| Hotline: 0983.970.780

3 giống keo lai ưu việt

Thứ Hai 01/07/2013 , 10:28 (GMT+7)

3 giống keo lai quốc gia BV16, BV32, BV33 đều là TBKT phục vụ trồng rừng kinh tế.

TS Hà Huy Thịnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống & công nghệ sinh học lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp VN) cho biết, 3 giống keo lai quốc gia BV16, BV32, BV33 đều là TBKT phục vụ trồng rừng kinh tế.

Hiện diện tích 3 giống keo lai này trải dài từ Cà Mau đến các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, trồng trên nhiều dạng đất và điều kiện khí hậu khác nhau, sinh trưởng tốt trong điều kiện mùa đông khô lạnh ở miền Bắc. TGST nhanh, thân thẳng, cành nhánh nhỏ và ít, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, nhanh khép tán phủ xanh đất trống đồi núi trọc trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, cây có khả năng cố định đạm, do đó cải tạo đất khá tốt. Nói chung, trong bộ giống keo lai quốc gia, về chất lượng gỗ, BV10 là vượt trội hơn cả. Tuy nhiên, xét về khía cạnh khác BV16, BV32 hay BV32 lại có ưu điểm là khả năng chịu hạn tốt hơn. 3 giống keo lai này có thể thích nghi với những vùng đất khô cằn, thiếu nước.

Về năng suất, BV16 đạt từ 15 - 35 m3/ha/năm, tùy theo dạng lập địa và hình thức thâm canh, vượt hơn từ 20 - 40% so với giống keo tai tượng nhập nội. BV32, BV33 năng suất tương đương nhau, khoảng 20 - 40 m3/ha/năm.

TS Hà Huy Thịnh cho biết, gỗ của 3 giống keo lai này rất phù hợp cho SX giấy, ván dăm, ván sợi, ván MDF và làm gỗ xẻ SX đồ mộc gia dụng để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Năng suất cụ thể của từng loại trên thực tế còn phụ thuộc điều kiện tự nhiên của từng vùng, quá trình canh tác, chăm sóc.

Về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường: Thực tế cho thấy, trồng rừng bằng 3 giống keo lai quốc gia kể trên mang lại hiệu quả kinh tế cao, rút ngắn chu kỳ kinh doanh và sử dụng đa mục đích như làm nguyên liệu giấy và ván nhân tạo (luân kỳ 5 - 7 năm) hoặc gỗ xẻ (luân kỳ 8 - 10 năm).

Với ưu điểm sinh trưởng nhanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, 3 giống keo lai này được các đơn vị SX lâm nghiệp, các hộ dân, Cty trồng rừng... trồng với diện tích lớn. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập; đồng thời mang lại hiệu quả lớn về môi trường từ diện tích rừng trồng keo lai để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; đặc biệt là các vùng khó khăn.

3 giống keo lai này còn có khả năng nhân giống bằng mô - hom. Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng đã đưa ra quy trình có thể áp dụng rộng rãi và chuyển giao dễ dàng cho các đơn vị có đủ điều kiện áp dụng hoặc người dân làm vườn ươm tại nhà.

Theo TS Thịnh, cách chống sâu bệnh tốt nhất cho keo lai là phải trồng hỗn hợp nhiều giống trên cùng một diện tích đất. Đồng thời, khi trồng từ 3 - 4 năm. Người trồng phải chú ý đến giống gốc hoặc lấy giống đã được phục tráng để SX. "Giống cây cũng như con người, sau một thời gian trồng, nếu không thay đổi giống, cây sẽ nhanh chóng bị thoái hóa. Và một khi đã bị thoái hóa, những giống keo lai ưu việt này sẽ không còn đạt được năng suất, chất lượng như ban đầu", TS Thịnh lý giải.

Những năm trở lại đây, khí hậu luôn biến đổi theo chiều hướng xấu. Việc tìm tòi, nghiên cứu cây lâm nghiệp có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu là vô cùng cần thiết. Viện Nghiên cứu giống & công nghệ sinh học lâm nghiệp đang tiếp tục nghiên cứu một số giống keo lai mới, phù hợp với khí hậu trong tương lai.

Xem thêm
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế về tỉnh Gia Lai

Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã đề nghị một số địa phương nộp hơn 57 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.