| Hotline: 0983.970.780

Tôi sáng không gặp vua hiền

Thứ Tư 15/09/2010 , 10:05 (GMT+7)

Bích Châu cũng như Nguyễn Trường Tộ đều có khát vọng canh tân, muốn đất nước được giầu mạnh. Nhưng kết cục của họ thật đáng buồn, vì sao như vậy?

"Kê minh thập sách" của Nguyễn Bích Châu dâng lên, vua Trần Duệ Tông xem xong, vỗ án khen: “Không ngờ một người con gái mà lại thông tuệ đến thế”, nhưng xem xong, vua chẳng thực hiện một điều nào. Những điều trần của Nguyễn Trường Tộ cũng được vua Tự Đức tiếp nhận, nhưng số phận của chúng cũng không khác gì "Kê minh thập sách"…

>> Nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ
>> Khát vọng canh tân và bi kịch

Nguyễn Bích Châu chết ở cửa biển Kỳ Hoa (gần Vũng Áng, thuộc địa phận huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh ngày nay) ở tuổi thanh xuân, còn Nguyễn Trường Tộ chết trong nghèo đói, bởi một căn bệnh hiểm nghèo ở quê nhà là làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) ở tuổi 41. Cái chết của Bích Châu được Hồng Hà Nữ sỹ họ Đoàn huyền thoại hóa trong truyện “Hải khẩu linh từ”, rằng khi vua Trần Duệ Tông khởi quân đi đánh Chiêm Thành, can ngăn mãi không được, Bích Châu xin đi theo.

Thủy quân Đại Việt đến cửa biển Kỳ Hoa, thần biển nổi sóng gió dữ dội, báo mộng cho vua, yêu cầu nhà vua phải “dâng” cho mình một cung phi để làm vợ, nếu không sẽ nổi sóng dìm toàn bộ thủy quân xuống biển. Tỉnh dậy, vua Trần kể lại giấc mộng của mình cho các cung phi nghe. Bích Châu tình nguyện xuống làm vợ thần biển để cứu ba quân. Nói xong, bà nhẩy xuống biển. Thương bà, từ vua đến ba quân đều nước mắt chứa chan. Khi sóng lặng gió yên, nhà vua hạ lệnh tiến quân, nhưng rồi “trúng phải quỷ kế của Bà Ma, toàn quân bị hãm ở trong động”.

Đúng 100 năm sau, khi giang sơn đã đổi chủ, vua Lê Thánh Tông đi qua cửa biển Kỳ Hoa, nghe chuyện, nhà vua phong Bích Châu làm "Chế Thắng Phu nhân", ra lệnh lập đền thờ, ngự chế bài thơ khắc trong đền. Và từ đó, cứ đến ngày giỗ của bà, nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ hội rất to để tưởng niệm. Nhưng sự thực, theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, thì khi quân Trần bị quân Chiêm phục kích, vua Trần Duệ Tông tử trận cùng hàng vạn binh lính, toàn quân rối loạn, có nguy cơ bị tiêu diệt toàn bộ, chính Bích Chấu đã lĩnh lấy trách nhiệm thống lĩnh ba quân, tổ chức cuộc lui binh an toàn, đưa được thi hài nhà vua ra khỏi chiến địa.

Về đến cửa biển Kỳ Hoa, vừa thương khóc vua, vừa kiệt sức, bà đã trút hơi thở cuối cùng, và theo lời trăng trối của bà, quân lính đã chôn bà bên cửa bể Kỳ Hoa…Nguyễn Trường Tộ khi chết vẫn còn di hận: "Nhất thất túc thành thiên cổ hận/ Tái hồi đầu thị bách niên cơ" (Một bước sa chân nghìn đời mang hận/Quay đầu nhìn lại cơ đồ đã hóa trăm năm). Bích Châu cũng như Nguyễn Trường Tộ, đều là những trí thức có tài, có nhiệt tâm với đất nước, thể hiện ở những kiến nghị cải cách, canh tân đất nước, chỉ với khát vọng thiết tha muốn đất nước được giầu mạnh. Nhưng kết cục của họ thật đáng buồn, vì sao như vậy?

