| Hotline: 0983.970.780

Nơm nớp rượu rởm!

Thứ Ba 21/01/2014 , 09:57 (GMT+7)

Nói đến rượu ngày nay ai cũng sợ! Sợ do cường độ, mức uống và sợ nhất là rượu không đạt chất lượng mà như thiên hạ hay nói là rượu rởm, rượu đểu, rượu giả.

Nói đến rượu ngày nay ai cũng sợ! Sợ do cường độ, mức uống và sợ nhất là rượu không đạt chất lượng mà như thiên hạ hay nói là rượu rởm, rượu đểu, rượu giả.

Rượu “đặc sản” có mặt khắp nơi

Nhiều người uống rượu, kể cả bợm nhậu có thâm niên, khi được hỏi, đều chia sẻ: Trong tiêu dùng, đứng trước thái độ đạo đức như hiện nay, ai cũng khuyến cáo người tiêu dùng phải trở thành thông thái. Và đối với mặt hàng có tên là rượu này càng buộc người ta phải thông thái hơn nữa.

“Rượu rừng”… về phố!

Viết bài này, tôi lại nhớ đến vụ rượu giả của “đại gia Xuân Thủy” nổi tiếng một thời. Cuối những năm 1990, đầu Đại lộ Thăng Long, giáp với Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình của Hà Nội bây giờ có một khu ẩm thực sinh thái được dựng lên với tên Sơn Thủy. Chủ nhân của nó là “đại gia Xuân Thủy”, người có rất nhiều mối quan hệ với các “víp”, sau đó bị bắt vì tội buôn bán, chế xuất hê rô in và rượu giả. Ngày ấy, thực khách tìm đến, ngoài cảnh sơn thủy hữu tình, bàn “chuyện làm ăn” thì người ta còn đồn thổi rượu mà đặc biệt rượu Tây ở đây xịn nhất.

Vào đây uống rượu Tây, khách xịn bao giờ cũng có người nhà của Thủy đưa xe đến kho chứa rượu được gửi gắm trong một nhà “víp” nổi tiếng. Chính sự câu kết và “lập lờ đánh lận con đen” này đã làm cho bao thực khách, trong đó có những khách đại gia sành điệu nhất tin tưởng.

Ai cũng nghĩ rằng cái thứ rượu cả ta lẫn Tây do Xuân Thủy bán ấy mặc nhiên là chuẩn. Ấy thế mà đâu có ngờ, ngày nhà hàng Sơn Thủy bị phá, ngoài việc chế xuất và buôn bán hê rô in thì Xuân Thủy còn bị phát giác thêm tội danh sản xuất rượu giả. Thứ rượu này, chính do một đệ, vốn giỏi giang về lĩnh vực sinh – hóa của Xuân Thủy trên Bắc Ninh sản xuất. Nghe thông tin, ai cũng ớ người. Nhiều đại gia có tiếng sành điệu về “nếm” và “thưởng” rượu Tây đều tiu nghỉu như mèo cắt tai vì bị Thủy lừa trên sự lọc lõi hưởng thụ của mình.

Nhiều năm nay, khi rượu rởm, rượu giả và rượu đểu bùng phát, nhiều người uống thứ này đã có xu hướng tìm tới những sản phẩm rượu có tính chất truyền thống hơn, trong đó có thứ rượu do đồng bào miền núi sản xuất. Cánh nhậu dân dã gọi đây là thứ “rượu rừng” và kèm theo sự “rừng rú” này nghĩa là sẽ an toàn. Nhưng sự thật có phải vậy không?



Đặc sản rượu ngô bản Phố, Bắc Hà không hiểu sao có mặt ở rất nhiều nơi

Trong các thứ “rượu rừng” mà dân thành phố, thị tứ ngày nay hay xài không ai không biết đến thứ rượu có tên là Bản Phố, Bắc Hà, hay rượu San Lùng, Bát Xát (Lào Cai). Nhưng đã có đợt lên đây công tác, tìm hiểu, chúng tôi phải thẳng thắn mà đưa ra lời cảnh báo: Hãy coi chừng!

Hiện nay, xã Bản Phố, nơi nổi tiếng với thứ rượu ngô có khoảng 600 hộ sản xuất rượu. Tính trung bình mỗi hộ ở đây, nếu nhà chăm, mỗi tuần sẽ sản xuất (nấu) được 20 lít, mỗi tháng mỗi hộ sẽ sản xuất được trên 80 lít. Như vậy một tháng, 600 hộ dân ở Bản Phố sẽ sản xuất được 48 nghìn lít, và sẽ là 576 nghìn lít cho mỗi năm.

Với “tổng sản lượng” rượu như thế này, trừ số rượu mà dân sử dụng tại chỗ, khách du lịch lên vãn cảnh trực tiếp mua thì ước chừng số rượu còn lại chỉ đủ cung cấp cho “cái sự khoái khẩu” những người uống của Lào Cai, Yên Bái và thêm nữa là Tuyên Quang mà thôi. Thế nhưng chả hiểu sao, rượu Bản Phố, rượu San Lùng lại có mặt ở khắp nơi, nhất là các thành phố lớn. Chỉ cần ới một cái thôi là muốn có bao nhiêu cũng được.

Thậm chí nhiều cá nhân, tập thể còn mở cả trang web để giới thiệu, quảng bá và sẵn sàng cung cấp thứ rượu này. Một câu hỏi là rượu Bản Phố, rượu San Lùng ở đâu ra nhiều thế. Và trong những thứ rượu được “khoác” với những cái tên kia thì đâu là thật, đâu là giả? Và có lẽ, cũng lại phải quay về với hành động… uống mới biết được!

