| Hotline: 0983.970.780

"Hổ" bắt đầu sa lưới

Thứ Tư 22/01/2014 , 11:07 (GMT+7)

Cốc Tuấn Sơn, cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần là cái tên mới nhất ở Trung Quốc vừa bị báo chí nước này nêu đích danh là quan tham trong chiến dịch “diệt cả hổ lẫn ruồi” của ông Tập Cận Bình.

Cốc Tuấn Sơn (ảnh), cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần là cái tên mới nhất ở Trung Quốc vừa bị báo chí nước này nêu đích danh là quan tham trong chiến dịch “diệt cả hổ lẫn ruồi” của ông Tập Cận Bình.

Phủ tướng quân xa hoa

Căn biệt thự xa hoa của Cốc Tuấn Sơn được báo chí nước này đặt tên là “phủ tướng quân” hoặc “Cốc tướng phủ”, hàm ý nói vị tướng hậu cần này sở hữu căn nhà nguy nga tráng lệ như quan tướng thuở phong kiến.

Khoảng đầu tháng 1 năm nay, cảnh sát đặc nhiệm Trung Quốc được lệnh khám xét nhà viên tướng được mô tả là “sâu mọt của lực lượng quân đội”.

Báo chính thống Trung Quốc mô tả cảnh sát phải huy động đến 4 xe tải để chất những đồ quý giá thu được trong nhà Cốc.

Đáng kể trong số đó là hầm rượu quý trị giá hàng chục nghìn USD, chậu thau bằng vàng và một bức tượng Mao Trạch Đông bằng vàng ròng.

Truyền thông phương Tây nói hoạt động bắt giữ và điều tra ông Cốc khẳng định thêm quyết tâm loại trừ tham nhũng trong của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Báo mạng Tin tức tài chính cho hay, các nhân viên điều tra tìm thấy ở đây chiếc thuyền bằng vàng mang chữ "Thuận buồm xuôi gió”, chiếc chậu rửa mặt bằng vàng "Kim ngọc đầy bồn" - ngụ ý vàng bạc đầy nhà, một pho tượng Mao Trạch Đông bằng vàng và mấy trăm thùng rượu quý Mao Đài “chỉ dùng trong quân đội”.

Theo tờ Telegraph của Anh, vụ bắt giữ và khám nhà ông Cốc là một trong 3 vụ án tham nhũng đang bị phơi bày trên mặt báo, và gây xôn xao dư luận Trung Quốc những ngày qua.

Hãng tin Reuters nói ông Tập đang ngày càng cho thấy sự quyết liệt trong chống tham nhũng, căn bệnh mà người đứng đầu Trung Quốc từng tuyên bố "sẽ khiến cho dân mất niềm tin vào đảng".

Những nguồn tin do chính quyền Trung Quốc kiểm soát nói các hoạt động điều tra nhằm vào ông Cốc diễn ra từ hồi năm 2012, trước thời điểm ông Tập Cận Bình lên giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuy thế, tờ Bưu điện Hoa Nam có trụ sở tại đặc khu hành chính Hong Kong bình luận rằng cũng giống như cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, ông Cốc cũng nằm trong số “hổ” mà ông Tập sẽ xử mạnh tay do các tội danh liên quan tham nhũng.

Không để chìm xuồng

Cũng từ năm 2012, thông tin về tướng Cốc trên trang web chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bị gỡ xuống. Dư luận nước này xì xào chuyện tướng lĩnh quân đội đang bị điều tra, tuy nhiên báo chí khi đó không nói gì về vụ việc.

Đến đầu năm 2013, ngôi nhà của Cốc ở huyện Bộc Dương, tỉnh Hà Nam mới bị khám xét. Một số trang mạng xã hội Trung Quốc cho rằng vụ việc sẽ chìm xuồng do ngại “động đến vài nhân vật cấp cao”. Những người ủng hộ quan điểm này viện dẫn lý do rằng, không tự nhiên mà từ lúc bị “cách chức” trên trang web của Bộ Quốc phòng đến lúc bị khám nhà mất tới cả năm trời.

Nhưng việc cảnh sát đặc nhiệm tới khám nhà và công khai thông tin với báo giới cho thấy dấu hiệu Cốc Tuấn Sơn khó lòng thoát tội, tờ Bưu điện Hoa Nam bình luận.

