| Hotline: 0983.970.780

9X 'giải phẫu' gà tìm bệnh

Thứ Hai 23/05/2022 , 16:53 (GMT+7)

Gà bệnh, anh mang ra tự tay 'giải phẫu', nhìn màu sắc các bộ phận nội tạng, anh xác định được bệnh của gà để điều trị cho những con đang bệnh.

Đó là chàng trai trẻ Lê Hải Văn, năm nay 29 tuổi, ở ấp Thanh Trung, xã Thanh Lương, TX.Bình Long, tỉnh Bình Phước.

Văn còn khá trẻ, nhưng rất nhạy bén, có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi. Nhờ vậy, dù chưa phải giàu, nhưng đã đạt được những kết quả khiến người ta nể: trở thành điển hình thanh niên nông thôn sản xuất - kinh doanh giỏi và được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của năm 2020, khi mới 27 tuổi. Ngoài ra, Văn còn là Đảng viên, bí thư chi đoàn ấp Thanh Trung, chủ nhiệm CLB chăn nuôi gà thả vườn xã Thanh Lương.

Từ nhiều năm nay, đàn gà của Lê Hải Văn ít khi bệnh, bởi chỉ cần nhìn chúng, Văn biết tình trạng sức khoẻ của chúng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Từ nhiều năm nay, đàn gà của Lê Hải Văn ít khi bệnh, bởi chỉ cần nhìn chúng, Văn biết tình trạng sức khoẻ của chúng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Văn kể, sau khi tốt nghiệp cấp 3, cậu đi Bình Dương làm công nhân, thu nhập mỗi tháng cũng gần chục triệu. Nhưng số tiền này sau khi trừ các khoản chi phí ăn uống, thuê phòng, phần dư lại không đáng kể. Nên sau một thời gian ngắn làm công nhân, năm 2014, Văn quyết định trở về nhà làm kinh tế. Điều kiện thuận lợi duy nhất của Văn là gia đình có hơn 5 công (5.000m2) đất vườn. Ngoài ra, không vốn, không kiến thức, kinh nghiệm.

Sau khi suy nghĩ chín muồi, Văn vay gia đình, người thân được 300 triệu đồng làm vốn, anh mua 1.000 con gà giống Minh Dư về thả trong vườn. Lứa gà đầu tiên khá thuận lợi, nhưng đó là do may mắn. Bởi đến lứa thứ 2, Văn thất bại khi đàn gà bị bệnh tả, sau một đêm, hơn 300 con gà chuẩn bị xuất chuồng lăn ra chết.

Nhờ chịu khó học hỏi, bây giờ Văn có thể 'giải phẫu' gà để xác định chính xác chúng bị bệnh gì. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nhờ chịu khó học hỏi, bây giờ Văn có thể "giải phẫu" gà để xác định chính xác chúng bị bệnh gì. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Kể từ đó, Văn bắt đầu dành thời gian tìm hiểu kiến thức chăn nuôi, phòng bệnh cho gà. Ngoài đọc các tài liệu có sẵn trên mạng, Văn còn tìm đến các trang trại lớn, tìm gặp những người đi trước để học hỏi. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm thực tế, chỉ sau một thời gian, Văn đã nắm kha khá kiến thức về các loại bệnh phổ biến trên gà và cách phòng, điều trị. Từ kỹ thuật chích vắc xin, quy trình, thời điểm tiêm, đến cả việc thuộc chuyên môn thú y cao, đó là giải phẫu gà bệnh để xác định bệnh của gà thông qua màu sắc, nội tạng. Văn khẳng định có thể chẩn đoán đúng gần 100% bệnh của gà thông qua giải phẫu. “Chỉ cần mình kiên trì học hỏi, thì chẳng có chuyện gì khó”, Văn nói.

Nói về chuyện “giải phẫu” gà, Văn cho biết: “Thực ra cũng không có gì khó. Mỗi loại bệnh trên gà đều có những biểu hiện đặc trưng trong các bộ phận nội tạng gà. Các bệnh thường gặp ở gà là cầu trùng, đường ruột, tả, ORT (hô hấp cấp tính khiến gà ho, có triệu chứng vẩy mỏ văng nước dãi). Nhìn màu sắc các bộ phận như manh tràng, cuống họng, mề, ruột, gan gà, có thể xác định gà đang bệnh gì”, Văn nói.

