Xóm Lân (xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) trước đây nằm ở một mỏm đất chìa ra sông với 178 hộ dân sinh sống. Đến năm thập niên 1970, tình trạng xói lở đã khiến nơi đây trở thành một ốc đảo. Kể từ đó, để sang được nơi này thì phải đi qua một cây cầu tre được dựng tạm lên.
Năm 2003, TP Quảng Ngãi thực hiện dự án di dân vùng sạt lở ven sông. Theo kế hoạch, toàn bộ 178 hộ dân tại đây sẽ được bố trí tái định cư ở nơi mới. Tuy nhiên, do không có đủ đất để bố trí nên chỉ có 139 hộ được di dời. Kể từ thời điểm đó đến nay, đã gần 20 năm, 39 hộ dân còn sót lại vẫn chưa có chỗ ở mới ổn định. Cuộc sống của họ hiện tại khó khăn đủ bề. Nhất là vào mùa mưa bão, nước lũ lại “ăn mòn” thêm chục mét đất, bà con nơm nớp trong cảnh mất đất, mất nhà bất cứ lúc nào.
Bà Đỗ Thị Dung (48 tuổi) nhìn vào trong ngôi nhà cấp 4 xập xệ được xây dựng cách đây hơn chục năm, lặng lẽ thở dài: “Ngày trước, vợ chồng tôi phải vay mượn khắp nơi mới đủ tiền cất căn nhà này. Lúc mới xây, nhà cách bờ sông khoảng chừng 200m. Vậy mà đến nay, qua mấy đợt lũ lớn, giờ nhà đã sát mép sông, mùa mưa năm nay sợ là không trụ nổi”.
Theo lời bà Dung, mặc dù căn nhà đã xuống cấp nhiều, lại đang sát mép sông rất nguy hiểm, thế nhưng gia đình bà không thể sữa chữa, cơi nới vì đất nằm trong vùng dự án, không được phép xây dựng. Vậy nên, cả gia đình 4 người đành ngậm ngùi bám trụ lại trong căn nhà cũ nát. Mỗi khi mưa bão lại kéo nhau đến trú tạm tại một ngồi nhà bỏ hoang trong xóm cách đó không xa.
Không riêng gì gia đình bà Dung, rất nhiều hộ dân trong xóm cũng đang phải sống thấp thỏm trong những ngôi nhà xuống cấp, cũ nát nhưng vẫn không biết phải xử lý thế nào. Phần vì điều kiện kinh tế eo hẹp, phần vì bị cấm mọi hoạt động xây dựng nên cũng chẳng ai dám làm trái quy định.
Cũng như nhiều hộ dân trong xóm, vợ chồng bà Phạm Thị A (69 tuổi) tuy tuổi đã cao, đau ốm, bệnh tật triền miên nhưng đến giờ vẫn phải sống trong cảnh chạy lũ mỗi khi mùa mưa đến. “Năm trước, mưa lớn lắm, nước chảy xiết vào nhà, cuốn trôi hết đồ đạc. Năm nay nhà hư hỏng nặng quá rồi, lại đã bước vào mùa mưa, nước mà dâng cao, hai vợ chồng già lại chẳng biết phải xoay sở ra sao nữa”, bà A nói và cho biết 2 ông bà sống bám trụ tại xóm nhỏ này đã mấy chục năm trời, đến khi về già, mong ước duy nhất vẫn chỉ là sớm được di dời qua chỗ ở mới để ổn định.
Cứ thế, mỗi khi mùa mưa bão đến, người dân nơi đây lại vô cùng lo lắng khi chứng kiến cảnh nước lũ dâng cao, xói mòn đất. Có khi chỉ sau một đêm mưa to, đất vườn, đất canh tác của họ bỗng dưng bị trôi mất đi vài mét. Nhiều hộ gia đình sau 1 đêm thức dậy đã thấy nhà mấp mé bờ sông. Nguời dân xóm Lân dường như không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận sống chung với lũ. Giấc mơ về ngày tái định cư đối với họ là tia hi vọng cuối cùng để bám víu vượt qua những khó khăn trước mắt.
Bà Trần Thị Được (89 tuổi) trải qua bao lần “di dời hụt” nhưng vẫn không ngừng hi vọng và hồ hởi mỗi khi nghe loáng thoáng thông tin chuẩn bị được bố trí tái định cư. Mỗi lần như vậy, bà lại đi quanh xóm thông báo tin vui, đôi mắt nhăn nheo bỗng sáng rực vì tưởng rằng lần này sẽ chắc chắn. Nhưng rồi, bà Được cũng như những hộ dân còn sót lại ở xóm Lân, từ hào hứng, hi vọng rồi lại thất vọng và bế tắc. Giấc mơ tái định cư vẫn mãi còn dang dở cho đến tận bây giờ.
Ông Nguyễn Lâm, Phó Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi cho biết, Luật đất đai năm 2013 quy định, khi bố trí tái định cư thì phải thu hồi đất nơi ở cũ. Tuy nhiên, khi di dời 139 hộ ở xóm Lân mà không thu hồi đất nơi ở cũ, do đó việc tái định cư cho 39 hộ còn lại gặp khó khăn vì cho rằng không công bằng.
“Hiện chưa có cách tháo gỡ thế nào cho hợp lòng dân mà vẫn đúng luật. Trước mắt, đối với vùng nguy cơ sạt lở ở xóm Lân khi lũ vượt báo động 2 thì tuyên truyền, vận động người dân di dời đến nơi an toàn. Về lâu dài, thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị với UBND tỉnh tìm phương án khả thi để di dời 39 hộ này để đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân”, ông Lâm nói.