| Hotline: 0983.970.780

Chuyện nên học ở xứ Phù Tang

Thứ Hai 19/04/2010 , 11:09 (GMT+7)

Đến Nhật thì có rất nhiều điều đáng để học tập. Vài ba câu chuyện mà phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam kể trong loạt bài viết này cũng rất đáng để ngẫm ngợi, suy tư...

Đến Nhật thì có rất nhiều điều đáng để học tập. Vài ba câu chuyện mà phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam kể trong loạt bài viết này cũng rất đáng để ngẫm ngợi, suy tư...

RỪNG MINH TRỊ VÀ HÀNG CÂY NGÀN  TUỔI

Hàng cây ngàn năm tuổi đường vào chùa HaKone

Ở thành phố cũng như ra vùng ngoại thành Tokyo ở đâu cũng có công viên cây xanh, những đường phố với những hàng cây cổ thụ, cho thấy ở xứ Phù Tang người ta rất coi trọng việc trồng cây giữ rừng.

Thủ đô Tokyo là một trong những nơi giá đất rất đắt đỏ, vì thế mặc dù là ở nơi có nguy cơ động đất cao, nhưng Tokyo vẫn là một thành phố rộng lớn, với cả "rừng" nhà chọc trời. Thành phố nâng độ cao của kiến trúc các tòa nhà, để giành nhiều đất cho các khu công viên và rừng xanh.

Đứng ở độ cao 150 mét của tháp Tokyo, nhìn bốn phía sẽ thấy cạnh những khu phố với những tòa nhà cao chọc trời còn có một khu rừng rừng lớn với những đại thụ xanh, ngút mắt, đây là khu rừng đặc biệt ở xứ Phù Tang. Thế là từ tháp Tokyo khi trở về, chúng tôi đã ghé vào khu rừng giữa trung tâm thủ đô - Rừng Meiji (Minh Trị).  Ði dưới những tán cây cổ thụ trong rừng Meiji, có cảm giác mát lành trước biển, như trong một thế giới xanh yên tĩnh, tách biệt hẳn với thế giới ồn ào náo nhiệt của Tokyo, một thành phố lớn đông dân nhất thế giới.

Sau khi Hoàng đế Minh Trị (1852 - 1912) băng hà, người ta quyết định xây dựng một ngôi đền để tôn vinh ông. Hơn bảy mươi héc - ta đất được chọn, thuộc khu đất của hoàng tộc vốn là đất ruộng và đất bỏ hoang được thiết kế để biến tất cả thành rừng ở đó có ngôi đền tưởng niệm. Việc trồng rừng hoàn tất vào năm 1920, có tới hơn 1.000 thanh niên xứ Phù Tang đã tham gia trồng rừng Meiji, họ đã trồng hơn 100 ngàn cây với 365 loại có ưu thế phát triển tốt trong môi trường tự nhiên ở vùng Tokyo.

Loại cây chính được chọn là loại cây lá rộng thường xanh, như cây chùy, cây sồi xanh, cây long não và trồng xen kẽ thêm một số cây lá rụng theo mùa cùng dòng họ sồi. Từ đó đến nay rừng phát triển tự nhiên, cây cối được tự do sinh sôi nảy nở không có sự can thiệp của con người. Nếu một cây ngã xuống theo quy luật tự nhiên, thân cây ấy được để lại trông rừng cho tới khi rã mục trở thành mùn tơi và trở về với đất. Tất cả lá cây rụng xuống lối đi, được gom lại dưới nền đất rừng.

Không có có thứ gì của rừng được đưa ra khỏi rừng, cũng không mang vào rừng thêm thứ gì. Tất cả đều để tự nhiên, đó là nguyên tắc  quản lý rừng Meiji, cũng như quản lý các khu rừng ở xứ Phù Tang ngày nay. Theo luật sinh tồn, những giống loài phù hợp thích ứng phát triển, số khác bị loại dần. Ðến nay số loại cây trong rừng Meiji còn 247 loại nhưng số cây lên đến 170.000 cây đang sinh trưởng tốt tươi, trong khu rừng tự nhiên có nguồn gốc nhân tạo này.