Thức ăn của gà gồm 3 nguồn: Cám tổng hợp được Văn liên kết cùng nhà máy với chất lượng đảm bảo và cỏ voi Văn cắt trong vườn. Ngoài ra, thêm một nguồn thức ăn quan trọng nữa là gà tự kiếm khi được thả trong vườn.

Thời điểm năm 2019, Văn có 12 chuồng nuôi gà, mỗi chuồng rộng 200m2. Số gà thương phẩm lên đến gần 50 ngàn con, doanh thu đạt 4,8 tỉ đồng, lợi nhuận 960 triệu đồng. Đến năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, gà thương phẩm tiêu thụ chậm, nên Văn giảm đàn xuống còn hơn 5 ngàn con.

Những con gà nay có trọng lượng trên dưới 3kg, Văn xuất giá 92 ngàn đồng/kg, vì chúng được nuôi lâu hơn, thịt săn chắc, ngon hơn. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Những con gà nay có trọng lượng trên dưới 3kg, Văn xuất giá 92 ngàn đồng/kg, vì chúng được nuôi lâu hơn, thịt săn chắc, ngon hơn. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Tính đến nay, Văn đã có gần chục năm nuôi gà, đủ kinh nghiệm để có thể tư vấn cho các đoàn viên mới trong xã tham gia CLB chăn nuôi. Nhờ vậy mà những người đi sau không gặp thất bại. Hiện CLB gà thả vườn Thanh Lương do Văn làm chủ nhiệm đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học – Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “gà thả vườn Thanh Lương”. 

“Ngoài việc thiếu kinh nghiệm ban đầu, trong quá trình nuôi, Văn còn gặp những khó khăn gì khác?”, tôi hỏi. “Kinh nghiệm là khó khăn tương đối lớn ban đầu. Ngoài ra, vấn đề đầu ra, thức ăn, cũng là khó khăn không nhỏ. Do chưa có đầu ra ổn định nên lúc đầu, thương lái đến phập phù. Có đợt gà quá thời gian xuất chuồng cả tháng mà không bán được, nên chi phí đội lên”, Văn nói.

Hiện nay, gà của Văn đã có đầu ra đã ổn định do chất lượng gà cao, mặc dù giá cao hơn gà chợ. “Gà được ăn thức ăn tốt, lại thường xuyên được “chạy bộ” trong vườn rộng, bổ sung thêm các loại thức ăn tự nhiên nên thịt ngọt, săn chắc. Gà em xuất chuồng có 3 loại, 3 giá: loại đúng tuổi giá 72 ngàn đồng/kg, ngoài ra còn 2 loại giá cao hơn, là 82 và 92 ngàn đồng/kg. Đây là những con gà có thời gian nuôi lâu, thả vườn nhiều hơn, ngoại hình đẹp với bộ lông bóng mượt, cựa dài, cho thịt chắc, thơm ngon hơn”, Văn nói.

“Vấn đề việc làm, nghề nghiệp cho thanh niên nông thôn lâu nay vẫn là bài toán khó. Nhiều thanh niên nông thôn luôn mang tư tưởng tìm kiếm cơ hội đổi đời ở đô thị, thành phố. Mô hình gà thả vườn của Lê Hải Văn là điểm sáng cho đoàn viên, thanh niên trong xã và cả các xã lân cận có chí hướng phát triển kinh tế đến tham quan, học hỏi, góp phần làm thay đổi quan điểm về việc làm của thanh niên nông thôn”, anh Đoàn Thế Tài, Bí thư Đoàn xã Thanh Lương, TX.Bình Long, Bình Phước.

Xem thêm
Chó, mèo thả rông lông nhông khắp phố

BÌNH DƯƠNG Có rất nhiều người tại Bình Dương bị chó thả rông cắn phải đi tiêm phòng dại khiến người dân rất bức xúc vì nạn chó lông nhông khắp phố.

Lấy doanh nghiệp là đầu tàu để phát triển bền vững ngành mía đường

Cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh cây mía đang dần mất vị thế.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.