Bi kịch lớn nhất của họ là bi kịch của sự tận trung. Nhưng khổ nỗi, tôi sáng nào có gặp vua hiền. Nhà Trần, những vị minh quân Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông…cho đến lúc đó, đã trở thành sở hữu của lịch sử rồi, hào quang ba lần thắng giặc Bắc đã tắt lịm, cơ đồ chẳng khác gì ngôi nhà đã bị mối mọt trầm trọng. Ông vua mà Nguyễn Bích Châu phơi bày gan ruột, ngoài là nghĩa vua tôi, trong là tình chồng vợ, là một ông vua mà ngay cả sử quan phong kiến cũng phải hạ bút đánh giá là “Ương gàn cố chấp, không nghe lời can, khinh thường quân giặc nên mang họa vào thân” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Còn Tự Đức, vị vua triều Nguyễn mà Nguyễn Trường Tộ miệt mài dâng hết điều trần này đến điều trần khác, tuy được coi là một vị vua “hay chữ”, sinh thời sáng tác hàng ngàn áng thơ văn, nhưng trước họng đại bác của quân Pháp, trước cảnh tang thương: “Bỏ nhà, lũ trẻ (chỉ nhân dân) lơ xơ chạy/Mất tổ, bầy chim dáo dác bay”, nhà vua cứ như gà mắc tóc, chiến chẳng ra chiến, hòa chẳng ra hòa (Lời vua “nên biết rằng đánh đã khó, mà hòa lại càng khó hơn”). Trong khi lòng dân sôi sục căm thù giặc, anh hùng nghĩa sỹ khắp nơi nổi lên chống giặc thì nhà vua ngoảnh mặt quay lưng, chỉ biết tin vào những đình thần cực kỳ bảo thủ bên mình, bàn những việc trọng đại, sống còn của quốc gia mà chỉ biết lôi điển xưa, tích cũ bên Tầu ra làm cứu cánh.

Mỗi lần giặc chiếm một tỉnh, nhà vua chẳng biết làm gì hơn là xuất hàng núi bạc trong kho sai đình thần mang đi “nghị hòa, chuộc đất”, và mỗi lần giặc cho “tạm hòa”, là một lần phải “bồi thường chiến phí” cho chúng. Kết quả là đất không chuộc được mà ngày càng mất thêm. Điều đáng lên án nữa của ông vua “hay chữ” này là trong lúc giặc đánh đến nhà, đất nước lâm nguy, nhưng nhà vua lo chống giặc thì ít, mà lo cho ngôi mộ của mình thì nhiều. Lăng Vạn Niên đã vắt kiệt tài hóa của đất nước, còn để lại miệng thế muôn đời bằng câu ca dao: "Vạn Niên là Vạn Niên nào/ Thành xây xương lính hào đào máu dân". Chính vì thế mà những đề xuất canh tân của Nguyễn Trường Tộ không những không được nhà vua nghe theo, mà bản thân ông còn bị nghi ngờ, xa lánh…

Bích Châu cũng như Nguyễn Trường Tộ, có nhìn thấy sự hôn ám, mờ tối của những vị vua mà họ hết lòng tận trung, một hai thiết tha, khẩn khoản mong vua cải cách, canh tân đất nước theo đề xuất của mình không? Chắc chắn là có. Nhưng sao họ vẫn hết lòng tin vào những con người u tối đó, vẫn tin tưởng rằng ông vua có thể làm được tất cả, chỉ cần vua nghe họ, làm theo họ là mọi sự sẽ thay đổi? Câu hỏi này có lẽ còn làm tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu…Trao đổi với chúng tôi xung quanh những đề xuất canh tân của Nguyễn Trường Tộ, nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Thiết nêu nhận xét:

- Nguyễn Trường Tộ chủ trương canh tân toàn bộ đất nước. Nhưng có một thứ cần phải canh tân nhất, canh tân đầu tiên, thì ông lại chưa nhìn thấy, đó là canh tân thể chế. Muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền, mà vẫn giữ nguyên thể chế phong kiến, thì làm sao xây dựng được?...

Nhận xét trên của nhà sử học, chúng tôi không bình luận nhưng nhìn sâu vào cuộc đời của hai nhà cải cách, canh tân Nguyễn Bích Châu và Nguyễn Trường Tộ, điều chúng tôi nhận thấy rõ nhất là  thời nào cũng vậy, khi đất nước xuất hiện những nhà cầm quyền tối tăm, và quyền lợi của họ không đồng hành với quyền lợi của nhân dân, thì bao nhiêu tâm huyết của những trí thức lớn đều bị đổ xuống sông xuống biển. (Còn nữa)

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.