| Hotline: 0983.970.780

30 năm Khuyến nông Nghệ An: Bạn đồng hành tin cậy của nhà nông

Thứ Hai 11/09/2023 , 05:55 (GMT+7)

Trong chặng đường 30 năm nhiều gian nan, thử thách, trong hoàn cảnh nào, khuyến nông Nghệ An cũng tạo dấu ấn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển ngành nông nghiệp địa phương.

Kế thừa và tiếp nối

Ngày 11/9/1993, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1862/QĐ.UB thành lập Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Khuyến nông Nghệ An - tiền thân của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An hiện tại.

Xuyên suốt 30 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An luôn đồng hành, sát sao cùng các ngành, các cấp và nông dân, luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần vào thắng lợi chung của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Nông nghiệp Nghệ An có bước tăng trưởng ấn tượng thời gian qua, trong đó đội ngũ khuyến nông Nghệ An đóng vai trò hết sức quan trọng. Ảnh: Khôi An.

Nông nghiệp Nghệ An có bước tăng trưởng ấn tượng thời gian qua, trong đó đội ngũ khuyến nông Nghệ An đóng vai trò hết sức quan trọng. Ảnh: Khôi An.

Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập. Sự thay đổi về cơ cấu tổ chức từng gây nhiều ý kiến trái chiều, nhất là khi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo tinh thần Chỉ thị 05/CT.TU ngày 20/7/2001 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc củng cố, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động khuyến nông.

Đến năm 2017, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 5301/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 chuyển giao trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm chăn nuôi và thú y, trạm khuyến nông và ban phát triển nông thôn miền núi về UBND cấp huyện quản lý để thành lập các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện/thành phố/thị xã.

Từ năm 2020 đến nay, hệ thống khuyến nông nhà nước chính thống chỉ còn lại Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An với 41 người, gồm 4 phòng chuyên môn. Bộ máy thu hẹp lại, nhân sự tinh giản nhiều trong khi khối lượng công việc ngày một dày thêm, đồng nghĩa áp lực đặt ra vô cùng lớn. Dù vậy, với nỗ lực không ngơi nghỉ, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã từng bước tháo gỡ những nút thắt, khắc phục khó khăn trong hoạt động để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Sau 30 năm củng cố, hoàn thiện và điều chỉnh, đến nay, chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến nông Nghệ An đã được nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, luôn đáp ứng tốt những yêu cầu đặt ra cho từng giai đoạn.

Thông qua hoạt động khuyến nông, nhiều mô hình điểm được các địa phương chủ động nhân rộng. Ảnh: Việt Khánh.

Thông qua hoạt động khuyến nông, nhiều mô hình điểm được các địa phương chủ động nhân rộng. Ảnh: Việt Khánh.

Trong 30 năm qua, Trung tâm đã tổ chức được trên 14.000 lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho hơn 800.000 lượt cán bộ khuyến nông các cấp và nông dân. Trung bình hàng năm, Trung tâm xây dựng từ 25 - 30 mô hình trình diễn (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thuỷ sản) để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao… cho nhà nông.

Qua đó, đã góp phần tăng nhanh năng suất, sản lượng và chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, thúc đẩy phong trào phát triển sản xuất nông nghiệp rộng khắp.

Đánh giá thực tế cho thấy nhiều mô hình đạt tỷ lệ thành công ở mức cao, được nhiều địa phương chủ động nhân rộng, điển hình như mô hình sản xuất và thâm canh các giống lúa chất lượng cao như Japonica, NA6, NA9, TBR225...; mô hình sản xuất các loại rau, nấm ăn VietGAP; trồng thâm canh cam theo tiêu chuẩn VietGAP; trồng dược liệu dây thìa canh theo chuỗi giá trị; chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản gắn với trồng cỏ; chăn nuôi lợn thịt, gà sinh sản, gà thịt an toàn sinh học sử dụng đệm lót sinh học; nuôi các loại đặc sản như gà đen thương phẩm, lợn đen, dúi sinh sản; nuôi tôm thẻ, cá rô phi tiêu chuẩn VietGAP; nuôi cá trắm giòn, chép giòn; nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa; ứng dụng máy dò ngang trong khai thác hải sản xa bờ, ứng dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED để khai thác hải sản xa bờ cho tàu chụp 4 tăng gông kết hợp ánh sáng…

Đối với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đơn vị đã phối hợp với UBND các xã xây dựng 55 mô hình, tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, giúp nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để tổ chức sản xuất, qua đó mang lại giá trị kinh tế cao hơn rõ rệt.

