| Hotline: 0983.970.780

22 cơ sở chăn nuôi ở Cần Thơ được chứng nhận an toàn dịch bệnh

Thứ Ba 23/07/2024 , 17:26 (GMT+7)

Ngành chăn nuôi TP Cần Thơ chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, trang trại khép kín, đến tháng 1/2024, có 22 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi ở TP Cần Thơ có chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAHP. Ảnh: Kim Anh.

Từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi ở TP Cần Thơ có chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAHP. Ảnh: Kim Anh.

Hiện, sản lượng thịt gia súc, gia cầm của TP Cần Thơ chỉ đáp ứng khoảng 50 - 70% nhu cầu tiêu dùng trong thành phố. Số lượng còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành khác để cung ứng cho người tiêu dùng.

Do đó, để ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả, công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đóng vai trò quan trọng, góp phần giảm thiểu rủi ro và cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường.

Thực hiện chính sách hỗ trợ người chăn nuôi khi có gia súc, gia cầm tiêu hủy bắt buộc giúp người chăn nuôi khôi phục, tái đàn. Hàng năm, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ thực hiện chính sách hỗ trợ vacxin cúm gia cầm cho các hộ chăn nuôi có quy mô dưới 2.000 con, bình quân 3 triệu liều vacxin/năm, góp phần ổn định hoạt động chăn nuôi, tăng thu nhập cho người nuôi.

Vào ngày 1/12/2023, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 236/KH-UBND về phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thuỷ sản năm 2024 trên địa bàn. Trong đó, thành phố dự kiến khảo sát, lựa chọn 13 cơ sở chăn nuôi gia súc để hỗ trợ xây dựng mô hình an toàn dịch bệnh.

Đến nay, đã khảo sát 5 cơ sở chăn nuôi, xây dựng mô hình an toàn dịch bệnh ASF, 8 cơ sở chăn nuôi xây dựng mô hình an toàn dịch bệnh lở mồm long móng và 2 cơ sở chăn nuôi gà xây dựng mô hình an toàn dịch bệnh cúm gia cầm.

Từ nay đến cuối năm, TP Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ, chứng nhận cho các cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, an toàn dịch bệnh. Ảnh: Kim Anh.

Từ nay đến cuối năm, TP Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ, chứng nhận cho các cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, an toàn dịch bệnh. Ảnh: Kim Anh.

Tính đến tháng 1/2024, TP Cần Thơ đã có 22 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật. Từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ, chứng nhận cho các cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, an toàn dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ nhận định, tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, trang trại tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAHP.

Rõ nét nhất, từ năm 2023 đến nay, các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm như: bệnh tai xanh ở heo, dịch tả heo Châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò, lở mồm long móng, cúm gia cầm… không xảy ra trên địa bàn TP Cần Thơ.

Có được kết quả này, ngành thú y thành phố thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra dịch bệnh động vật, xuất, nhập, quá cảnh, lưu thông sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, các trường hợp vi phạm trong vận chuyển động vật và sản phẩm giết mổ, mua bán, sơ chế, chế biến động vật không đúng quy định bị xử lý nghiêm. Điều này, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn.

Đi kèm với những giải pháp tuyên truyền là chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi bền vững, theo quy hoạch, thông qua việc giải quyết khó khăn về vốn, con giống cũng như phát triển thị trường.

Công tác kiểm tra dịch bệnh động vật; xuất, nhập, quá cảnh, lưu thông sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố được Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ thực hiện thường xuyên. Ảnh: Văn Vũ.

Công tác kiểm tra dịch bệnh động vật; xuất, nhập, quá cảnh, lưu thông sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố được Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ thực hiện thường xuyên. Ảnh: Văn Vũ.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, ngành chăn nuôi TP Cần Thơ sẽ phát triển theo hướng tập trung. Theo đó, sẽ chuyển từ chăn nuôi truyền thống, hộ gia đình quy mô nhỏ lẻ, sang phương thức trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp, ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Cụ thể, quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, hướng đến nuôi heo theo hình thức bán công nghiệp và công nghiệp trên 70% và trên 45% đối với gia cầm.

Ngoài ra, theo quy hoạch, TP Cần Thơ sẽ đầu tư 2 khu chăn nuôi, giết mổ tập trung. Một khu nằm tại xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ), với quy mô là 264ha. Khu thứ hai ở xã Đông Bình (huyện Thới Lai), quy mô khoảng 333ha.

Công tác khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm đang được ngành nông nghiệp đẩy mạnh triển khai thực hiện.

Ðến cuối tháng 6/2024, TP Cần Thơ có tổng đàn heo trên 127.600 con, đàn trâu 252 con, đàn bò gần 3.900 con, đàn gia cầm hơn 2,1 triệu con. Số lượng tổng đàn đều đang tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Kết thúc kế hoạch tiêm phòng cho gia súc đợt I/2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ đã thực hiện tiêm vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, lở mồm long móng, tai xanh ở heo, đạt 82 - 90% kế hoạch đề ra.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.