp tại các tỉnh ĐBSCL, tuy nhiên đến nay, thống kê sơ bộ chỉ có khoảng 23.000ha bị thiệt hại ở nhiều mức độ vì hạn - mặn, không lớn (trong đó tập trung chủ yếu tại tỉnh Cà Mau).

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi cần tiếp tục bám sát diễn biến của hạn - mặn để kịp thời đưa ra giải pháp, nhất là không để xảy ra thiệt hại đối với các vùng cây ăn quả, trà lúa muộn.

Đồng thời, có kịch bản sớm cho vụ HT, thậm chí cho cả vụ thu đông năm 2020 tại các tỉnh ĐBSCL, nhất là chủ động kịch bản cho việc tăng cường sản xuất lúa vụ 3 đối với các diện tích có chủ động được nước ngọt...

Xem thêm
Hà Lan sẵn sàng giúp Việt Nam đạt mục tiêu về xuất khẩu nông sản

Trưa 19/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan họp song phương với đoàn công tác Hà Lan do Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ Christianne van der Wal dẫn đầu.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Nghệ An thiệt hại hơn 667 tỷ đồng do thiên tai

Đã thành thông lệ, thiên tai thường xuyên rình rập và đe dọa Nghệ An bất kỳ lúc nào. Riêng năm 2023, tỉnh này thiệt hại hơn 667 tỷ đồng do thiên tai.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.