| Hotline: 0983.970.780

2.100ha chuối Tuyên Quang trông chờ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Chủ Nhật 20/11/2022 , 15:57 (GMT+7)

Tại nhiều nơi thuộc tỉnh Tuyên Quang, cây chuối đang bị thu hẹp diện tích hoặc đã vắng bóng hoàn toàn bởi sản phẩm chuối khó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Diện tích chuối ở Tuyên Quang hiện giảm mạnh. Ảnh: Đào Thanh.

Diện tích chuối ở Tuyên Quang hiện giảm mạnh. Ảnh: Đào Thanh.

Theo thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, diện tích chuối trên địa bàn tỉnh hiện nay là hơn 2.100ha. Cây chuối tập trung chủ yếu tại các huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn và Sơn Dương, trong đó nhiều nhất tại các xã Kiến Thiết, Xuân Vân, Trung Trực, huyện Yên Sơn; xã Kim Bình, Linh Phú huyện Chiêm Hóa. Thế nhưng đến nay, diện tích chuối trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thu hẹp bởi các địa phương ồ ạt bỏ loại cây này.

Gia đình anh Đào Văn Xuân ở thôn 4, xã Trung Trực, huyện Yên Sơn trước kia trồng 3ha chuối, tuy nhiên mấy năm trở lại đây thị trường Trung Quốc không nhập hàng, chuối được thu hoạch chủ yếu tiêu thụ nội địa nên giá bán rất thấp. Giá chuối chỉ đạt từ 1.000 - 2.000 đồng/kg khiến người trồng không có lãi.

Do đó, năm 2020, anh đã phá bỏ 2ha chuối sang trồng cây lâm nghiệp. Mới đây, khi thấy giá chuối quá bấp bênh, anh quyết định phá bỏ nốt hơn 1ha còn lại để chuyển sang trồng cây trồng khác. Anh Xuân cho biết, không chỉ riêng gia đình anh mà nhiều hộ dân khác cũng phá bỏ chuối để chuyển sang cây trồng khác, nên hiện nay trên địa bàn xã gần như vắng bóng cây chuối.

Tại xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn hiện nay, gần như cây chuối đã vắng bóng trên các vùng đồi. Trước đây, thời kỳ cao điểm, diện tích chuối nơi đây lên tới 100ha, nhiều hộ dân đã giàu lên từ nghề trồng chuối. Đáng buồn là hiện nay diện tích chuối cả xã chỉ còn khoảng 1ha.

Ông Triệu Ngọc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn cho biết, so với thời kỳ cao điểm lên đến cả trăm ha thì hiện nay cây chuối chỉ còn vài ha tại các thôn trên địa bàn xã. Có 2 nguyên nhân khiến diện tích chuối bị thu hẹp nhanh chóng, thứ nhất là do chuối đã trồng được hơn 10 năm, nhiều diện tích phát sinh bệnh hại khiến vườn chuối đồng loạt chết yểu. Thứ hai là do thị trường Trung Quốc thắt chặt, chuối đến kỳ thu hoạch không tiêu thụ được, giá thấp khiến nhà vườn thất thu, thậm chí thua lỗ, đây cũng là nguyên nhân quan trọng nhất.

Tại xã Kiến Thiết, nơi được coi là thủ phủ của vùng chuối Tuyên Quang với hơn 100ha hiện cũng chỉ còn 10ha. Bây giờ, chuối được người dân ở đây trồng chủ yếu để bán cho các thị trường như Hà Nội, Vĩnh Phúc… còn việc xuất sang Trung Quốc gần như ngừng hẳn.

Ông Ma Ngọc Chân, Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, cho biết, những năm trước chuối là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu lớn cho người dân địa phương. Khi thị trường Trung Quốc còn mở cửa, chuối được thu mua với giá ổn định từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Thế nhưng hiện nay thương lái chỉ thu mua từ 2.000 - 5.000 đồng/kg, không những thế, việc thu mua lại không ổn định. Do nhu cầu thị trường bị thu hẹp, hiệu quả kinh tế thấp nên người dân đã chuyển hẳn sang trồng cây trồng khác.

Trước thực trạng diện tích chuối suy giảm mạnh, ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang phối hợp với các địa phương chủ động định hướng cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Đồng thời đây cũng là bài học để bà con cần thực tốt việc tiêu chuẩn, quy chuẩn hóa các sản phẩm để nâng cao chất lượng quả chuối.

Nhưng việc thực hiện chủ trương này cũng sẽ khó bởi diện tích vùng phù hợp để phát triển vùng chuối trọng điểm còn manh nha nhỏ lẻ, chưa hình thành được những vùng tập trung rộng lớn; thị trường chuối tiêu thụ chính ngạch còn khó khăn. Với những diện tích các địa phương còn duy trì, ngành nông nghiệp định hướng bà con tập trung chăm sóc, phòng trừ, chủ động kết nối thị trường đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế. 

Có thể thấy, thị trường Trung Quốc vẫn luôn là thị trường chính và rộng lớn đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Do đó, khi thị trường này đóng băng khiến nhiều mặt hàng gặp khó khăn trong tiêu thụ và người gánh chịu thiệt hại nhiều nhất sẽ là nông dân.

Qua đó, cũng thấy được rằng, các địa phương cần thực hiện tốt việc định hướng phát triển vùng nông sản phù hợp gắn với thực tiễn của thị trường, tránh phát triển nóng và ồ ạt; tăng cường phát triển nông sản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn để sản phẩm nông sản có thể vào được các thị trường khó tính và nâng cao khả năng tiêu thụ cũng như giá trị.

 Ngày 1/11, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Nhân sự kiện này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Nghị định thư sẽ đảm bảo việc xuất khẩu chuối chính thức, ổn định bền vững, đồng thời đảm bảo đầu ra và giá cả ổn định. Đây cũng là dịp để chúng ta chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp mang lợi ích nhiều hơn cho người trồng chuối, cũng như kiểm soát, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Yến sào Khánh Hòa ký kết hợp tác với 2 đối tác Trung Quốc

Công ty Yến sào Khánh Hòa đã ký kết hợp đồng hợp tác với Trung tâm Chuỗi lạnh quốc tế Mai Sơn và Tập đoàn Đồng Nhân Đường (Trung Quốc).

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.