| Hotline: 0983.970.780

9X Thái Nguyên quyết tâm nối nghiệp chè

Thứ Ba 08/09/2020 , 09:10 (GMT+7)

Quyết tâm nối nghiệp nghề làm chè của gia đình, Dương Quang Phú luôn hy vọng sẽ được vinh danh nghệ nhân xứ chè như mẹ đẻ mình đã đạt được.

Xuất thân từ gia đình có nghề làm chè ngon, thanh niên trẻ Dương Quang Phú, 25 tuổi đã quyết tâm nối nghiệp làm chè truyền thống lâu đời của gia đình, với hy vọng một ngày gần nhất sẽ được vinh danh nghệ nhân xứ chè như mẹ đẻ mình.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất có giống chè ngon nức tiếng đó là thôn Trại Cài, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), lại ở trong gia đình vốn có nghề làm chè lâu đời, Phú có tình yêu với chè từ nhỏ. Hơn nữa, mẹ đẻ lại là nghệ nhân làm chè, từng nhiều lần đạt danh hiệu bàn tay vàng qua các cuộc thi về chế biến chè, đã làm cho Phú say mê với cây chè quê hương.

Chè tươi sau khi hái phải chế biến, đóng gói ngay mới giữ được hương vị thơm ngon. 

Chè tươi sau khi hái phải chế biến, đóng gói ngay mới giữ được hương vị thơm ngon. 

Tâm sự với NNVN, Phú trải lòng: “Trước đây, gia đình em là một trong những hộ khó khăn nhất của xóm, bố mẹ em làm chè rất vất vả mà thu nhập lại chẳng được là bao. Mặc dù có sẵn nghề trong tay, nhưng do không áp dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mà chủ yếu vẫn làm thủ công nên năng suất và sản lượng chè làm ra không cao, bởi vậy mãi vẫn không thoát được cảnh nghèo khó. Để có được như ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu của em và sự giúp sức đắc lực của gia đình”.

Để mở rộng sản xuất, tháng 7/2019 Phú đầu tư xây dựng thêm một nhà xưởng quy mô lên tới 600m2, rồi tiến tới thành lập HTX chè Sáo Thịnh, tại xóm Trại Cài, với 8 thành viên chủ yếu là người thân trong gia đình, với một quyết tâm xây dựng một thương hiệu chuẩn cho cây chè Trại Cài. 

Lợi thế của HTX là chế biến chè với nguyên liệu tại chỗ, do đó chi phí rất thấp. Hơn nữa, gia đình lại có truyền thống làm chè từ lâu đời, từ ông bà, bố mẹ đều là những nghệ nhân làm chè có kinh nghiệm, nên trợ giúp cho Phú rất nhiều trong kỹ thuật sản xuất, chế biến để những mẻ chè đều vị đặc trưng riêng.

Chè Trại Cài luôn có vị chát và ngọt hậu, một đặc trưng của chè Thái Nguyên. Ảnh: Ngọc Ninh.

Chè Trại Cài luôn có vị chát và ngọt hậu, một đặc trưng của chè Thái Nguyên. Ảnh: Ngọc Ninh.

Điểm khác biệt so với chè ở nơi khác đó là chè Trại Cài đậm nước, có vị chát và ngọt hậu, bởi thế khi mới uống sẽ cảm thấy chát trong miệng, nhưng càng uống càng thấy vị ngọt nơi đầu lưỡi. Theo bà Nguyễn Thị Sáo, mẹ anh Phú, một trong những nghệ nhân làm chè lâu năm chia sẻ: Để làm được một mẻ chè ngon, thì điều quan trọng nhất là nguồn nguyên liệu đầu vào phải ngon và đảm bảo an toàn, không được để chè dập nát, muốn thế sau khi hái về chè phải được chế biến ngay.

Trong quá trình chế biến, giai đoạn ốp chè rất quan trọng vì phải chú ý điều chỉnh nhiệt độ sao cho phù hợp, nếu ốp lửa to quá chè sẽ bị cháy xém cánh dẫn đến mất đi hương thơm đặc trưng của chè, nhưng cũng không được quá nguội, vì như thế sẽ khiến cho cánh chè thành phẩm bị bạc. Bên cạnh đó, qua quá trình đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm chế biến chè ở nhiều nơi, anh Phú đúc kết được rằng, nên sử dụng tôn quay ga vừa có thể ốp chè, vừa vào khô lại vừa lên hương do đó tiện lợi hơn rất nhiều. Còn đối với tôn quay ống, mặc dù tiết kiệm được nhân công và thời gian nhưng lại có bất tiện là tôn này chỉ có tác dụng ốp chè.

Ngoài vùng nguyên liệu 7ha chè sạch của HTX, anh Phú còn liên kết với 50 hộ dân bên ngoài để đảm bảo nguồn cung. Đối với nguồn nguyên liệu đầu vào, anh Phú cho biết HTX kiểm soát chặt chẽ theo ngày, kỹ lưỡng từ khâu cách ly, bón phân, phun thuốc và có sổ ghi chép cẩn thận, đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng.

Đến thời điểm này, các sản phẩm chè của HTX đều đã có tem truy xuất nguồn gốc và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Trung bình mỗi ngày HTX sản xuất khoảng 6 – 7 tạ chè tươi, tương đương 1,5 – 2 tạ chè khô. Trong đó sản phẩm bình quân có giá bán 200.000đ/kg, còn sản phẩm giá trị cao hơn lên tới 1,5 – 2,5 triệu đồng/kg.

Chè HTX Sáo Thịnh luôn có tem để khách hàng truy xuất nguồn gốc về chất lượng

Chè HTX Sáo Thịnh luôn có tem để khách hàng truy xuất nguồn gốc về chất lượng

Nhờ thay đổi quy mô và cách thức sản xuất nên sản lượng chè làm ra của gia đình anh Phú lớn hơn nhiều lần so với cách làm thủ công truyền thống trước đây. Do đó điều kiện kinh tế của gia đình được cải thiện đáng kể.

Ngoài làm tốt việc phát triển kinh tế hộ gia đình, HTX chè Sáo Thịnh còn đào tạo nghề và giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương từ những lao động ít tuổi với mức thu nhập ổn định. Trong đó, chỉ tính riêng 5 lao động làm việc thường xuyên tại xưởng đã có mức lương trung bình 9 triệu đồng/người/tháng chưa kể tăng ca. Bên cạnh đó, HTX còn bao tiêu sản phẩm chè tươi cho 70 lao động hái chè trên một ngày với mức thu nhập bình quân 150.000đ/người/ngày.

Đến nay, thị trường sản phẩm chè của HTX đã cơ bản ổn định. Khó khăn lớn nhất là nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹn. Dự kiến trong thời gian tới anh Phú sẽ đầu tư thêm máy móc để đáp ứng nhu cầu sản xuất tại xưởng, góp phần giảm thiểu tối đa công sức lao động. Đồng thời mở rộng thị trường vào các tỉnh phía Nam, đưa sản phẩm chè Trại Cài nói chung và chè HTX Sáo Thịnh nói riêng vươn xa trên thị trường, được khách hàng tin tưởng đón nhận.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm