Theo ông Vũ Duyên Hải, Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), đến thời điểm này, vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống IUU).
Chẳng hạn, đến nay, vẫn còn gần 36% số tàu cá chưa được cấp phép khai thác thủy sản. Trong số 95,3% tàu cá đã được lắp đạt hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS) thì có tới 45-55% số tàu vẫn thường xuyên ngắt kết nối. Ở nhiều địa phương, tỷ lệ tàu cá được cấp phép còn khá thấp, dưới 50%. Đặc biệt, sản lượng hải sản khai thác được kiểm soát qua các cảng cá còn rất thấp, có tới 5 tỉnh, thành phố ven biển chưa có thống kê về sản lượng khai thác được kiểm soát qua cảng.
Ở khâu thực thi pháp luật, tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn ở mức đang lo ngại. Trong 8 tháng đầu năm nay, đã có 62 vụ/92 tàu/845 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Ở các cảng, số lượt tàu và sản lượng khai thác được kiểm tra còn thấp (55% và 23%). Tỷ lệ xử lý vi phạm còn thấp, việc thi hành chưa hiệu quả và chưa đồng bộ.
Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản), lưu ý thêm một số rủi ro lớn khi EC sang kiểm tra, trong đó có những thông tin từ quốc tế đưa vào. Chẳng hạn, hiện nay, ngoài cấp giấy chứng nhận khai thác cho sản phẩm xuất sang châu Âu, chúng ta còn cấp chứng nhận khai thác cho sản phẩm thủy sản xuất sang một số thị trường khác như Thái Lan, Malaysia …
Vừa rồi, có những sự việc mà Thái Lan đã thông báo về việc một số hồ sơ liên quan đến một số lô hàng xuất sang nước này, có dấu hiệu bị tẩy xóa, làm lại. Từ 10-15/10, đoàn thanh tra EC sẽ làm việc với Tổng cục Thủy sản Thái Lan, mà một trong những nội dung là về giấy chứng nhận khai thác của những lô hàng thủy sản Việt Nam xuất sang Thái.
Để chuẩn bị tốt khi EU sang kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị về chống IUU trong tháng 10, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng, trước hết, cần phải hoàn thiện đăng ký, đăng kiểm hồ sơ tàu cá trên hệ thống phần mềm.
Đối với hệ thống thiết bị giám sát hành trình tàu cá, các địa phương cần kiểm tra, bắt buộc những tàu chưa có phải tiến hành lắp hệ thống này. Bởi khi EC tới kiểm tra, dù chỉ còn 1-2% số tàu chưa lắp, thậm chỉ chỉ cần 1 tàu không gắn hệ thống giám sát hành trình cũng đủ để cho người ta nghi vấn rằng tàu đó có thể sẽ đi khai thác bất hợp pháp.
Các địa phương, lực lượng liên quan cần duy trì trực để nắm rõ và tìm cách xử lý ngay tình trạng tàu cá mất kết nối. Phải xử lý thẳng thắn, nghiêm minh tình trạng này mà không tìm lý do để bao biện.
Đặc biệt có một điều rất đang lo ngại là việc xử phạt tàu cá vi phạm trong năm nay ở các địa phương rất thấp nếu so với những năm trước. Điều này có thể khiến cho thanh tra EU đặt nghi vấn là các địa phương đã không còn mạnh tay, không làm đến nơi đến chốn trong việc xử phạt tàu cá vi phạm.
Lực lượng biên phòng và các cảng cá cần thực thi một cách đồng bộ và kiểm tra chéo giữa các địa phương trong việc kiểm soát tàu ra, tàu vào ở các cảng cá, tránh tình trạng tỉnh này kiểm soát chặt, trong khi tỉnh khách kiểm soát lơi lỏng, dẫn tới tình trạng tàu cá cứ chạy lòng vòng để né tránh những nơi kiểm soát không nghiêm.
Ông Trần Đình Luân lưu ý, trong ngày mà đoàn thanh tra EC tới làm việc, các hoạt động vẫn phải được diễn ra một cách bình thường. Không nên để xảy ra tình trạng khi có đoàn thanh tra EC tới làm việc thì cảng cá không cho tàu vào cảng, vì người ta kiểm tra lại lịch sử tàu cá ra vào cảng sẽ nhận ra ngay có sự bất thường trong việc tàu không vào cảng trong ngày có đoàn thanh tra EC.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nhấn mạnh, trong tháng 10, khi EC vào thanh tra việc thực hiện các khuyến nghị về chống IUU, các bộ, ngành, các địa phương, các đơn vị cần đồng tâm hiệp lực, thực hiện nghiêm túc để làm sao đợt kiểm tra này có kết quả tốt hơn đợt kiểm tra trước.