Đặc biệt, triển khai Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất lúa và Nghị định 62/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 35/NĐ-CP, Trung tâm đã phối hợp với các huyện/thành phố, thị xã thực hiện 311 mô hình với quy mô hơn 10.000ha, thu hút gần 15.000 hộ dân tham gia. Qua đó, giá trị đất lúa được khai thác tối đa tiềm năng, hiệu quả kinh tế; thu nhập, đời sống của nhà nông được nâng cao.

Trung tâm Khuyến nông Nghệ An là đơn vị tiên phong của cả nước được giao nhiệm vụ và cấp phép đủ điều kiện dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với 19 nghề đào tạo thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản và lâm nghiệp theo Quyết định 1956/QĐ-TTg năm 2009, áp dụng từ năm 2011 đến nay.

Tính đến cuối năm 2019, Trung tâm đã tổ chức được 188 lớp với gần 6.000 học viên tham gia, số học viên được cấp chứng chỉ nghề đạt gần 92%, khoảng 70 - 80% học viên sau tốt nghiệp đã áp dụng thành thạo kiến thức vào quá trình sản xuất.

Chủ động, linh hoạt

Trong điều kiện kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động khuyến nông trong 30 năm qua không quá lớn, tuy nhiên nhờ chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch bài bản, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, hoạt động khuyến nông của Nghệ An vẫn đạt được những thành tựu lớn, có tác động tích cực đến sự phát triển chung của toàn ngành và tỉnh nhà.

Hoạt động khuyến nông đã góp phần quan trọng giúp năng suất, sản lư­ợng l­ương thực của Nghệ An tăng nhanh từ 480.000 tấn năm 1993 lên 1.209.000 tấn năm 2022.

Công tác khuyến nông còn trực tiếp thúc đẩy các chuỗi liên kết thông qua các sản phẩm có lợi thế (lúa, lạc, ngô, chè, mía…); chuyển giao nhanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình công nghệ tiên tiến và cơ giới hóa vào sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mùa vụ để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là điểm nhấn của hoạt động khuyến nông Nghệ An những năm gần đây. Ảnh: Việt Khánh.  

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là điểm nhấn của hoạt động khuyến nông Nghệ An những năm gần đây. Ảnh: Việt Khánh.  

Thời gian tới, sản xuất nông nghiệp đặt ra yêu cầu phải gắn chặt với cơ chế thị trường, tập trung đẩy mạnh liên kết chuỗi quy mô lớn, lấy hiệu quả, giá trị gia tăng làm thước đo, đòi hỏi công tác khuyến nông phải được đổi mới toàn diện theo hướng đa dạng, chất lượng và hiệu quả hơn.

Để bắt kịp xu thế, bên cạnh sự nỗ lực của hệ thống khuyến nông Nghệ An, cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NN-PTNT cùng các cơ quan liên quan và nông dân trên địa bàn để tạo lập nền móng vững chắc cho hoạt động khuyến nông Nghệ An phát triển vững mạnh.

Trong 30 năm qua, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã vinh dự được Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Nghệ An, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh tặng nhiều bằng khen cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc. Riêng năm 2009, Trung tâm và Giám đốc Trung tâm được Chính phủ tặng Huân ch­ương Lao động Hạng 3; năm 2012 được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc.

Từ 2003 – 2012, Chi bộ Trung tâm Khuyến nông Nghệ An liên tục đạt Chi bộ “Cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh". Năm 2016 đạt Chi bộ “Cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu”.

Năm 2022, Đảng bộ Trung tâm Khuyến nông Nghệ An được Ban Chấp hành Đảng bộ Nghệ An tặng bằng khen nhờ thành tích xuất sắc trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế…

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Tạo cú hích cho Đề án 1 triệu ha lúa trong vụ đông xuân 2024-2025

Vụ đông xuân 2024 - 2025, nhiều giải pháp, mô hình đồng bộ sẽ được triển khai phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.