Thật giả khó lường

Theo ông Giàng Seo Sẩu, nguyên cán bộ của Hội nông dân xã Bản Phố cho biết, giờ uống rượu Bản Phố cũng phải nên cẩn thận. Ở xã này, nếu vào các hộ dân để mua trực tiếp thì không nói. Chỉ cần ra các xã cận kề hay ngoài khu vực huyện thôi, nếu không có chỗ thân quen rất dễ mua phải thứ rượu Bản Phố không được chính xác.

Ông Sẩu cho biết, ngoài chất đất, chất nước thì rượu Bản Phố còn cần phải nấu theo một quy trình chặt chẽ. Vì để có thứ rượu này còn là chất men do người dân tự làm. Men người dân làm chủ yếu là các thứ dược liệu quý hiếm nhặt từ trên núi cao trong đó không thể thiếu được vị của cây hồng mi. Cây này giờ rất hiếm, chỉ các vùng núi cao của Lào Cai và các vùng kế cận mới có.

Theo ông Sẩu, giá cả của rượu Bản Phố ngày nay cũng phải xem chừng. Vì theo ông, nấu rượu ngô công phu, cầu kì và mất thời gian nhiều hơn rượu gạo. Để có một nồi rượu ngô, riêng công ngâm, bung rồi ủ nếu gặp thời tiết khí hậu tốt phải mất 9 – 10 ngày. Nếu gặp thời tiết không tốt có thể phải đổ đi và chịu lỗ ngay.

Cứ 3 kg ngô, chi phí mất 24 nghìn, gặp men tốt, thời tiết tốt mới cho được 1 lít rượu, đó là chưa kể đến tiền men, công làm và tiền củi, bán được 30 nghìn/lít. Nghĩa là mỗi lít rượu ở đây, người dân chỉ “lãi” ở cái khoản bã dùng để chăn nuôi gà lợn chứ còn được tý nào là trừ vào cái khoản men và công lao động hết. Thế nhưng, theo ông Sẩu, không hiểu sao, rượu Bản Phố lại có mặt ở khắp nơi, đến tận cả Hà Nội, nhiều nơi giá cả chỉ ngang tại nơi sản xuất.

Rượu Bản Phố hay một số thứ rượu nổi tiếng ở miền núi phía Bắc khác có mặt khắp các thị trường, giá cả không cao hơn bao nhiêu với nơi sản xuất đang đem đến cho rất nhiều người sự nghi ngờ. Những người có thứ sản phẩm này giao bán họ không tính công vận chuyển, hao hụt của thứ hàng này hay sao mà giá lại rẻ thế? Hay chủ yếu họ làm để đáp ứng cái gọi là thú ăn uống của người ta mà không cần lãi? Và phải chăng những thứ rượu đang được khoác cho những thương hiệu nổi tiếng này thực chất là thứ sản phẩm khác.

Cùng với Lào Cai, hiện nay Hà Giang cũng đang nổi lên là một tỉnh với những loại rượu mà theo như lời đồn đại của thiên hạ thì “ai uống một lần cũng phải nhớ". Ngoài đặc sản như rượu ngô Xuân Giang, rượu thóc Bắc Mê… thì cánh dân nhậu, thực khách vẫn bàn tán về thứ rượu ngô nổi tiếng Tráng Kìm ở huyện Quản Bạ.

Nhưng theo những người sinh sống ở Hà Giang thì thực tế rượu do người dân xã Tráng Kìm sản xuất hiện nay cũng chỉ cung cấp đủ cho người Hà Giang dùng chứ không có để xuất ra ngoài. Nhưng trái ngược với nhận định này, rượu có thương hiệu Tráng Kìm của Hà Giang hiện nay đã… có mặt khắp nơi. Chẳng biết nó có từ đâu và do đâu mà có.

Cùng với sự nổi tiếng này, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có gần 10 loại rượu được đóng chai. Nhãn mác nào cũng khẳng định là đủ tiêu chuẩn, chưng cất theo lối cổ truyền, truyền thống và được các cơ quan quản lý cấp mã số tiêu chuẩn cả.

Nhưng theo anh Nguyễn Xung Kích, một cán bộ văn phòng, người có thâm niên về lăn lộn với dân cũng như thâm niên thưởng các loại rượu đặc sản trên thì: Là người sống trên vùng quê của rượu đặc sản nhưng giờ tôi cũng kinh với các loại rượu trên đây. Các loại rượu cứ loạn xị ngậu, ai cũng bảo tốt, bảo hay. Nhưng kinh nghiệm là cứ uống mới biết nó có tốt, có hay hay không. Giờ, tôi uống rượu hay lấy rượu để tiếp anh em cũng chỉ dám dùng rượu do mình gửi người quen đi công tác mua hộ hay rượu do chính mình mua được trong những lần đi công tác. Có như vậy mới dám uống, dám tin và… dám say!

Xem thêm
Thủ tướng làm Trưởng ban sắp xếp, tinh giản bộ máy của Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp

Các mô hình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn liền với chuỗi giá trị giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Đại học Thủy lợi - Niềm tự hào của các thế hệ sinh viên

Bí thư Yên Bái coi nhà trường là nơi rèn giũa lý tưởng, còn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT xem đây là nguồn tri thức vô giá trong vấn đề thủy lợi, phòng chống thiên tai.