| Hotline: 0983.970.780

7 liệt sĩ ‘bám chốt’ 49 năm giờ được đoàn tụ với đồng đội

Thứ Tư 24/04/2024 , 15:50 (GMT+7)

Sau 49 năm ‘bám chốt’, đến nay các anh mới được đoàn tụ với đồng đội, nhờ tấm lòng của những người lính cùng chung chiến hào luôn hướng về các anh…

Chốt 174 một thời lửa đạn

Trong kháng chiến chống Mỹ, đồi 174 còn được gọi là cao điểm 174 hoặc chốt 174, đây là 1 trong những chốt điểm có vị trí chiến lược quan trọng trên đường số 5, từ thị trấn Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn) đi huyện miền núi An Lão. Chốt 174 được cả địch và ta xem trọng là vì nằm cách sân bay Thiết Đính (thị trấn Bồng Sơn) chỉ 6km về hướng Đông Nam, đây là 1 trong những sân bay quân sự lớn của chế độ cũ phục vụ chiến sự khu vực Bắc Bình Định.

Chốt 174 càng quan trọng hơn khi nằm sát cầu Bến Muồng, trong khu vực giáp ranh giữa vùng giải phóng và vùng địch tạm chiếm. Chốt 174 chỉ có độ cao 174m, nhưng dốc rất thoải, kéo dài. Đứng trên chốt 174 có thể quan sát, kiểm soát được cả một khu vực rộng lớn và các chốt điểm gần đó như cầu Bến Muồng, núi Chéo, đồi 82…

Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại chốt 174 vô cùng khó khăn. Ảnh: V.Đ.T.

Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại chốt 174 vô cùng khó khăn. Ảnh: V.Đ.T.

“Nếu địch chiếm được núi Chéo và chốt 174 thì mọi con đường tiếp viện cho quân ta ở vùng Bắc Hoài Ân theo con đường số 5 sẽ bị cắt đứt”, ông Trần Văn Phúc, người từng tham chiến tại chốt 174, nhớ lại.

Vị trí chốt 174 quan trọng là vậy, nên trong chiến tranh ta và địch thường xuyên giằng co, giành giật; trong đó, trận đánh chiếm chốt 174  vào ngày 1/11/1972 của Sư đoàn Sao Vàng là 1 trận thắng máu lửa.

Nhắc lại lịch sử, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho hay: Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Định là chiến trường trọng điểm của Quân khu 5, là nơi đứng chân, hậu cứ của Sư đoàn 3 Sao Vàng. Xác định địa bàn chiến lược quan trọng của Bình Định, nên vào cuối năm 1965, địch đã tập trung hơn 20.000 quân với 500 máy bay phản lực các loại cùng hàng chục tiểu đoàn thiết giáp, pháo binh nhằm tìm diệt lực lượng giải phóng quân để “bình định” vùng Bắc Bình Định.

Chốt 174 là điểm tựa, đóng vai trò rất quan trọng của cả ta và địch. Nếu ta chiếm được chốt 174 đồng nghĩa kiểm soát được 1 địa bàn rộng lớn của thị xã Hoài Nhơn, quan trọng nhất là căn cứ Đệ Đức, sân bay Thiết Đính, cầu Bồng Sơn và cụm pháo binh phía Bắc Đèo Phú Cũ. Ngược lại, nếu địch chiếm chốt điểm 174 thì sẽ kiểm soát và khống chế toàn bộ vùng chiến sự phía Bắc huyện Hoài Ân.

Di vật của các liệt sĩ trong địa đạo dưới đồi 174. Ảnh: V.Đ.T.

Di vật của các liệt sĩ trong địa đạo dưới đồi 174. Ảnh: V.Đ.T.

Tháng 11/1972, Sư đoàn 3 Sao Vàng đã mở đợt tấn công tiêu diệt địch và làm chủ hoàn toàn chốt 174. Nhận thấy tầm quan trọng của chốt 174, Sư đoàn 3 Sao Vàng đã chỉ thị cho Trung đoàn 21 xây dựng hệ thống công sự trận địa hầm hào kiên cố, địa đạo dưới đồi 174.

Tháng 9/1974, địch tập trung lực lượng đánh chiếm chốt 174 và các chốt điểm 82, Núi Chéo. Trong trận này, riêng chốt 174 phải hứng chịu hơn 2.000 quả đạn pháo các loại, 40 lượt máy bay phản lực ném bom xuống. Đến đêm ngày 1 rạng sáng ngày 2/1/1975, địch mở đợt tấn công ồ ạt và đánh chiếm cao điểm 174.

Địch huy động tối đa lực lượng pháo binh, máy bay bắn phá, oanh tạc từ 2 giờ sáng ngày 2/1 đến 11 giờ trưa cùng ngày. Công sự của quân ta trên chốt 174 bị phá hủy toàn bộ, chiến sĩ bị thương vong nhiều, buộc những người còn lại phải rút vào địa đạo cố thủ.

Đến 11 giờ trưa ngày 2/1/1975, cửa địa đạo bị sập, địch chiếm giữ được địa đạo và lấp kín cửa địa đạo phía Nam. Toàn bộ chiến sĩ trong địa đạo bị kẹt lại không thoát ra được. “Theo thông tin ban đầu, số chiến sĩ bị mắc kẹt và hy sinh trong địa đạo khoảng 7 đến 9 người”, ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết.

