Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, từ 11/8, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch 7511 về việc đón và làm việc với đoàn EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Sau đó, căn cứ kế hoạch trên, các đơn vị, địa phương liên quan cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát về IUU. Sở NN-PTNT mới đây cũng thành lập đoàn phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Sở Thông tin - Truyền thông kiểm tra công tác IUU tại các địa phương.
Qua kiểm tra, đoàn công tác nhận thấy các địa phương đã quan tâm, tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp nên kết quả nhìn chung đáng ghi nhận. Tuy nhiên hiện vẫn còn một số tồn tại cần khẩn trương khắc phục.
Cụ thể, hiện toàn tỉnh còn 58 tàu chưa gia hạn, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, 15 tàu có chiều dài 15m trở lên chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ngoài ra, số lượng tàu cá ngưng hẳn kết nối dịch vụ VMS trong 8 tháng đầu năm khá nhiều. Nguyên nhân do giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu không hoạt động nên ngắt kết nối.
Ông Nguyễn Trọng Chánh cho biết, vấn đề này đã yêu cầu các địa phương tuyên truyền vận động các chủ tàu khi hoạt động khai thác thủy sản trở lại phải đăng ký lại dịch vụ VMS, để mở kết nối theo đúng quy định.
Cùng với đó, yêu cầu các địa phương chỉ đạo Chủ tịch UBND xã nắm bắt các tàu trên địa bàn chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và các tàu ngưng dịch vụ VMS neo đậu ở đâu. Yêu cầu các chủ tàu duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình 24 /24 giờ khi đi khai thác theo đúng quy định.
“Chúng tôi còn yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân đồng hành với cả hệ thống chính trị trong việc chủ động thực hiện đúng quy định về IUU. Cũng như xây dựng kế hoạch đón đoàn EC khi đến địa phương mà không bị động”, ông Chánh lưu ý.
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết thêm, hiện Chi cục đang phối hợp Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 3, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tiến hành kiểm tra rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn coi từng hồ sơ cấp xác nhận (SC). Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản xuống tận xã, phường để hướng dẫn các chủ tàu trong việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, EC lần này sang Việt Nam sẽ kiểm tra 4 nhóm khuyến nghị gồm: Khung pháp lý, công tác quản lý tàu cá, hồ sơ truy suất nguồn gốc xuất khẩu và thực thi pháp luật.
Đối với nhóm khung pháp lý, thời gian qua, căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản, tỉnh Khánh Hòa đều triển khai quyết liệt và đầy đủ.
Về quản lý tàu cá, tỉnh đã rà soát thống kế chính xác và cập nhập đầy đủ trên hệ thống cơ sở dự liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase). Đến nay, đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá đạt 98%, trên 97% tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và trên 92% đã cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Tại các cảng cá, tất cả các tàu khi xuất bến đều phải khai báo Ban quản lý cảng trước, sau đó báo Văn phòng đại diện để tổ chức kiểm tra theo Thông tư 01 của Bộ NN-PTNT. Khi tàu vào cảng cũng được cơ quan chức năng kiểm soát theo đúng quy trình. Tại Khánh Hòa, trên 50% sản lượng được kiểm soát qua cảng. Nhơ vậy, đến nay các hồ sơ chứng nhận cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang châu Âu chưa có trường hợp gửi về để xác nhận lại.
"Từ tháng 10/2018, tỉnh Khánh Hòa không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đơn vị chức năng đã tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý hành vi vi phạm về IUU. Thời gian qua, Chi cục đã xử phạt các tàu cá vi phạm gần 600 triệu, tất cả hồ sơ tàu vi phạm được đăng công khai trên website của Sở NN-PTNT và phần mềm của Bộ NN-PTNT." Ông Nguyễn Trọng Chánh.