| Hotline: 0983.970.780

Nhiều DN "doạ" tăng giá NPK

Thứ Hai 05/05/2008 , 07:00 (GMT+7)

Trái ngược với dự báo của Hiệp hội Phân bón, vào những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 này, giá phân bón các loại lại tăng khá mạnh, gây nên mối lo ngại không nhỏ cho nông dân.

Vận chuyển phân bón về ĐBSCLÔng Nguyễn Văn Dương, chủ một đại lý phân bón cấp 2 ở huyện Đức Huệ (Long An), cho biết “Giá phân bón các loại đang tăng từng ngày và còn có xu hướng tăng nữa. Bởi thế, tôi không còn dám bán chịu cho nông dân như trước. Mà ngay cả khi tôi đi lấy hàng ở các đại lý cấp 1, họ cũng không cho tôi trả chậm nữa rồi”.

Theo Bộ Công thương, giá phân bón các loại vừa tăng mạnh như trên, chủ yếu là do tác động bởi giá phân bón và nguyên liệu chế biến phân bón có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhiều nhà kinh doanh phân bón quốc tế đã chủ động “găm” nguồn hàng lại bởi khi Trung Quốc cắt giảm khoảng 450.000 tấn urê xuất khẩu, thì chắc chắn giá urê thế giới sẽ tăng lên chóng mặt. Và thực tế, việc tăng giá phân bón trên thị trường thế giới đã liên tục diễn ra trong tháng 4 vừa rồi, khiến cho giá phân bón trong nước cũng không thể “ngồi yên” được nữa.

Tuy mới đảm bảo được 53% nhu cầu phân urê, 75% nhu cầu lân ..., nhưng trong bối cảnh giá phân bón thế giới tăng cao như hiện nay, thì việc đẩy mạnh sản xuất phân bón trong nước đang được coi là giải pháp quan trọng góp phần bình ổn giá phân bón. Tuy nhiên, do phần lớn DN phân bón trong nước lại đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập nên cũng không tránh khỏi những khó khăn do cơn biến động giá này. Do đó, nhiều khả năng, các DN không những không đảm bảo được sản lượng cần thiết mà cũng sẽ tăng giá phân bón trong thời gian tới.

Theo TCty Hóa chất Việt Nam (VINACHEM), trong tháng 3, giá nhiều loại nguyên liệu thiết yếu phục vụ cho sản xuất phân NPK của các đơn vị thành viên như sau: DAP 1.150 USD/tấn, MAP 1.000 USD/tấn, urê 430-450 USD/tấn, SA 330-340 USD/tấn, MOP 530-600 USD/tấn, lưu huỳnh 680-690 USD/tấn...Tới giữa tháng 4 trở đi, giá các loại nguyên liệu nói trên đã tăng trung bình 10-15%, riêng DAP tăng tới 20-30%. Giá nguyên liệu tăng cao khiến cho chi phí sản xuất phân bón của các nhà máy thuộc VINACHEM cũng tăng mạnh. Chi phí nguyên liệu cho việc sản xuất phân NPK 16-16-8 ở Cty Phân bón Bình Điền hiện là 11,5 triệu đ/tấn. Cộng với các chi phí khác nữa vào khoảng 1,2 triệu đ/tấn sản phẩm, thì tổng chi phí hiện nay của Cty Phân bón Bình Điền đối với mỗi tấn phân NPK đã cao hơn giá bán hiện tại tới khoảng 1,4 triệu đ/tấn.

Nếu giữ mức giá bán ra như hiện nay nhằm bình ổn thị trường phân bón thì các nhà máy sản xuất NPK trong nước đang phải gánh những khoản lỗ nặng. Bởi thế, một số DN ngoài quốc doanh đang nhấp nhổm, chuẩn bị tăng giá NPK lên thêm 7% trong tháng 5 này. Trong khi đó, việc đẩy mạnh sản xuất các loại phân lân cũng chưa được cải thiện do khó khăn trong vận chuyển quặng apatit về các nhà máy và giá lưu huỳnh (loại nguyên liệu rất quan trọng trong quá trình sản xuất super lân) cũng đã tăng gấp đôi so với năm 2007 ... Như vậy, với những thực trạng nói trên, khả năng bình ổn thị trường phân bón trong nước trong thời gian tới là rất khó. Và giá phân bón trong nước sẽ còn nóng thêm khi nông dân ĐBSCL xuống lúa hè thu chính vụ trên diện tích tới 1,5 triệu ha.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.