Nói đến Nhật Bản là nói đến một nước công nghiệp hàng đầu thế giới, thế nhưng ngành nông nghiệp của nước này cũng đã kịp đưa độ che phủ của rừng lên gần 70% diện tích lãnh thổ, ở mức che phủ của rừng cao nhất thế giới. Là một quốc đảo, trải từ vùng bán nhiệt đới đến tận phía bắc của bắc bán cầu, dài 2.500 km, là điều kiện cho nhiều loại cây phát triển.

Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, nước này hiện có 251.460 km2 diện tích đất rừng, trong đó rừng tự nhiên còn 133.820 km2; 103.980 km2 rừng trồng. Nạn lâm tặc phá rừng như ở Việt Nam đã chấm dứt  trên 30 năm. Dân xứ Phù Tang hiểu rằng bảo tồn rừng là bảo vệ chính mình. Ngày nay thế giới đang đối đầu với sự kiệt cạn của dầu lửa, nhưng tương lai cuộc chiến về nước ngọt mới là nỗi kinh hoàng của thế giới xẩy ra trên các lưu vực sông. Người Nhật đã sớm lo xa với độ che phủ của rừng xanh gần 70% diện tích lãnh thổ là nguồn sinh thủy cho các dòng sông các hồ lớn, xứ Phù Tang sẽ tránh được thảm cảnh này.

Người dân Nhật  Bản tin rằng thần linh giáng trần tại các khu rừng thiêng, ngự trong những cây cổ thụ, nơi thâm sâu gọi là Yorishiro và vì thế họ tin rằng cây cũng có hồn, gọi là mộc linh (Kodama). Và như vậy khi được chặt đi thì gỗ của nó cũng được kính ngưỡng, được dùng trong kiến trúc đền miếu và các dịp lễ hội. Ðiều này cũng lý giải vì sao ở mỗi đền miếu - nơi tôn kính một vị thần, đều có cây cối chung quanh và những rừng cây chúng tôi gặp quanh khu đền chùa Nikko đều có thân to vài người ôm mới xuể, ngọn cây cao vút tầm mắt. Tôi đã chụp ảnh bên một cây tùng ở chùa Hakone tỉnh Kanagawa.

Theo bia đề tháng 12/1984 thì cây này cao khoảng 35 m chu vi 6m là cây cổ thụ trên 1.200 tuổi, bây giờ cây đó đã 1227 năm rồi và chưa ai đo nó đã cao bao nhiêu, chu vi bao nhiêu. Ở tỉnh Kanagawa có trên 100 cây cao hàng ngàn năm tuổi như cây tùng mà tôi đã chụp ảnh. Hàng cây vào chùa Hakone còn nhiều hàng cây bách cây tùng cao vài chục mét và là cây cổ thủ hàng trăm năm, hàng ngàn năm tuổi.

Những rừng cây ấy ngay bên đường, trong phố, nơi rừng sâu, cây tồn tại với thiên nhiên, ít bị tác động bởi bàn tay con người chặt phá. Nhìn những hàng cây tùng cây bách tuổi trên ngàn năm ở khu đền Nikko mà thương cho những cây rừng ở nước ta, cây to cây nhỏ, nơi rừng sâu rừng xa, đều bị lâm tặc thò tay tàn phá, ngay trên đường phố công viên Hà Nội số phận những cây sưa dù tuổi chục năm hay mấy chục năm, đều bị đốn hạ ngang nhiên, ngẫm mà buồn. Bao giờ ở xứ ta, người dân mới không chặt phá rừng. mới hết lâm tặc, thì chúng ta mới có rừng xanh, có khí hậu trong lành, cho con suối dòng sông, không khô dòng cạn chảy. (Còn nữa)

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).