Ông Trần Văn Phúc, nhân chứng lịch sử trận đánh đồi 174. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Trần Văn Phúc, nhân chứng lịch sử trận đánh đồi 174. Ảnh: V.Đ.T.

Chiến tranh đi qua đã 49 năm, địa hình, địa vật của chiến trường xưa đã có nhiều thay đổi. Nhân chứng lịch sử người còn, người mất. Do đó, việc xác định thông tin chính xác để thực hiện việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trở nên vô cùng khó khăn, đây là nỗi ray rứt của lãnh đạo tỉnh Bình Định.

“Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan huy động lực lượng, phương tiện, tổ chức khai quật, tìm kiếm và đã phát hiện tại địa đạo 174 còn 7 hài cốt liệt sĩ cùng di vật như: Giày vải, khăn, dép cao su, ví, mũ cối, bút viết, thắt lưng, băng đạn…”, ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết thêm.

Uống nước nhớ nguồn

Sáng 11/2/2024, tại đồi 174 ở thôn Long Quang, xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân, Bình Định), lực lượng chức năng tham gia khai quật, tìm kiếm hài cốt liêt sĩ đã tìm được cổng vào 1 hầm địa đạo của quân ta dưới ngọn đồi và phát hiện 1 hài cốt liệt sĩ ngay tại cửa hầm.

Theo đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bình Định, nhờ nguồn tin từ các cán bộ cựu chiến binh, ngành chức năng Bình Định biết trong quá trình chiến đấu tại đồi 174 có 9 chiến sĩ của quân ta không kịp thoát ra ngoài và hy sinh trong địa đạo.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (áo trắng) tại lễ an tang hài cốt các liệt sĩ. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (áo trắng) tại lễ an tang hài cốt các liệt sĩ. Ảnh: V.Đ.T.

“Địa đạo dưới đồi 174 này được các chiến sĩ đào sâu vào lòng núi với chiều dài khoảng từ 50-70m, địa đạo có 3 cửa. Trong đó, 1 cửa nằm hướng Nam để quan sát được địa bàn Hoài Ân, cửa hướng Tây Bắc quan sát huyện An Lão và cửa hướng Đông Bắc quan sát địa bàn Hoài Nhơn. Chúng tôi đã tìm được cửa hầm ở hướng Nam. Tuy nhiên, cửa hầm hiện đã mục nát, lượng bom mìn cũng như nguy cơ chất độc hóa học ở khu vực này còn nhiều, nên Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng dừng tìm kiếm, để lực lượng công binh gia cố lại cửa hầm cũng như xử lý bom mìn, chất độc hóa học. Sau đó sẽ tiếp tục mở rộng tìm kiếm, quy tập”, đại tá Nguyễn Xuân Sơn thông tin.

Sau khi quy tập được 7 hài cốt liệt sĩ, sáng 24/4/2024, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Bình Định đã long trọng tổ chức lễ truy điệu, tiễn đưa 7 liệt sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng đã anh dũng hy sinh tại chốt 174 vào đầu năm 1975 về an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân, Bình Định). Tham gia buổi lễ có đại diện Sư đoàn 3 Sao Vàng, những người từng tham chiến trận đánh đồi 174 và thân nhân các liệt sĩ.

Người thân của các liệt sĩ bật khóc khi tham dự lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Người thân của các liệt sĩ bật khóc khi tham dự lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nay đã 68 tuổi, ông Trần Văn Phúc người quê Nghệ An, nguyên Tiểu đội trưởng tiểu đội 2, Trung đội 1, Đại đội 15 công binh, đơn vị phối hợp với chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng trong những trận đánh chiếm lại chốt 174, nhớ lại: “Khi ấy tôi mới 18 tuổi, đang học lớp 9 thì nhận lệnh điều động vào Nam và chiến đấu tại chốt 174 đến ngày giải phóng. Đến bây giờ, tôi chưa thể quên được kỷ niệm đêm quân ta mất chốt 174 và những trận đánh khốc liệt của quân ta nhằm giành giật lại chốt 174.

Lúc đó, ngoài 2 chiến sĩ đã hy sinh, chúng tôi nhận được thông tin là trong địa đạo dưới đồi 174 còn kẹt lại 1 số chiến sĩ, nên chúng tôi nỗ lực giải cứu. Nhưng khi ấy quân địch quá đông, khí tài hùng hậu. Từ ngày 2/1 đến ngày 8/1/1975 đã diễn ra qua 3 trận đánh khốc liệt nhưng quân ta vẫn không chiếm lại được chốt 174. Với tôi, trong 49 năm qua, các anh ấy vẫn kiên trì bám chốt 174”.

Về tham dự lễ truy điệu, tiễn đưa 7 liệt sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng đã hy sinh tại địa đạo dưới đồi 174, gương mặt ông Phúc như chùng xuống, mắt theo dõi buổi lễ mà tâm trí ông Phúc như để đâu đó trên đồi 174. Nơi đã đựng bao nhiêu nước mắt của ông Phúc dành cho những chiến sĩ còn kẹt dưới địa đạo, khi nghe quân địch đã lấp kín địa đạo dưới đồi 174.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.