Khéo nịnh vợ và con sếp

Tháng 1/1971, Cốc Tuấn Sơn khi đó nhập ngũ với tấm bằng tốt nghiệp sơ trung (tương đương Phổ thông cơ sở) rồi được điều về phục vụ tại một đơn vị quân đội ở tỉnh Cát Lâm.

Ba năm sau, từ một lính nghĩa vụ, Cốc được chuyển thành lính chuyên nghiệp, được đào tạo và thành sĩ quan cơ khí. Đồng đội của Cốc kể rằng người này khi đó trình độ rất bình thường, nhưng tham vọng thì rất cao.

Trong những buổi sinh hoạt đảng, Cốc nhiều lần bị cấp trên Phó Chính ủy Trương Long Hải phê bình nặng nề. Nhưng sau đó, con gái của Trương lại trở thành vợ Cốc.

Một số nguồn tin chưa được kiểm chứng ở Trung Quốc nói Cốc tuy không giỏi chuyên môn nhưng cực giỏi lấy lòng phụ nữ.

Trước khi “tấn công” con gái của chỉ huy, Cốc còn thường lui tới nhà một chỉ huy khác trong đơn vị để tặng quà, nịnh bợ vợ của ông này. Bà vợ vì thế thường xuyên rỉ tai chồng giúp đỡ Cốc trong con đường binh nghiệp.

Chưa dừng ở đó, Cốc biết rõ trở thành con rể của Phó Chính ủy sẽ là bước quan trọng trên con đường quan chức sau này. Vì thế, mọi chiêu bài từ tặng quà bất ngờ, tặng hoa, những lời rủ rỉ, những bức thư tình ... đều được Cốc đem áp dụng với con gái cấp trên.

Trương Long Hải biết chuyện, ra sức cấm cản con gái. Thậm chí, ông còn điều chuyển Cốc sang đơn vị khác. Nhưng trớ trêu là cô con gái ông quá yêu Cốc nên bỏ nhà theo người lính bị cha đuổi đi. Cực chẳng đã, Trương đành tổ chức đám cưới cho con gái dù trong lòng chẳng chút ưa gì ông con rể bất tài.

Con đường thăng quan tiến chức của Cốc từ đó cứ thế hanh thông. Báo chí chính thống và mạng xã hội Trung Quốc nêu ra khá nhiều câu chuyện ly kỳ về viên tướng bị cho là tham nhũng bậc nhất trong quân đội nước này.

Cốc được cho là từng huênh hoang khoe với thuộc cấp: “Ca sĩ, diễn viên nữ nổi tiếng ở Trung Quốc này đều từng qua tay tôi”.

Có tiền, quyền trong tay, Cốc còn thao túng cả sang ngành công an. Khi em trai Cốc Hiến Quân bị dân kiện lên tận Bắc Kinh vì chiếm dụng đất đai, vợ Cốc khi đó là Chính ủy Sở công an Bộc Dương đứng giữa cơ quan thét cảnh vệ đuổi dân về, cấm kiện cáo.

Hiện chưa có con số chính thức về số tiền tham ô, tham nhũng của Cốc Tuấn Sơn. Có nguồn tin nói Cốc 20 tỷ tệ, có hơn 300 ngôi nhà và căn hộ ở khắp nơi, bao nuôi 5 cô bồ đều là ca sĩ, minh tinh điện ảnh và MC truyền hình. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc chưa xác nhận con số này.

Trong diễn biến mới nhất, thư ký của Cốc là Kiều Hy Quân vừa bị bắt hôm 20/1 vừa qua sau 1 năm lẩn trốn lệnh truy nã cấp A, cấp cao nhất của công an Trung Quốc.

Kiều được cho là một mắt xích quan trọng trong đường dây “ăn bẩn”, buôn quan bán chức của Cốc. Công an Trung Quốc treo thưởng 50.000 NDT cho bất cứ ai cung cấp thông tin về Kiều, nhưng người này đã ra tự thú hôm 20/1.

"Nếu như năm 2012 và 2013 người ta biết tới vụ Bạc Hy Lai như là scandal chính trị lớn nhất Trung Quốc, thì năm 2014 vụ án Cốc Tuấn Sơn dự kiến sẽ còn nhiều tình tiết ly kỳ hơn nữa”, tờ Bưu điện Hoa Nam bình luận.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.